Mảng tối đáng sợ của đứa trẻ tuổi 15 vâng lời: Lời cảnh tỉnh cho những cha mẹ chỉ mong con mình ‘gọi dạ, bảo vâng’, chăm ngoan, học giỏi

Bình thường con trẻ tuổi dạy thì ta chỉ mong chúng vâng lời cho yên lòng. Nhưng có những gia đình lại có những đứa trẻ quá ngoan ngoãn đến mức lạ đời. Chúng ù ì, bào gì làm đấy, sống như một con “gà công nghiệp”. Cái giá tiềm ẩn phải trả cho cái sự “ngoan” này không chỉ là thành công tương lai của đứa trẻ, mà chính đời sống cảm xúc của các em cũng bị vùi dập chỉ để làm hài lòng người lớn.

Bạn có từng gặp vấn đề này ở con mình: Bảo ăn thì đến bữa biết ngồi ăn, bảo học bài thì răm rắp học. Ngày nào cũng như ngày nào đi học rồi đi học thêm rồi về nhà lại học. Bạn bao bọc và sắp xếp hết mọi thứ cho cuộc sống và đẩy chúng vào hoàn cảnh như một con robot. Sống rất ngoan nhưng thực sự chúng có đang được “sống”?

Bởi vì chúng chẳng bao giờ gây ra nhiều vấn đề trầm trọng, vậy nên người lớn chúng ta thường cho rằng có được những đứa con ngoan là điều tuyệt vời nhất trên đời. Bố mẹ sẽ không phải quá lo lắng về chúng; họ cần phải đau đầu về những đứa trẻ chỉ biết phá phách, cãi lời bố mẹ kia.

Các ông bố bà mẹ vẫn tưởng trẻ ngoan là tốt; bởi vì chúng chăm chỉ làm mọi thứ mà người lớn kỳ vọng. Và tất nhiên, đó mới chính là vấn đề. Những nỗi đau khổ thầm kín – và các vấn đề trong tương lai – của những đứa trẻ ngoan thực ra lại bắt nguồn chính từ việc chúng tuân thủ mọi quy tắc một cách quá mức.


Rất nhiều đứa trẻ ngoan ngoãn chỉ bởi vì cha mẹ chúng tuyên bố rõ ràng rằng họ đã quá mệt mỏi với những rắc rối của cuộc đời này để phải giải quyết thêm các vấn đề mà chúng gây ra.

Hoặc có thể lũ trẻ này chịu ngoan vì chúng biết rằng điều này sẽ làm dịu lòng những bậc cha mẹ hay cáu giận, những người sẽ trở nên cực kỳ đáng sợ trước bất cứ hành vi “lệch chuẩn” nào của đứa con.

Hoặc có thể cha mẹ chúng quá bận làm việc và lướt điện thoại; và chỉ bằng cách ngoan ngoãn, các bạn ấy mới hy vọng lấy được chút sự chú tâm của cha mẹ dành cho mình. Điều mà mọi đứa trẻ tuổi 15 mong muốn là được cha mẹ để mắt đến.

Nhưng sự đè nén những cảm xúc cá nhân bên trong, mặc dù tạo cảm giác vâng lời dễ chịu ngắn hạn, lại đang tích trữ những vấn đề lớn trong cuộc đời sau này của một đứa trẻ.

Những nhà giáo dục trẻ và bậc cha mẹ nên phát hiện những dấu hiệu của sự vâng lời thái quá này ở con mình – và coi chúng như những triệu chứng rất nguy hiểm.

Một đứa trẻ ngoan sẽ vì muốn hài lòng bố mẹ mà chôn giấu quá nhiều bí mật và chỉ luôn đeo mặt nạ để che giấu đi cảm xúc thật của mình.

Chúng nói những lời đáng yêu, kính trọng, chúng là những chuyên gia trong việc thỏa mãn những kỳ vọng của khán giả, nhưng suy nghĩ và cảm giác thật của mình sẽ bị vùi lấp và ‘đẻ’ ra những triệu chứng thần kinh, nổi cáu bất chợt và sự cay đắng không nguôi ngoai vì “hư” là một hành vi chúng không được phép thể hiện.

Căn bệnh của đứa trẻ ngoan là chúng chưa bao giờ có kinh nghiệm bị người khác lật tẩy những mặt trái của con người mình.

Chúng đã bỏ lỡ một đặc ân quan trọng mà một đứa trẻ phát triển lành mạnh có được; đó là được thể hiện những cảm xúc “xấu tính” nhưng rất “người” như ghen tỵ, tham lam, ích kỉ, và tuy vậy vẫn được chấp nhận và yêu thương…

Tại trường học, những người trưởng thành ngoan ngoãn, hiền như cục bột cũng gặp phải nhiều vấn đề. 

Khi còn nhỏ, họ chỉ biết tuân theo các mệnh lệnh; không bao giờ gây ra rắc rối và rất chú tâm vào việc không làm ai bực mình.

Nhưng tuân theo những quy tắc này sẽ không thể đưa bạn tiến xa trong cuộc đời. Gần như mọi điều thú vị, đáng giá, quan trọng trong cuộc đời này mà bạn làm đều sẽ gặp phải sự phản kháng.

Một ý tưởng kiệt xuất sẽ luôn làm thất vọng một số người nào đấy – tuy nhiên, chúng vẫn rất đáng để bạn tiếp tục làm. Bởi vậy, nếu cứ mãi ngoan từ nhỏ đến lớn, đứa trẻ này sẽ mãi không thể đi lên đỉnh cao sự nghiệp mà chỉ chăm chăm đi làm hài lòng đồng nghiệp và sếp.

Trưởng thành đúng nghĩa là khi bạn dám chấp nhận những mối quan hệ thẳng thắn, không sợ hãi, dám phơi bày những mảng tối trong mình, chứ không chỉ đi làm “con sen” cho trăm họ. 

Nó đòi hỏi bạn phải chấp nhận rằng không phải mọi thứ khiến mình hạnh phúc thì cũng sẽ làm người đời hài lòng hoặc được xã hội ngợi ca là “ngoan”.

Mong muốn “ngoan ngoãn” là một trong những điều đẹp đẽ nhất trên thế giới này, nhưng để có một cuộc sống tốt đẹp thực sự, chúng ta đôi khi sẽ cần hư một cách hiệu quả và dũng cảm (so với tiêu chuẩn của một đứa trẻ ngoan).

Vậy nên các bố mẹ, hãy dành một chút thời gian bận rộn cả ngày của mình để quan sát con trẻ. Chúng có thực sự “ngoan” như những gì cha mẹ mong muốn không? Bố mẹ có muốn chúng như những chú gà công nghiệp để mai này khi “vứt” ra ngoài xã hội, chúng thực sự sẽ bị choáng ngợp bởi sự nhút nhát của mình. Hay tệ hơn, sự ngoan ngoãn kia chỉ như báo hiệu ngầm cho cơn nổi loạn bên trong các bạn ấy.

Ai cũng muốn con mình dễ bảo, vâng lời nhưng các bố mẹ hãy phân biệt rõ giữa ngoan ngoãn và nhu nhược, đừng vui khi thấy con nghe mình 100%, đừng tự hào khi kể rằng con tôi chỉ biết ăn và học. Tuổi 15 là lứa tuổi cần phải nhận được chú ý nhiều hơn từ cha mẹ mình.

 

Ngày đăng: 29/11/2019

Ngày cập nhật: 01/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh