Nguyên tắc vàng dạy con tuổi teen tự lập cha mẹ cần biết

Nhiều ông bố bà mẹ bị lo lắng đến stress khi con bắt đầu bước vào giai đoạn tuổi teen (12-18 tuổi). Đây là độ tuổi mà trẻ có nhiều thay đổi nhất cả về mặt thể chất lẫn tâm hồn, do đó, cha mẹ nên biết cách tiếp cận và dạy con thế nào cho hiệu quả, hợp lý.
Dạy con tự lập là cả một quá trình bắt đầu từ lúc bé đang tập đi, vừa biết nói, mới biết xúc cơm, dạy từ cách tự phục vụ, cách chịu trách nhiệm, cách quản lý chi tiêu và thời gian v.v… cho tới khi trẻ biết cả kiến thức phòng tránh thai, nói không với ma túy và tệ nạn xã hội, biết chống lại quấy rối tình dục v.v…

Khi con bước vào giai đoạn tuổi teen, giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc định hình nhân cách, luôn muốn tự khám phá bản thân khiến đôi khi, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất lực trong việc khuyên bảo và nuôi dạy.

Vì vậy những bí quyết sau đây sẽ phần nào giúp các bậc cha mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách nhẹ nhàng nhất.

Cha mẹ hãy là người chỉ dẫn tốt nhất giúp con bước qua tuổi teen.

Dành cho con sự độc lập tương đối

Để trở thành một người trưởng thành thực sự, con phải học cách phụ thuộc vào cha mẹ ít hơn, có trách nhiệm hơn, có thể tự ra quyết định và giải quyết vấn đề. Con cũng phải biết tìm ra giá trị cuộc sống và tìm ra mục tiêu, động lực của cuộc sống để phấn đấu.

Trong mắt nhiều bậc phụ huynh, con cái họ dù có 16-17 tuổi cũng không lớn hơn lứa tuổi mẫu giáo là mấy, do đó, họ tự quyết định thay con cái mình. Có thể thông cảm với các bậc cha mẹ rằng, họ lo lắng nếu được tự do quá sớm, con có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Tuy nhiên, con cần phải khám phá, mắc sai lầm và có những trải nghiệm mới mẻ, từ đó mới học được những bài học cuộc sống và tự mình giải quyết các vấn đề.

Vì vậy, bạn cần cân bằng giữa nhu cầu tự do của con cái với mối lo của riêng mình, có như vậy, bạn và con mới có thể hiểu nhau, cùng nhau chia sẻ các vấn đề của mình. Con phát triển tính độc lập như thế nào và bạn hướng dẫn con ra sao, đó là những quá trình bị ảnh hưởng bởi nền tảng văn hóa và sự giáo dục từ phía gia đình. Vì vậy, bạn nên cố gắng tạo mọi điều kiện để con được độc lập, được tự quyết, tự khám phá trong phạm vi có thể, nghĩa là nếu có vấn đề gì thì nó cũng không gây hậu quả quá nghiêm trọng.

Ở độ tuổi vị thành niên, con bạn vẫn đang ở trong quá trình tự khám phá bản thân. Tuy nhiên, có lúc con cũng không hiểu được chính bản thân mình. Do đó, bạn và con đều phải học cách cân bằng giữa tự do cá nhân và những hướng dẫn của cha mẹ. Mọi việc không phải lúc nào cũng tốt đẹp, nên đừng vì thế mà bỏ cuộc hay cảm thấy thất vọng, chán nản. Thay vào đó, hãy luôn ở bên con, động viên và định hướng con đúng đi đúng đường.

Quan sát các biểu hiện của trẻ

Đừng bao giờ bỏ qua bất kỳ biểu hiện lạ nào của trẻ nếu không có thể bạn sẽ phải giải quyết vô số rắc rối về sau. Hãy để ý những biểu hiện như đi ngủ muộn hay bỏ học của con. Trò chuyện với con một cách ôn hòa và tránh những phản ứng thái quá. Nếu không trẻ sẽ cảm thấy bị xúc phạm và có thái độ thù địch hơn.

Sẵn sàng chia sẻ với con

Một đứa trẻ tuổi teen hoàn toàn có thể có lý do hợp lệ để phá vỡ một quy tắc. Cha mẹ nên lắng nghe tại sao trẻ lại có mong muốn đi ngược lại ý cha mẹ; nghe con nói lên suy nghĩ của mình về các nguyên tắc.

Đừng tra hỏi con bạn về tất cả mọi thứ bạn muốn biết mà hãy thể hiện rằng mình luôn muốn sẵn sàng nghe con chia sẻ và chia sẻ với con. Kể cho con về chuyện ngày xưa, kinh nghiệm về những tình huống con có thể gặp, sau đó mới khơi gợi để con nói chuyện của mình.

Hãy để con hiểu dù con không muốn chia sẻ bây giờ, thì con có thể nói cho bố mẹ bất cứ khi nào con muốn.

Sẵn sàng chia sẻ và mở lòng với những tâm sự của teen.

Khuyến khích trẻ giữ gìn cơ thể khỏe mạnh

Khuyến khích teen ngủ đủ và tập thể dục, ăn uống lành mạnh, cân bằng. Bạn cần đảm bảo con bạn tập thể dục tối thiểu mỗi ngày 1 giờ. Không để ti vi trong phòng ngủ của con.

Khuyến khích con cùng ăn các bữa cơm gia đình. Cùng nhau ăn bữa tối sẽ giúp con bạn biết cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh, khỏe mạnh và giúp các thành viên trong gia đình có thời gian trò chuyện với nhau. Hơn nữa, trẻ ăn cơm cùng gia đình thường có thành tích học tập tốt hơn, ít sử dụng các chất ngây nghiện, không đánh nhau, và thường không gặp các vấn đề khác.

Đối xử với con phù hợp với từng giai đoạn

Ở giai đoạn mới lớn này, con bạn sẽ cho rằng chúng có thể tự giải quyết định tất cả những vấn đề sẽ xảy đến với mình. Tuy nhiên, trên thực tế, các tình huống đó đòi hỏi tinh thần và trách nhiệm của cha mẹ bởi nếu thiếu sự giúp đỡ có thể con bạn sẽ đi chệch hướng. Hãy giải thích cho con về điều này và cho trẻ biết về lý do tại sao trẻ ở những độ tuổi khác nhau lại cần có trách nhiệm khác nhau.

Sự tự do mà con bạn có và sự tự do mà bạn dành cho con sẽ thay đổi khi con bước qua tuổi vị thành niên.

Trao cho con cơ hội được trải nghiệm tự do

Khi con bắt đầu đi học, bạn nên cho con ở một phòng riêng, tạo cho con một không gian thoải mái để con không có cảm giác rằng luôn bị bố mẹ kiểm soát. Hãy để cho con tự mình trang trí phòng theo ý muốn của mình, hướng dẫn con dọn dẹp, sắp xếp phòng ngăn nắp, gọn gàng.

Đừng giữ con khư khư ở nhà mỗi cuối tuần. Sau một tuần học tập vất vả, hãy để con bạn được ra ngoài, tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi với bạn bè. Nhưng hãy nhớ là, bạn cần phải biết con chơi với ai, ở đâu và dặn con về nhà đúng giờ.

Con đã lớn và đây cũng là lúc con phải tự biết đi đến trường bằng xe đạp, xe điện hay thậm chí là đi bộ. Đừng lúc nào cũng chăm chăm đến giờ để đón con, hãy để trẻ phải học cách tự đi trên đôi chân của mình, đôi khi có thể hơi vất vả.

Khi mang đến cho con những cơ hội để trải nghiệm tự do, bạn đã cho con hiểu được giá trị của độc lập và ý nghĩa của nó, rằng cuộc đời này là quá lớn, cuộc sống ngoài kia không hề đơn giản chút nào, và rằng vòng tay cha mẹ không thể cứ mãi ôm trọn che chở cho con. Ngay từ bây giờ hãy dạy con sống tự lập để con luôn là người biết vượt khó và làm chủ bản thân trong mọi hoàn cảnh.

Cho teen cơ hội trải nghiệm, học hỏi từ thế giới xung quanh.

Đặt ra những quy tắc rõ ràng và công bằng

Đặt ra quy tắc rõ ràng về hành vi, cách liên lạc và giao tiếp xã hội sẽ giúp con bạn hiểu được những giới hạn và những điều bạn mong chờ. Quy định này cũng sẽ giúp bạn thống nhất trong cách đối xử với con cái. Một khi đã đặt ra các quy định, hãy áp dụng chúng một cách nhất quán.

Khi lớn dần lên, con có thể trở thành người xây dựng những quy tắc mới, cũng như tự đặt ra những hậu quả phải gánh chịu nếu phá vỡ quy tắc. Điều này sẽ giúp con hiểu được cha mẹ và có trách nhiệm hơn với bản thân.

Đừng đặt giới hạn quá khắt khe, bởi nếu làm vậy, con sẽ không thể phát triển và có được những trải nghiệm mới.

Là tấm gương để con học tập

Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng quả thực hành động (hơn là lời nói) của bạn có vai trò quan trọng trong việc định hướng và giúp trẻ hoàn thiện nhân cách.

Trẻ tuổi teen đủ thông minh và khôn ngoan để hiểu rằng các quy định về “giờ giới nghiêm” như: không lái xe khi chưa đến tuổi, tránh xa ma túy hay hạn chế uống rượu bia mà cha mẹ đặt ra với mục đích lớn nhất là vì sự an toàn của trẻ… Do đó, trẻ hoàn toàn sẵn lòng tôn trọng các quy định này. Tuy nhiên, nếu cha mẹ chính là người đi ngược lại với những điều yêu cầu trẻ thực hiện thì những quy tắc mà cha mẹ đặt ra sẽ trở nên tùy tiện và vô nghĩa đối với trẻ.

Hãy luôn là tấm gương để con có một hình mẫu tích cực thì ở cái tuổi teen, chúng sẽ ít nổi loạn hơn.

Theo Duy Ngọc (Đời sống & pháp luật)

 

Ngày đăng: 05/04/2018

Ngày cập nhật: 01/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh