Người thầy chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho học sinh FSchool
“Thầy Tú là người thầy quá tuyệt vời đối với chúng em, dù chưa nói ra thành lời nhưng chúng em cũng luôn thể hiện những tình cảm chân thành nhất như cách thầy dành cho chúng em”, học sinh FSchool chia sẻ.
Là một người anh lớn của các học sinh THPT FPT, thầy Trần Ngọc Tú hiện đang là Giáo viên Quản nhiệm, luôn chăm lo và đồng hành cùng các học sinh FSchool khi các em xa nhà.
Thầy Tú hiện là Trưởng khối 12 tại Ký túc xá, chịu trách nhiệm bao quát và quản lý mọi công việc liên quan đến học sinh khối 12. Từ những tình huống, vấn đề kỷ luật của học sinh xảy ra tại giảng đường, khi sống tại KTX hay cả những câu chuyện khi học sinh về nhà với gia đình, thầy đều quan tâm nhiệt thành.
Bắt đầu một ngày làm việc từ 6h30 sáng, kết thúc công việc lúc 23 giờ, đôi khi là đến nửa đêm, thầy Tú đã quen với giờ giấc làm việc được gần 3 năm rồi. Với đặc thù công việc, thầy cùng các đồng nghiệp làm việc và sinh hoạt cùng các học sinh nội trú từ thứ Hai tới thứ Sáu. Công việc hiện tại có thời gian quy củ giống với cuộc sống quân đội mà thầy đã có cơ hội trải nghiệm trước đây, vậy nên giờ giấc kỷ luật không phải là vấn đề khó giải quyết với thầy. Hơn nữa, việc dành thời gian cho học sinh lại chính là điều giữ chân thầy ở vị trí này. Thầy tâm sự: “Tình cảm của anh dành cho những đứa trẻ 17, 18 tuổi này là động lực để mình làm việc mỗi ngày”.
Quản lý những học sinh năng động và có phần hiếu động, ương bướng, chưa bao giờ thầy cảm thấy bế tắc với công việc của mình. Có thể nói, thời gian học cấp 3 là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhận thức một cách đúng đắn của học sinh THPT. Vậy nên, ngoài công việc quản lý học sinh đơn thuần, thứ thầy đầu tư dành cho học sinh nhiều hơn đó là những bài học được dạy bằng tình cảm. Vì phần lớn thời gian thầy làm việc xa nhà, vậy nên thời gian thầy dành cho những học trò ở đất Hòa Lạc còn nhiều hơn cả thời gian dành cho em trai mình.
Với thầy, học sinh càng không ngoan, anh càng “thích quản lý”, đúng hơn là càng lo lắng quan tâm. Khi học sinh có bất đồng, cách giải quyết của thầy là lấy tập thể để rèn cá nhân. Thầy cũng luôn là người khuyên bảo, không áp đặt để các học sinh được phát triển một cách tự nhiên nhất.
Thầy thích làm bạn với học sinh, thích tâm sự và dẫn dắt các em lớn lên từ những câu chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống.
“Các em học sinh ở độ tuổi THPT thường ít được va chạm xã hội. Vì vậy, khi sống trong môi trường tập thể, đặc biệt là khi xảy ra xung đột, cãi vã, mình thường cố gắng hướng cho các em những cách giải quyết để các em tự trưởng thành lên”, thầy Tú chia sẻ.
Khi học sinh có vấn đề tranh cãi, thầy để cho các bạn không gian tự trò chuyện và giải quyết với nhau. Kỷ luật, trách phạt không phải là cách giải quyết tốt, bởi lẽ với anh các học sinh đã có phần trưởng thành. Thầy thường trò chuyện riêng và không quên chia sẻ thêm những trải nghiệm của cá nhân mình để các học sinh tự hiểu ra vấn đề và thay đổi. Ai chẳng có thời nghịch ngợm và ai chẳng có lỗi lầm. Chia sẻ một cách chân thật nhất là cách thầy Tú chọn.
Thế nên nhiều học sinh dù ở nhà ương bướng không nghe lời bố mẹ, nhưng đi học nội trú lại rất nghe lời thầy Tú, vậy mới hay. Thầy tâm sự: “Khi học sinh của mình nhận thức được và mình có thể nhìn ra những thay đổi của các em, cảm giác tuyệt vời lắm”. Đó chính là món quà thầy nhận lại được sau những nỗ lực “rèn người” tại FSchool.
CLB IDO giới thiệu thầy Tú có mặt trong sự kiện của CLB như thế này đây.
Chia sẻ về thầy TúTN, học sinh khối 12 FSchool – Minh Tuấn tâm sự: “Tình cảm của bọn em đối với thầy cũng như tình cảm của con đối với người bố thứ hai vậy. Bố mẹ em ở xa, không thể lúc nào cũng quan tâm chăm sóc cho em được. Em nhớ đợt em bị sốt xuất huyết, khi em còn chưa phát hiện ra bệnh thì thầy Tú đã để ý những triệu chứng của em và không cho phép em tham gia vào các hoạt động mất sức. Thầy chăm sóc và để em nghỉ ngơi một thời gian. Đó là sự quan tâm rất đơn giản thầy luôn dành cho em và các bạn khác, nhưng em cảm thấy được tình cảm của thầy trong đó”.
Quả thật, nếu không có sự chân thành, có lẽ thầy Tú khó có thể lo lắng và dành sự quan tâm tỉ mỉ tới từng cá nhân như vậy.
Với những học sinh đang ở lứa tuổi mới lớn, dù tuổi đời còn nhỏ nhưng đã đang trên con đường học hỏi để trường thành, cách giáo dục khéo léo của thầy đã giúp các học sinh FSchool lĩnh hội nhiều bài học. Cương có nhu có, thầy giống như người anh lớn, người bố thứ hai của mỗi học sinh đâu. Chính nhờ những người cán bộ tâm huyết với nghề như anh mà các bậc phụ huynh FSchool đã thực sự an tâm khi “trăm sự nhờ thầy”.
Trần Mai
Chuyên mục: Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 02/04/2018
Ngày cập nhật: 02/04/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025