Sau Tết, “chảo lửa” vào 10 đã sôi sục

Ngay từ đầu tháng 1 các bậc phụ huynh đã xôn xao chuyện “thừa trò thiếu lớp” năm Dê vàng, vậy nên không khó hiểu khi vừa ra Tết chuyện tìm trường cấp III cho con đã trở thành vấn đề hot.

Cha mẹ sốt ruột

Những ngày này điện thoại của chị Lê Thị Vân Anh (cán bộ tuyển sinh trường THPT FPT) reo liên tục, chị cho biết: “Lượng phụ huynh, học sinh tìm hiểu trường và đăng ký thi tăng mạnh so với năm 2017. Tính đến ngày 1/3/2018 đã có hơn 200 hồ sơ đăng ký tham gia kỳ thi sơ tuyển của THPT FPT, chưa tính đến những trường hợp mới đăng ký online chưa hoàn thành thủ tục. Trong khi đó thời điểm cùng kỳ năm ngoái con số này mới chỉ 80.”

Ngay trong ngày nhận hồ sơ đầu tiên 28/1/2018, đông đảo phụ huynh đã đăng ký dự thi cho con vào THPT FPT.

Các trường công lập chưa tiếp nhận hồ sơ dự thi, do vậy trên các diễn đàn, các group các mẹ bàn luận rất rôm rả chuyện chọn trường, học thêm, điểm chuẩn, ai cũng lo lắng vì năm nay học sinh đông mà chỉ tiêu của Hà Nội thì có ít.

Chị Trần Thị Hà, quận Thanh Xuân, có con học lớp 9 năm nay, chia sẻ: “Con sắp thi mà cả gia đình như ngồi trên đống lửa vì sốt ruột”.

Theo chị Hà, năng lực của con chỉ đạt khá nên ngay từ đầu năm, gia đình xác định tập trung mọi điều kiện cho con học để đỗ vào một trường top giữa. Vì vậy, ngoài việc học ở trường, tuần 5 buổi, chị chở con đến trung tâm và nhóm lớp để học thêm, không nghỉ thứ 7, chủ nhật.

“Gia đình đang rất lo, nếu không đỗ nguyện vọng nào không biết sẽ cho con học ở đâu, vì chọn trường ngoài công lập có chất lượng rất khó, chưa kể một số trường điểm chuẩn cũng cao”, chị nói.

Học sinh áp lực

Cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên dạy Văn một trường THCS ở quận Cầu Giấy, cho biết để vào được trường công lập trên địa bàn, mỗi môn Văn, Toán phải đạt 8 điểm trở lên, cộng với học bạ loại giỏi. Do đó, ngay từ khi vào học lớp 9, học sinh rất căng thẳng chạy đua. Tuy trên lớp, giáo viên vừa dạy sâu vừa hệ thống kiến thức nhưng học sinh được cha mẹ cho đi học thêm ở ngoài rất nhiều.

“Nhiều em lên lớp thể hiện sự mệt mỏi vì căng thẳng, thiếu ngủ”, cô Nhung nói.

Tuổi “Dê” mà chẳng được đủng đỉnh, học sinh lớp 9 năm nay sẽ phải chạy đua để vào cấp III.

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Cầu Giấy cho biết học sinh lớp 9 năm nay chịu áp lực kinh khủng. Ngay từ đầu năm, trường đã lên kế hoạch ôn tập hai môn thi là Văn và Toán. Cộng với việc xét điểm học bạ nên các môn học khác cũng ép để nâng chất lượng học sinh. Học sinh giỏi được cộng 5 điểm, khá được cộng 3 điểm…

Cùng với đó, hiệu trưởng chỉ đạo các giáo viên phải kiểm tra, kèm cặp học sinh học nghề để cứu cánh vì học nghề có thể cộng mức điểm 1,5. Tuy nhiên, sát thời điểm thi nghề (28/1) thì lại có tin, năm nay không cộng điểm nghề khiến học sinh, phụ huynh càng lo lắng, chán nản.

Theo hiệu trưởng này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng sẽ đảm bảo 60% học sinh được học trường công, tuy nhiên tỷ lệ này tính chung toàn Hà Nội, khu vực ngoại thành tỉ lệ này sẽ cao hơn chứ nội thành chịu áp lực lớn.

Bà ví dụ, “Ngay cả không vào năm “đẹp”, lâu nay số trường THPT công lập ở Hà Nội vốn đã không đủ để đáp ứng nhu cầu. Quận Cầu Giấy có lượng trường THCS công lập và ngoài công lập khá đông với 21 trường thì ở khối THPT chỉ có 3 trường công lập.”

Dự báo tỉ lệ chọi thi vào lớp 10 năm nay sẽ tăng cao, tuy nhiên, thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, năm nay Hà Nội có xây mới một số trường THPT công lập nên tăng cơ hội học công lập cho học sinh tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, Sở cũng đang làm tờ trình báo cáo thành phố về việc đảm bảo tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu công lập tương đương năm trước để tạo điều kiện cho học sinh được học công lập. Mặc dù vậy, vẫn có khoảng 40% học sinh sẽ phải học trường ngoài công lập, trung cấp, học nghề hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên. Việc lựa chọn học trường nào sẽ là bài toán khó đối với các bậc phụ huynh có con sinh năm Quý Mùi 2003.

Ngay từ thời điểm này, ngoài việc tập trung học tập, học sinh cũng nên tham khảo ý kiến giáo viên của mình để “nhắm” trường phù hợp. Để an toàn, học sinh nên chọn trường dưới sức một chút sẽ nắm chắc phần thắng vì năm nay điểm chuẩn sẽ có nhiều biến động. Chỉ những học sinh có năng lực giỏi thực sự mới nên đăng ký vào trường có điểm tuyển sinh top trên. Bên cạnh đó có nhiều trường ngoài công lập chất lượng tốt, phụ huynh nên tìm hiểu dần để tăng cơ hội cho con.

Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập hầu như không có thay đổi đáng kể so với năm học trước, nhưng số lượng học sinh tốt nghiệp THCS lại tăng đột biến.Dự kiến, có hơn 100.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2018 ở Hà Nội, so với năm 2017 sẽ tăng 24.000 thí sinh. Điều này khiến áp lực trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019 ở Hà Nội căng thẳng hơn mọi năm. Dự kiến, có hàng vạn “dê vàng” (sinh năm Quý Mùi, 2003) sẽ chuyển sang học trường dân lập, hệ bổ túc, trường nghề…

 

Ngày đăng: 03/03/2018

Ngày cập nhật: 01/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh