Rối loạn kinh nguyệt có gây vô sinh không?

Ngày đăng: 27/03/2019

Ngày cập nhật: 27/03/2019

Ngày đăng: 27/03/2019

Ngày cập nhật: 27/03/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Có những người bảo em ở độ tuổi vị thành niên mà bị rối loạn kinh nguyệt sau này thường khó có khả năng sinh con, tuỳ từng bác sĩ có một cách nói khác nhau nên em khá băn khoăn việc này có đúng hay không? (Học sinh nữ, lớp 10)

Nghe bản radio tại đây

Em thân mến,

Điều em băn khoăn phần nào cho thấy em quan tâm nhiều tới sức khỏe của bản thân và biết lo lắng cho tương lai của mình. Đây chắc hẳn là câu hỏi mà rất nhiều bạn nữ cùng lứa tuổi với em cũng đang muốn tìm hiểu.

Em biết không, kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu từ tử cung ra ngoài do bong niêm mạc tử cung dưới ảnh hưởng của sự tụt đột ngột nội tiết tố nữ estrogen hoặc estrogen và progesterone trong cơ thể. Kinh nguyệt sẽ xảy ra theo chu kỳ. Một chu kỳ kinh được tính từ ngày đầu tiên có kinh của đợt hành kinh này tới ngày đầu tiên có kinh của đợt hành kinh tiếp theo.Một chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài từ 21 – 35 ngày. Số ngày hành kinh sẽ nằm trong khoảng từ 3 – 5 ngày, thậm chí có thể là 7 ngày. Lượng máu kinh mất đi trong mỗi chu kỳ khoảng 50 – 150 ml. Như vậy tất cả những dấu hiệu kinh nguyệt lệch với quỹ đạo trên được coi là rối loạn kinh nguyệt. Do đó, nếu chu kỳ kinh nguyệt của em nhiều hơn 35 ngày, gọi là kinh thưa, ngược lại nếu một chu kỳ kinh ít hơn 21 ngày là kinh mau (kinh ngắn). Hiện tượng thiếu kinh (ít kinh) xảy ra khi số ngày có kinh ít hơn 2 ngày, lượng máu kinh không thấm ướt khoảng 2 – 3 băng vệ sinh/ngày. Ngược lại, rong kinh xảy ra khi số ngày có kinh nhiều hơn 7 ngày…

Ở độ tuổi vị thành niên, cơ thể các em mới đang trong giai đoạn phát triển, hệ cơ quan sinh sản vẫn chưa thể hoàn thiện. Buồng trứng dễ có tình trạng phóng noãn không đều. Vì thế, có lúc bạn gái thấy các chu kỳ kinh rất ngắn, có lúc chu kỳ kinh lại rất dài. Trong giai đoạn phát triển, hoạt động của 2 nội tiết tố nữ là progesterone và estrogen cũng chưa thực sự ổn định. Sự mất cân bằng giữa chúng cũng gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt cho các bạn gái.

Ngoài những nguyên nhân sinh lý – yếu tố căn bản dẫn đến hiện tượng rối loạn kinh nguyệt trong giai đoạn vị thành niên thì những yếu tố tâm lý cũng có những tác động khá rõ rệt. Tâm lý của các em trong giai đoạn này thường khá nhạy cảm, nên những căng thẳng, lo lắng, stress cũng sẽ khiến chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người không ổn định. Bên cạnh đó chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và việc dùng thuốc cũng ảnh hưởng nhiều tới chu kỳ kinh nguyệt đấy.

Như vậy, hẳn em cũng thấy việc rối loạn kinh nguyệt trong giai đoạn vị thành niên cũng là hiện tượng bình thường, không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Thông thường phải sau khi có kinh được khoảng 2 – 3 năm trở đi, thậm chí có những người phải  ngoài 20 tuổi chu kỳ kinh nguyệt mới tương đối ổn định. Em không cần phải lo lắng nhé.

Trong giai đoạn này, nếu em thấy mình đau bụng dưới dữ dội, ra máu kinh bất thường như: máu ra ồ ạt, hoặc lượng máu ít, có mùi hôi, màu sắc máu thâm đen, vón cục nhiều… thì đây lại là những dấu hiệu gợi báo tình trạng viêm nhiễm phụ khoa và/hoặc có u, cục bất thường… Nếu có hiện tượng này, em cần đến gặp các bác sĩ để được thăm khám. Khi xác định được nguyên nhân chính xác, các bác sĩ sẽ có hướng hỗ trợ phù hợp.

Để giúp cho chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn, em chú ý ăn uống đủ chất và tăng cường bổ sung rau củ quả nhằm cung cấp các vitamin A, vitamin C và vitamin E cho cơ thể như: ổi, dâu tây, bông cải xanh, kiwi, đu đủ, hạnh nhân, củ cải, quả bơ…. Bên cạnh đó nhớ tránh các thức ăn cay nóng, đồ uống kích thích như rượu, bia… Và quan trọng là phải xây dựng nếp sống khoa học sắp xếp thời gian học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý nữa.
ảnh

Ai đó đã từng nói rằng: Yêu bản thân là ưu tiên sức khoẻ thể xác, tinh thần và cảm xúc của mình, nên bên cạnh những điều trên, việc giữ tinh thần thoải mái, dẹp bỏ lo lắng và luôn hướng đến những cảm xúc tích cực cũng là cách hiệu quả để kinh nguyệt ổn định hơn và sức khoẻ mỗi lúc một dồi dào hơn em nhé!

Chúc em luôn vui khỏe!

 

Tin cùng chuyên mục