“Nếu con chị trở thành một người vô ơn, chị sẽ phản ứng thế nào?”

Hôm trước có một bạn phóng viên chuyên trang về gia đình inbox hỏi tôi:

– Nếu con chị sau này trở thành một người vô ơn, chị sẽ phản ứng thế nào?

Tôi bảo:

– Với con cái, mình không có khái niệm vô ơn! Người ta sẽ chỉ thấy ai đó vô ơn khi đang mong chờ họ trả ơn thôi! Mình không mong chờ điều đó! Các con mình chỉ cần sống cho tốt cuộc đời của chúng là đủ!

Tại sao tôi lại nói vậy?

Trước tiên, chúng ta hãy cùng phân tích xem như thế nào là một người con vô ơn? Người con vô ơn tức là người sống chỉ biết vun vén cho mình, không nghĩ tới bố mẹ, họ luôn xem sự giúp đỡ, bao bọc, che chở của bố mẹ là lẽ tất nhiên nên không lấy làm cảm kích công ơn đó. Thậm chí, có những người con không những không biết ơn bố mẹ, không tìm cách báo hiếu, chăm lo cho bố mẹ lúc về già mà còn bòn rút tiền của, gia sản của bố mẹ đến tận xương tủy! Đó chính là biểu hiện của sự vô ơn!

Vậy, tại sao luôn tồn tại những người con vô ơn bên cạnh những người con hiếu thảo?

Có phải rằng ngay từ khi sinh ra, chúng đã được ấn định sẽ là những đứa trẻ vô ơn hay không?

Câu trả lời là không! Nhân chi sơ, tính bổn thiện! Không ai ngay từ khi sinh ra đã là người xấu. Sự tha hóa lương tâm, đạo đức của một người chính là do sự tác động từ môi trường giáo dục và hoàn cảnh sống. Mà trong đó, gia đình chính là trường học, bố mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con cái.

Môi trường gia đình chính là cái nôi hình thành nhân cách con trẻ từ khi chúng mới được sinh ra cho đến khi trưởng thành.

Sự giáo dục từ gia đình chính là cái nôi hình thành nhân cách của con.

Tôi có biết một anh chàng hơn tôi 1 tuổi tên H. Năm tôi học năm thứ 2 đại học, H đã lấy vợ. Chắc ai cũng đoán ra được, anh ấy lập gia đình sớm như vậy chính là vì bác sĩ bảo cưới. Bạn thân của tôi học cùng lớp H có kể với tôi rằng, ngày H dẫn bạn gái về nhà, mẹ H dù có chửi cho một bài dài cả cây số nhưng cuối cùng vẫn bảo: “Chúng mày chỉ việc đi đăng ký. Chuyện cưới xin, sinh đẻ mẹ cân tất!”. Thế là họ cưới!

3 năm sau khi cưới, có một lần H nhắn tin vay tiền tôi nhưng thực sự lúc đó tôi cũng nghèo thê thảm lấy đâu ra tiền mà cho vay. Bạn tôi kể, hai vợ chồng H cá độ bóng đá thua đâu hơn 470 triệu. Chủ nợ lùng sục khắp nơi để đòi tiền, mẹ anh ta lại phải đứng ra cầm bìa đỏ trả nợ cho con trai. Ấy không phải là lần đầu. Tổng cộng tất cả các lần chắc phải mất đến vài tỉ tiền cá độ, lô đề, chứng khoán, kinh doanh phá sản… và cuối cùng người đứng ra trả nợ lại vẫn là mẹ anh. Sau lần đó, mẹ H thề sẽ không giúp con thêm một lần nào nữa nhưng tôi nhớ không nhầm tính cho đến hiện giờ, H vẫn nổi danh trong đám bạn bè bởi độ chịu chơi mà công ăn việc làm chẳng có.

Gia đình H từ chỗ có kinh tế khá giả đến mức phải cầm bìa đỏ, nợ nần chồng chất nhưng anh ta vẫn chẳng tu chí làm ăn và xem việc trả nợ là của mẹ, không phải của mình! Bị mẹ quở trách, H còn phản ứng lại đổ lỗi là tại mẹ mà anh ta mới thê thảm như ngày hôm nay! Mẹ anh ta chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong, tự than thân trách phận vì đẻ ra một đứa con bất hiếu!

Câu chuyện nhà H cũng gần giống câu chuyện nhà P.A. Cô có một em gái tên L.A. Trong gia đình có hai chị em nhưng P.A luôn là người phải làm việc nhà, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ già cả, cũng là người chăm sóc khi ông bà đau ốm. Còn L.A, ngay từ bé cô đã không phải làm gì chỉ tập trung học tập. Ấy vậy mà kết quả học tập vẫn chẳng ra gì. Khó khăn lắm cô mới đậu đại học vào một trường Dân lập ở Hà Nội. Ra trường, L.A được chị sắp xếp cho một công việc ở công ty một người bạn nhưng L.A đi làm buổi đực buổi cái rồi đột ngột nghỉ mà chẳng buồn xin phép ai làm chị cô mất mặt với bạn. Ấy thế mà bị chị mắng, L.A vẫn tỉnh bơ như không, chẳng biết hối lỗi cũng chẳng buồn cảm ơn chị mình lấy một tiếng. Cô cứ mặc nhiên sống vô kỷ luật như thế, để đời mình cho bố mẹ và chị gái lo.

Trường hợp của H và L.A, tôi gọi là “những đứa trẻ to xác”. Tức là, về mặt sinh học, tuổi tác, cơ thể họ đã đạt giới hạn trưởng thành nhưng về suy nghĩ, lối sống chỉ như những đứa trẻ mà thôi!

Điểm chung của họ là gì? Chính là lối sống buông thả, không mục đích không kế hoạch. Họ cứ phó mặc cuộc đời mình cho bố mẹ, người thân. Vô trách nhiệm với chính cuộc đời của mình là đặc điểm nổi bật của những người con vô ơn! Bởi lẽ, ngay đến cuộc đời mình còn không lo nổi thì mong gì họ có thể quay lại hiếu thuận với mẹ cha?

Nhưng, căn nguyên gốc rễ dẫn đến thực trạng đau buồn này về cơ bản cũng rất giống nhau! H có một người mẹ rất mạnh mẽ, quyết đoán. Từ xưa đến nay, đều một tay bà cáng đáng kinh tế gia đình. Lời bà nói như thánh chỉ, chẳng ai dám cãi lại. Thay vì dạy con tự lập, bà lại làm hết hộ con. Thay vì dạy con kiếm tiền và tự chịu trách nhiệm với những việc làm của mình bà lại luôn đứng sau chống lưng cho con, chi tiền giải quyết những vấn đề của con. Ngay cả việc H đi học đại học cũng là một tay mẹ tận dụng mối quan hệ bỏ tiền ra xin cho con một suất! Từ tấm bé đã sống trong sự bao bọc của mẹ khiến H hình thành tư tưởng dựa dẫm. Chỉ cần mắc sai lầm, đã có mẹ đứng ra cứu giúp. Thế nên, H cứ phạm hết từ sai lầm này đến sai lầm khác mà không hề mảy may nghĩ đến việc giải quyết, khắc phục hay sửa chữa. Dần dà, anh ta nghiễm nhiên xem đó là nghĩa vụ của cha mẹ theo kiểu “con dại, cái mang”.

Trường hợp của L.A cũng tương tự, chính vì được sống trong sự bao bọc từ bé, L.A trở nên ích kỷ và luôn có tư tưởng chống đối. Bởi vì, ngay từ khi con bé, cô đã không mấy khi được bố mẹ và chị gái tin tưởng. Họ luôn vẽ sẵn cho L.A những con đường để cô đi và xem rằng đó là điều tốt nhất cho cô nhưng lại không biết rằng cô không muốn sống theo sự sắp đặt của họ.

Còn đứng về phía mẹ H, chị của L.A thì sao? Họ lại luôn nghĩ rằng, mình làm như vậy là tốt, là biểu hiện của người rất có trách nhiệm, rất giỏi giang. Càng nghĩ vậy, họ càng tự hào về mình và tự cho mình quyền được can thiệp quá sâu vào những quyết định cuộc đời con. Việc làm của họ khiến con cái không có cơ hội được tự chủ, chúng gần như bị tước mất cơ hội được va vấp, học hỏi, rút kinh nghiệm và trưởng thành.

Sự bao bọc và can thiệp quá mức khi đó lại trở thành kìm kẹp, gia trưởng khiến chính những người con, người em của họ bị tổn thương. Nỗi ấm ức cứ dồn nén dần chờ ngày bộc phát. Sau cùng, họ luôn cố tình đi ngược lại những mong muốn của mẹ, của chị. Đơn giản chỉ vì họ muốn thể hiện cho bố mẹ thấy “họ sẽ tự quyết định cuộc đời mình. Không cần bố mẹ, anh chị phải quan tâm!”

Sự bao bọc và can thiệp quá mức của cha mẹ vô tình trở thành kìm kẹp khiến con cái tổn thương, dẫn đến những hành động phản kháng để lại hậu quả đáng tiếc.

Tôi kỳ thực thấy họ đáng trách nhưng cũng rất đáng thương. Mỗi người sinh ra trên đời, hạnh phúc nhất chính là được bay lượn trên bầu trời tự do bằng đôi cánh của mình, không ai thích là cái bóng của kẻ khác. H cũng vậy và L.A cũng thế. Nếu họ được dạy dỗ bằng những phương pháp đúng đắn hơn, nếu họ được tôn trọng hơn, được tự mình quyết định, được học cách chịu trách nhiệm từ tấm bé, có lẽ mọi chuyện đã khác!

Dù hai con tôi còn rất nhỏ, nhưng tôi luôn tự nhủ với lòng mình bằng mọi cách sẽ luôn tôn trọng những quyết định của chúng trên tinh thần dạy chúng tự chịu trách nhiệm về những gì mà chúng làm. Đơn giản như việc, mỗi khi Suri muốn mang đồ chơi ra nghịch, tôi đều dặn trước với con rằng “Mẹ đồng ý để con chơi với điều kiện khi con chơi xong phải tự mình dọn gọn gàng!”. Sau nhiều lần như vậy, con bé hình thành thói quen tự dọn dẹp bãi chiến trường do mình bày ra, không để mẹ phải dọn thay cho nữa.

Hay như một lần nọ, tôi cho Suri sang nhà bác chơi, con bé nhất định không chịu đi xe chòi mà chỉ đòi đi bộ. Tôi bảo: “Mẹ đồng ý để con đi bộ nhưng con sẽ phải đi bộ hết cả quãng đường từ đây sang nhà bác và đi bộ về! Mẹ sẽ không bế con đâu!”. Lần đó, con bé đã cố gắng đi bộ sang đến nhà bác nhưng trên đường về, con bé kêu mỏi chân và đòi mẹ bế. Tôi bảo: “Mẹ cũng mỏi chân quá, hay con bế mẹ đi!”. Thế là, con bé lại hì hục lết về đến tận nhà và lần sau nó quyết định đi xe chòi chứ không đi bộ nữa!

Nếu tinh ý, cha mẹ sẽ nhận thấy, ý thức tự chịu trách nhiệm của con được hình thành từ những việc tưởng chừng rất nhỏ. Vậy nên, ta hãy cứ dạy con từ những điều nhỏ bé, đừng vội nghĩ tới những điều quá lớn lao, xa vời!

Sau này khi Suboi nhà tôi lấy vợ, quan điểm của tôi cũng là chúc phúc chứ không can thiệp! Bởi người lấy vợ là nó chứ không phải là tôi! Phù hợp hay không chỉ nó là người hiểu rõ nhất! Chuyện riêng của con, bố mẹ chỉ cần tin tưởng và tôn trọng chúng là đủ!

Nhưng tôi tin, với cách giáo dục dựa trên nền tảng tình yêu thương, tin tưởng và tôn trọng, bất kể đứa trẻ nào khi lớn lên cũng sẽ đều cảm thấy hạnh phúc và biết ơn bố mẹ chúng! Bạn càng gò chúng vào những cái khuôn, chúng càng muốn thoát ra. Bạn càng cấm chúng không được bay xa, chúng càng muốn cao chạy xa bay khỏi vòng kiểm soát của bố mẹ.

Không có bất cứ đứa con nào muốn ở cạnh những ông bố bà mẹ luôn luôn không có sự tin tưởng và tôn trọng chúng trừ khi chúng bị lệ thuộc vào bố mẹ trong vấn đề kinh tế. Điều đó quả thực chẳng dễ chịu gì!

Tôi đã đọc ở đâu đó một câu nói thế này “Nếu bạn thích một bông hoa, bạn hái nó về cắm vào lọ. Vài ngày sau hoa tàn. Nếu bạn thực sự yêu bông hoa đó, bạn sẽ không hái nó mà để nó nguyên trên cây. Hàng ngày tưới nước cho nó. Thời gian trôi qua, cái cây lớn lên, cành lá xum xuê, hoa nở trĩu trịt, hương thơm ngào ngạt”.

Có những người cứ luôn tưởng rằng, sự bao bọc của mình chính là điều tốt nhất đối với con cái giống như việc bông hoa kia bị ngắt khỏi cây để cắm vào lọ. Họ không biết rằng sự bao bọc và can thiệp thái quá vào những quyết định trong cuộc đời những đứa con chẳng khác nào chiếc lồng nhốt tâm hồn của chúng, tước đoạt đi cơ hội được trải nghiệm, va vấp và trưởng thành của chúng. Biến chúng thành những kẻ ăn bám, bất tài vô dụng, vô ơn bạc nghĩa.

Nghịch lý xã hội luôn tồn tại những ông bố bà mẹ bỏ bê dạy dỗ con khi chúng còn nhỏ và quản lý chúng khi chúng đã lớn. Làm ơn, hãy làm ngược lại, quan tâm dạy dỗ con ngay từ giai đoạn sơ sinh và buông tay đúng lúc. Ấy chính là ta đã chăm bẵm một cái cây từ gốc rễ rồi để nó tự trưởng thành ra hoa, kết quả.

Hãy thay đổi tư duy, thay đổi cách làm vì một tương lai không còn “những đứa trẻ to xác”!

Theo Lê Thanh Ngân

 

Ngày đăng: 12/07/2018

Ngày cập nhật: 01/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Học sinh trường THPT FPT Hà Nội mang “Giáng sinh yêu thương” đến với các em nhỏ tại Mái Ấm Thiên Ân
55 đội tuyển sẵn sàng chinh phục giải bóng đá lớn nhất năm tại trường THPT FPT Hà Nội
Khám phá lớp học quốc phòng nghiêm túc và sôi nổi tại trường THPT FPT Hà Nội
Sôi động tại giải thể thao Nexus 2024 giữa cha mẹ học sinh và cán bộ giáo viên Trường THPT FPT Hà Nội
Hóa thân thành nhân vật, học sinh trường THPT FPT Hà Nội sống trọn vai cùng tác phẩm “Chí Phèo”
Bùng nổ sáng tạo tại Chung kết AI Educamp 2024 cấp trường dành cho cán bộ giáo viên trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tái hiện lớp học Việt Nam qua các thời kỳ nhân dịp 20/11
Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh