Làm gì để bố mẹ ủng hộ ước mơ của mình?

Thưa cô, em muốn bố mẹ hiểu em hơn, giúp đỡ em thực hiện ước mơ của mình, em nên làm thế nào ạ? (Học sinh nam, lớp 10)

Em thân mến,

Bố mẹ luôn là những người có sức ảnh hưởng rất lớn tới chúng ta, vì vậy bất kỳ ai cũng mong muốn nhận được sự đồng thuận, sự ủng hộ của bố mẹ, đặc biệt là trong việc thực hiện những ước mơ của mình!

Em đã từng chia sẻ ước mơ của mình nhưng chưa nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ phải không em? Lý do bố mẹ chưa ủng hộ em là gì? Em nghĩ như thế nào về những trao đổi của bố mẹ?

Thật tiếc là em chưa chia sẻ cụ thể ước mơ của mình là gì, và chưa cho cô được câu trả lời cho những câu hỏi trên. Nhưng có ước mơ, có khát khao đã là điểm bắt đầu tuyệt vời để mỗi người chúng ta có ngọn lửa chỉ dẫn trên con đường mình bước. Thật mừng là em đã luôn hướng về phía trước. Tuy nhiên, mỗi ước mơ luôn cần một quá trình chinh phục. Quá trình ấy có thể bắt đầu từ việc chinh phục những người thân yêu để họ cùng đồng hành, ủng hộ cho mình. Vì thế, nếu bố mẹ chưa hiểu, em hoàn toàn có thể giúp bố mẹ hiểu mình hơn phải không chàng trai?

Một trong những cách làm kinh điển để hiểu bản thân và giúp người khác hiểu mình là tự phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT) như những gì chúng ta đã học trong môn “Nhận thức bản thân”.  Một ước mơ không thực tế vì nó chỉ là điều mình thích, còn năng lực chúng ta không có hoặc có quá ít để phát triển; xã hội cũng không có nhu cầu nhiều với nghề đó, gia đình lại không có tiềm lực để hỗ trợ…

Với một ước mơ như vậy, mỗi người sẽ đối diện với quá nhiều thử thách, trong khi cơ hội thì gần như không có. Trường hợp này có thể em cần cân nhắc đến những gì bố mẹ đang quan ngại. Bởi vấn đề không phải là bố mẹ không ủng hộ mà là ước mơ đó thực sự còn xa quá. Khi ấy có thể em sẽ đi mà không tới, và vô tình bỏ lỡ những ước mơ khác khả thi hơn.

Khi phân tích, em thấy bảng SWOT với thật nhiều điểm sáng thì em hoàn toàn có thể trình bày với bố mẹ để họ hiểu em hơn và cùng đồng hành trên con đường em vươn tới giấc mơ. Ví dụ, một bạn nam trong tình huống của em có ước mơ trở thành một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, bạn ấy phân tích SWOT như sau:

Khi có bản phân tích SWOT rõ ràng, cụ thể và chi tiết, bạn ấy suy nghĩ và đề xuất luôn các giải pháp, những hành động để phát huy điểm mạnh, tận dụng cơ hội, và khắc phục điểm yếu, hạn chế thách thức.

  • Duy trì và thúc đẩy kết quả ở các môn Văn, Anh, Sử, Địa, tìm gia sư học bồi dưỡng môn Toán để hướng tới mục tiêu trung bình các môn thế mạnh ở mức tối thiểu 9.0 trở lên từ học kỳ 1 năm lớp 11.
  • Tham gia các hoạt động sự kiện, thiện nguyện của trường, phấn đấu trở thành leader của 1 trong các câu lạc bộ hoạt động xã hội của trường.
  • Tình nguyện là thành viên của đội Học sinh FS (FPT School) tiếp đoàn quốc tế để rèn luyện kỹ năng tiếng Anh, và mở rộng mạng lưới với học sinh quốc tế.
  • Rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc, tăng cường cơ hội nói trước đám đông để đến lớp 12 có thể tự tin hùng biện, thuyết trình hoặc phát biểu trước học sinh toàn trường.
  • Ăn đủ bữa, uống đều sữa, ngủ đủ giấc và tập thể thao 30 phút/ngày để cơ thể khoẻ mạnh, rắn chắc và ở top trên trong thang đo về cân nặng chiều cao của những người cùng lứa tuổi.
  • Đăng ký nguyện vọng khối D (Toán, Văn, Anh) để bớt cạnh tranh.

Khi đã hiểu rõ bản thân, có giải pháp và chiến lược rõ ràng hướng đến ước mơ, bạn ấy còn lên một kế hoạch chi tiết với thời gian cụ thể để quản lý đầu ra và đánh giá tiến độ hoàn thành mục tiêu của chính mình trong từng giai đoạn.

Khi chắc chắn và rất tự tin về sự lựa chọn của mình rồi thì chàng trai đó thuyết phục bố mẹ bằng cách trình bày cụ thể ước mơ của mình xuất phát từ đâu, và bạn ấy sẽ làm như thế nào để vươn tới ước mơ của mình. Bạn trai này kêu gọi bố mẹ theo dõi kế hoạch mình đã đặt ra để cùng xem xét, đánh giá tiến độ. Đây cũng là cách để bố mẹ thấy được những hành động thực tế của bạn ấy, những điều chứng minh cho sự lựa chọn của bạn ấy là đúng đắn.

Bạn ấy gây dựng được niềm tin với bố mẹ mình và họ đã cùng đồng hành trên con đường bạn ấy bước, mà không gặp tình huống giống như Anna Mary Robertson. Anna (sinh năm 1860) là một cô gái trẻ xuất thân gia đình nông dân… và cô thích vẽ. Ước mơ của cô là trở thành một danh hoạ thế giới. Nhưng rồi bố mẹ cô đã khuyên cô từ bỏ giấc mơ ấy đi vì cô sẽ chết đói với cái nghề vẽ.

Có lẽ lúc đó Anna chưa sử dụng bảng SWOT nên cô nghe theo bố mẹ. Anna gác lại những mơ ước của mình, tiếp tục công việc làm nông của gia đình và lấy chồng, sinh con như bao người phụ nữ ở làng. Bước qua tuổi 75, sau khi chồng qua đời và các con đã trưởng thành, bà đã quá già để có thể làm nông. Vì vậy, bà quyết định tìm về ước mơ thuở thiếu thời của mình – trở thành một hoạ sĩ.

Suốt thập kỉ 1950, những cuộc triển lãm tranh của bà trở nên nổi tiếng đến mức phá vỡ kỷ lục về số lượng người xem trên toàn thế giới. Trong 10 năm cuối cuộc đời, các tác phẩm của bà được bán với giá 100.000$ mỗi bức. Người ta ước tính rằng nếu bà bắt đầu sự nghiệp hội hoạ ngay từ thời niên thiếu, bà sẽ trở một trong những phụ nữ giàu có nhất nước Mỹ.

Cô tin rằng nếu như em định hình được ước mơ, trao đổi với bố mẹ dựa trên những cơ sở rõ ràng và hành động thực tế, bố mẹ sẽ là những người đầu tiên đồng hành, vun trồng cho giấc mơ của em ngay từ bây giờ!

Chúc em mọi điều như ý!

 

Ngày đăng: 12/11/2018

Ngày cập nhật: 12/11/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh