Liệu em có bị vô sinh không?
Em thân mến,
Em đang băn khoăn đến khả năng sinh sản và nguy cơ tái nhiễm của mình khi em từng bị quai bị từ năm lớp 1. Những người quan tâm và quý trọng sức khoẻ của bản thân, nhiều khi cũng có những lo lắng như em!
Cô chưa rõ hiện tại có biểu hiện bất thường nào về mặt cơ thể khiến em lo lắng khi thấy một số bạn mắc quai bị không, nên trước mắt, cô sẽ cung cấp một số thông tin để em có cái nhìn tổng quan về bệnh này.
Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm paramyxovirus gây ra. Biểu hiện lâm sàng sẽ tuỳ thuộc theo tổ chức bị tổn thương như tuyến nước bọt, tuyến sinh dục, màng não, tuyến tuỵ kèm theo. Bệnh đa phần xảy ra ở trẻ em, lây lan chủ yếu qua nước bọt do bệnh nhân ho ra thành những hạt li ti có chứa vi rút.
Thông thường, người ta chỉ bị quai bị 1 lần trong đời và sau khi khỏi, người đã từng mắc sẽ được miễn dịch suốt đời, nên nếu em từng mắc khi còn bé, em không cần phải lo lắng về nguy cơ tái nhiễm nữa nhé.
Có thể em đã biết, một trong những biến chứng của bệnh quai bị là có thể gây vô sinh do:
- Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn (chiếm khoảng 20 – 30% trường hợp mắc bệnh). Nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy rằng, có khoảng 30-40% trường hợp viêm tinh hoàn dẫn đến teo tinh hoàn sau 2-4 tháng
- Viêm buồng trứng ở nữ: chiếm khoảng 7% trường hợp nhưng rất hiếm khi xảy ra vô sinh.
So sánh giữa bạn nam và bạn nữ mắc quai bị, thì nam giới có tỉ lệ biến chứng và nguy cơ cao hơn. Song không có nghĩa là bạn nam nào mắc quai bị cũng dẫn đến vô sinh. Mặc dù càng ngày càng ít người mắc quai bị hơn do việc tiêm phòng đã rất phổ biến, nhưng không có nghĩa là tình trạng bệnh khó nhận diện. Trong thời đại ngày nay, những dấu hiệu của bệnh phổ cập trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên mọi người dễ dàng tìm được thông tin, cộng với kinh nghiệm của người lớn trong chuyện này cũng nhiều. Nên hẳn ngay sau khi nhận diện tình huống em mắc quai bị bố mẹ có lẽ cũng đã có giải pháp phù hợp cho em, vì thế, em không cần phải bận tâm về điều này nếu cơ thể không có những dấu hiệu bất thường.
Trong trường hợp, em thấy tinh hoàn của mình có dấu hiệu teo nhỏ hoặc có bất kỳ biểu hiện nào khác như sưng, nóng, đỏ, đau… ở cơ quan sinh dục, em có thể đến thăm khám tại chuyên khoa nam học của các bệnh viện đa khoa để xác định rõ nguyên nhân và điều trị nếu cần.
Nếu bác sỹ nghi ngờ có dấu hiệu teo nhỏ tinh hoàn và nguyên nhân có thể do biến chứng của quai bị, họ sẽ cho làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm tinh hoàn, làm xét nghiệm tinh dịch… mới có thể kết luận được em nhé!
Hy vọng những thông tin trên hữu ích với em phần nào!
Chúc em sức khoẻ và nhiều niềm vui!
PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC
Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên
Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta
Hoặc qua kênh online:
Chuyên mục: Bức thư chiều thứ 6 Tin tức
Ngày đăng: 04/05/2018
Ngày cập nhật: 09/05/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025