Nghe FSchooler kể chuyện thi đấu Robotics tại Mexico
Đã 1 tuần kể từ ngày đội tuyển Robotics FSchool (đại diện Việt Nam) trở về nước sau giải đấu FIRST Global 2018 trên đất Mexico. Khép lại cuộc thi với thành tích cao nhưng vượt lên trên câu chuyện thắng thua, bài học, kinh nghiệm cùng những trải nghiệm văn hóa với bạn bè năm châu mới là điều mà những FSchooler trân trọng hơn cả.
Cùng gặp gỡ Phương Nam 11A2 và Thảo Nguyên 11A1, 2 thành viên nhỏ tuổi nhất của đội tuyển, lắng nghe họ chia sẻ về hành trình học hỏi, giao lưu đáng nhớ của mình tại FIRST Global 2018 nhé!
Đến với giải đấu tại Mexico với không ít khó khăn, đội tuyển Việt Nam FIRST Global đặt ra mục tiêu thế nào khi đến với sân chơi này?
Phương Nam: Từ ban đầu, mục tiêu tham gia của đội là để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè thế giới. Bước vào giải đấu với không ít trở ngại nhưng càng đi sâu vào giải đấu, lấn sâu vào giải quyết các bài toán chức năng của robot, mình càng trau dồi thêm được những kinh nghiệm và bài học đáng quý.
Trong lần đầu tiên tham gia một cuộc thi tầm cỡ quốc tế, 2 bạn đã lên đường sang Mexico với tâm lý như thế nào?
Phương Nam: Mình lên đường sang Mexico với một tâm lý rất thoải mái. Cá nhân mình không đặt nặng vấn đề thành tích vì như thế sẽ đi ngược lại tinh thần của giải đấu này. Đây là một giải đấu đề cao sự giao lưu, học hỏi, kết quả chỉ là một phần rất nhỏ. Điều mà mình muốn mang về Việt Nam là sự trải nghiệm. Ngoài ra cũng có đôi chút hồi hộp và lo lắng khi lần đầu đại diện quốc gia ở một sân chơi thế giới, nhưng nhìn chung là thoải mái và phấn khích.
Thảo Nguyên: Mình vừa phấn khích vừa lo lắng vì đây cũng là lần đầu tiên được “xuất ngoại”. Mình đã nghĩ phía trước sẽ là rất nhiều điều cần học hỏi, nhiều trải nghiệm mới đang hứa hẹn. Mình cũng đã tự nghiên cứu tiếng Tây Ban Nha để chuẩn bị cho chuyến đi này.
Các đội tuyển khác, đặc biệt là các đội mạnh chắc hẳn sẽ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về nhân sự, vật chất cho cuộc thi FIRST Global này. Các bạn có nắm được sự chuẩn bị của họ hay không?
Phương Nam: Chúng mình thấy sự chuẩn bị của các đội khác rất kĩ lưỡng . Các đội đều giấu kín những tính năng chủ chốt của robot, và chỉ giao lưu với cộng đồng FIRST Global khi gặp phải những vấn đề chưa thể giải quyết.
Bên cạnh đó, có những đội lại rất sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình, túc trực trên cộng đồng để hỗ trợ những đội gặp vấn đề kĩ thuật như đội Mỹ, đội Ấn Độ, hay đội Venezuela. Mình thấy cách làm này chính là một bước chuẩn bị quan trọng, như thầy của mình đã nói: “Cách học hỏi tốt nhất là đi hỗ trợ người khác. Qua việc hỗ trợ, bản thân sẽ thu nạp thêm những kinh nghiệm, những kiến thức mà mình chưa có được.” Cá nhân đội Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ về một số mảng lập trình từ đội Mỹ, Ấn Độ cũng như Brazil.
Khi sát cánh cùng 2 đội tuyển khác để tạo thành 1 nhóm trong mỗi trận đấu, đội tuyển Việt Nam đã làm việc với nhau như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất?
Phương Nam: Cách làm việc của đội rất cụ thể: Mình và anh Tuấn Hà – đội trưởng – sẽ đi đến từng đội, khảo sát các chức năng robot của họ, từ đó họp bàn với nhau, nêu ra điểm mạnh điểm yếu của từng đội, sau đó đưa ra chiến thuật, phân chia công việc trên sân. Cá nhân mình thấy việc này rất hiệu quả vì anh Tuấn Hà làm việc rất nghiêm túc và thấu hiểu các đội, ngược lại các đội rất có tinh thần cầu tiến cầu thị, sẵn sàng lắng nghe nhận xét, chấp nhận các điểm chưa tốt của mình để hoàn thiện.
Các bạn nhận xét thế nào về anh Tuấn Hà và Giang Nam trong cuộc thi này?
Thảo Nguyên: Với mình, 2 anh Tuấn Hà và Giang Nam đều rất giỏi. Nếu anh Tuấn Hà là nhà ngoại giao cực đỉnh, có tài thương lượng và bàn luận chiến thuật với các đội khác thì anh Giang Nam lại rất am hiểu và điêu luyện về kĩ thuật cơ khí với vai trò thiết kế, lắp ráp, xây dựng robot. Năm thứ 2 trở lại FIRST Global, 2 anh đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, bài học và đặc biệt là rèn luyện tinh thần thi đấu.
Trận đấu nào đối với các bạn là trận đấu ấn tượng và đáng nhớ nhất?
Phương Nam: Ấn tượng, đáng nhớ nhất và căng thẳng nhất có lẽ là trận đấu giữa Việt Nam – Belize – Hàn Quốc với Trung Quốc – Tây Ban Nha – Cộng hòa Czech. Đó là trận đấu mà đội lần đầu tiên ứng dụng được chiến thuật mới, cách chơi mới hướng đến hỗ trợ đồng đội và phân việc rõ ràng hơn. Kết thúc trận đấu, ban đầu chúng mình được công bố giành chiến thắng với khoảng cách khoảng 300 điểm. Tuy nhiên sau đó, trọng tài lại thông báo đối thủ thắng vì phía trọng tài đếm thiếu điểm của đối thủ. Lúc đó cả đội khá buồn và thất vọng, không phải vì thua mà là vì cách xử lí hơi khô cứng của ban tổ chức. Nhưng cuộc chơi buộc chúng mình phải vượt qua để tiếp tục chiến đấu.
Khi FIRST Global khép lại, các bạn có thấy bản thân trưởng thành, lớn lên nhiều về kiến thức, kĩ năng hay không?
Thảo Nguyên: Thực sự chúng mình đã trưởng thành, lớn lên rất nhiều. Sau từng trận đấu và quá trình tiếp xúc với các đội, chúng mình nhận ra một bài học lớn rằng để đi đến thành công cần phải có kĩ năng teamwork và sự hợp tác của tất thành viên trong đội. Ngoài ra, cuộc thi giúp chúng mình nhận ra trách nhiệm của người đối với những vấn đề toàn cầu hiện nay (chủ đề cuộc thi năm nay là Tác động năng lượng). Có thể nói, tất cả thành viên sau khi tham gia FIRST Global đều phần nào đó đến gần hơn với định nghĩa “công dân toàn cầu”.
Sau giải đấu, các bạn có dự định gì để tiếp nối những thành công mà mình đã đạt được tại Mexico?
Thảo Nguyên: Sau giải đấu, chúng mình sẽ hỗ trợ Maker Hanoi và UMI Academy tổ chức các các hoạt động về STEM, Robotics cho các em nhỏ ở Hà Nội. Gần đây nhất, chúng mình đã hỗ trợ ban tổ chức cuộc thi Mini First Vietnam, một sân chơi Robotics dành cho trẻ em có mô hình dựa theo FIRST Global Challenge 2018. Trong tương lai chúng mình cũng có kế hoạch mở những lớp học về cơ khí, lập trình cho các bạn có hứng thú với lĩnh vực này.
Đất nước, con người Mexico để lại ấn tượng gì với các bạn?
Thảo Nguyên: Con người Mexico vô cùng thân thiện và đáng yêu đến bất ngờ. Họ vẫy tay chào và trò chuyện thân mật với chúng mình như đã từng gặp trước đây, họ cỗ vũ, hò reo cho đội Việt Nam không kém gì đội chủ nhà Mexico vậy. Mình cảm thấy rằng không có rào cản nào khi tiếp xúc với con người Mexico.
FIRST Global cũng là ngày hội giao lưu văn hóa của hơn 160 nước trên thế giới. Cảm nhận của các bạn ra sao khi gặp gỡ những người bạn quốc tế trong giải đấu này?
Phương Nam: Mình cảm thấy mình thật nhỏ bé và cần học hỏi thêm rất nhiều khi xung quanh là những bạn trẻ tài năng đến từ 168 quốc gia. Mình cảm thấy rất vinh dự khi được tiếp xúc, giao lưu và học hỏi từ họ vì trong tương lai, đó sẽ là những người lãnh đạo, người cải cách, những con người sẽ thay đổi thế giới.
Đội Việt Nam cũng có một trọng trách rất lớn là xây dựng hình ảnh của người Việt trẻ, thân thiện, nhiệt huyết và tài năng. Bởi trong mắt đội bạn, chúng mình sẽ là hình ảnh mà họ nghĩ đến khi nhắc về đất nước Việt Nam.
Ngược lại, sau cuộc thi này, mỗi khi nhắc đến một quốc gia, chúng mình sẽ thấy gương mặt của những người bạn hiện lên trong tâm trí chứ không còn chỉ là cái tên mơ hồ nữa.
Bạn bè quốc tế có ấn tượng đặc biệt gì về văn hóa Việt Nam sau giải đấu này?
Phương Nam: Trong chuyến đi, chúng mình có mang theo món quà là chuồn chuồn tre cho các đội bạn. Ngày đầu tiên khi chúng mình bày chuồn chuồn, các đội rất thích thú vì nó cân bằng tuyệt vời trên ngón tay. Chỉ trong vòng 3 ngày, đội đã tặng gần hết số chuồn chuồn mang theo.
Cảm ơn Phương Nam và Thảo Nguyên. Hy vọng rằng hành trình tuyệt vời trên đất nước Mexico tại FIRST Global 2018 sẽ là bước đệm để các em tiến xa hơn nữa, trưởng thành hơn nữa trong năm học này.
Thu Hiền
FIRST Global Challenge được xem là cuộc thi Olympic Robot được tổ chức hằng năm dành cho học sinh THPT trên toàn thế giới. Cuộc thi nhằm khơi dậy đam mê đối với Khoa học, Công nghệ, Máy móc và Toán học (S.T.E.M – Science, Technology, Engineering, Mathematics) trong hơn 2 tỷ học sinh trên toàn thế giới, tạo tiền đề cho việc xây dựng một thế hệ lãnh đạo S.T.E.M trong tương lai. FIRST Global 2018 diễn ra tại Mexico với chủ đề “Tác động năng lượng”. Lần thứ 2 tham dự sân chơi đẳng cấp quốc tế này, đội tuyển Robotics FSchool, đại diện Việt Nam, đã xuất sắc giành thứ hạng 12/168 đội thi đồng thời đoạt Huy chương Đồng về thiết kế robot. |
Chuyên mục: Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 30/08/2018
Ngày cập nhật: 21/10/2021
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025