Làm gì để bố mẹ hiểu mình hơn?

Ngày đăng: 26/10/2018

Ngày cập nhật: 07/11/2018

Ngày đăng: 26/10/2018

Ngày cập nhật: 07/11/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Em luôn muốn chia sẻ với bố mẹ nhiều chuyện nhưng mỗi lần chia sẻ ra bố mẹ lại chả bao giờ ủng hộ con cái cả cô ạ. Bọn em yêu nhưng bố mẹ lại bảo chỉ dừng lại ở mức bạn bè. Bố mẹ có bao giờ đặt mình vào tình huống của bọn em không cô? Hay bố mẹ chỉ biết ngăn cấm? Em hiểu bố mẹ sợ bọn em bị này nọ ảnh hưởng đến tương lai sau này nhưng bố mẹ cũng cần chia sẻ với bọn em để bọn em hiểu hơn, nhiều khi em vừa chia sẻ xong, mẹ em nói luôn: “Mẹ thấy con không nên yêu đứa đó…” Em phải làm gì bây giờ vậy cô?
(Bạn nữ, lớp 11)
Click vào ĐÂY để nghe phiên bản radio
Em thân mến,

Việc chia sẻ và trao đổi cùng bố mẹ về tình cảm, cảm xúc và mong đợi của mình vốn không dễ dàng gì, nên nhiều bạn cũng có cảm giác bối rối như em đang có vậy!Đúng là trong một cuộc trò chuyện mỗi bên đều đặt mình vào tình huống của người khác sẽ khiến cho những người trong cuộc dễ dàng hiểu nhau hơn. Em đã đặt mình vào vị trí của bố mẹ để hiểu rằng bố mẹ lo lắng cho em, sợ rằng em có thể mắc sai lầm hay đi vào con đường nhiều chông gai khiến cuộc sống không được như ý. Những điều này xuất phát từ tình yêu thương, từ tình cảm và mong đợi con cái được sống trong an lành hạnh phúc, nên thật đáng trân trọng phải không em? Hiểu điều ấy để bình tâm hơn, để đối thoại với bố mẹ trong sự hiểu biết và tôn trọng, cô tin bố mẹ sẽ lắng nghe và hiểu em nhiều hơn đấy!

Về mối quan hệ của em với người bạn trai hiện tại. Bố mẹ mong đợi tình cảm của các em chỉ dừng ở mức độ bạn bè. Còn em, em cảm nhận đó là tình yêu, và mong muốn duy trì mối quan hệ tình cảm ấy đúng như trái tim mình mách bảo? Nếu vậy, em xem liệu mình có thể sử dụng cách mà nhiều bạn trong tình huống của em vẫn làm hay không? Họ hiểu bố mẹ lo lắng cho mình nên đã trấn an bố mẹ bằng lời nói và những hành động cụ thể.


Trước tiên các bạn ấy bày tỏ sự biết ơn, tình cảm của mình dành cho bố mẹ khi thấy bố mẹ lo lắng. Nhân cơ hội đó, họ tìm hiểu thật cụ thể những lo lắng của bố mẹ là gì và thiết lập một chiến lược cho cuộc sống, mối quan hệ của mình với người yêu. Làm như vậy để bố mẹ và con cái có thể hiểu nhau hơn, để đảm bảo rằng các bạn ấy vẫn có thể đi trên con đường của mình, nhưng trong sự bình yên và hạnh phúc!
Cô nhớ một câu chuyện tương tự như thế này, một bạn gái chia sẻ với cô rằng, khi nghe mẹ bạn ấy đề nghị chỉ giữ mối quan hệ bạn bè với người bạn ấy yêu, bạn gái đó đã ôm chầm lấy mẹ và chia sẻ rằng: “Mẹ lo cho con phải không mẹ? Mẹ sợ con yêu sẽ ảnh hưởng đến việc học hành? A, hay mẹ lo con sẽ đi quá giới hạn, sẽ để cảm xúc lấn át dẫn đến những hành động không phù hợp với lứa tuổi học trò? …” Bạn ấy nài nỉ: “Mẹ ơi, mẹ lo lắng những gì mẹ nói cho con nghe để con tránh ạ”.

Và mẹ bạn ấy đã nói cụ thể hơn những lo lắng của mình. Một phần trong đó giống với những gì bạn ấy đã hình dung. Bạn ấy thấy những điều mẹ nói thật đúng biết bao bởi cuộc sống này có nhiều điều khó lường quá. Nhưng, nhờ có những chia sẻ như vậy mà hai mẹ con bạn ấy, có khi cả bố nữa đã có cơ hội để trao đổi nhiều điều hơn. Họ trao đổi về tâm lý con trai và những “tuyệt chiêu” các thanh niên nam sử dụng để dễ làm các cô gái hành động theo cảm xúc. Mà hành động theo cảm xúc nhiều khi khó lường lắm, nên biết được những nguy cơ sẽ khiến cho các bạn gái luôn có cả lý trí dẫn đường trong mọi tình huống.

Bạn gái ấy nói rằng, hiểu được những lo lắng cụ thể của bố mẹ, bạn ấy đã lên một kế hoạch chi tiết cho mình trong việc học tập, trong nghề nghiệp tương lai và trong mối quan hệ với người bạn trai của mình. Bạn ấy chia sẻ với bố mẹ tình cảm mình đang có là tình yêu và hiểu tình cảm tuổi học trò chỉ đẹp khi nó thực sự trong sáng, khi cả hai cùng nhau tiến bộ trong học tập, trưởng thành trong suy nghĩ và cách ứng xử.

Bạn gái đó nói với bố mẹ với giọng nói chắc chắn, đầy tính cam kết rằng: chắc chắn bố mẹ sẽ nhìn thấy sự phát triển theo hướng tiến bộ, tốt đẹp trong mối quan hệ của các bạn ấy, chứ không phải là những hành động quá giới hạn, hay những việc làm khiến bố mẹ phải lo lắng.
Bạn ấy cũng chia sẻ điều này với bạn trai. Vì có tình cảm chân thành nên chàng trai đó đã cùng bạn ấy quyết tâm duy trì mối quan hệ tình cảm của hai người theo hướng bạn gái đã nói với gia đình. Những gì họ làm qua thời gian khiến cho bố mẹ yên tâm, bố mẹ tin tưởng và tôn trọng.

Từ đó, mỗi khi có niềm vui, có điều gì khó khăn hay lo lắng, bạn ấy lại chia sẻ cùng bố mẹ. Còn bố mẹ lại lắng nghe, lại đồng hành để bạn ấy hiểu rõ hơn góc nhìn, và học hỏi những trải nghiệm quý giá của người lớn để tránh cho mình những vấp ngã trong cuộc đời.

Em có thể nghĩ câu chuyện cô kể giống như cổ tích vậy. Nhưng thời hiện đại cũng có những câu chuyện cổ tích như thế đấy. Để viết lên những câu chuyện cổ tích thời hiện đại, đòi hỏi mỗi chúng ta phải nỗ lực, cố gắng thật nhiều để tạo nên những thay đổi của đời sống, của cách nghĩ và phương thức giao tiếp ứng xử.

Cô nhớ Louisa May Alcott từng nói rằng: Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu. Bởi thế, khi em thấy tình yêu trong những lo lắng của bố mẹ, khi em hành động để hoá giải những lo lắng ấy, bố mẹ chắc chắn sẽ bắt nhịp với hành trình em đang đi, sẽ lắng nghe, sẽ chia sẻ, sẽ đặt mình vào vị trí của em, sẽ tôn trọng, tin tưởng và tự hào về em nhiều lắm!

Cô tin rằng em sẽ viết lên được những câu chuyện như thế với gia đình và với cả chàng trai em đang dành tình cảm đặc biệt ấy!

Chúc mọi điều tốt lành sẽ luôn đến với em!

PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC

Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên

Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta

Hoặc qua kênh online:

 https://www.facebook.com/phung.hien.18

 hienpt16@fe.edu.vn

 

Tin cùng chuyên mục