Sự thật về môn Giáo dục công dân ở FSchool

Những khái niệm triết học, đạo đức, kinh tế chính trị hay pháp luật vốn được coi là rất khô khan và khó hiểu, ấy vậy mà FSchooler của chúng ta vẫn “tiêu hóa” ngon ơ. Điều gì đã khiến các bạn ấy hào hứng với các lĩnh vực này thế nhỉ? Hãy cùng tìm hiểu về những tiết học GDCD tại FSchool để biết lý do vì sao nhé.

Môn GDCD – Mọi người nghĩ…

Khi được hỏi về môn GDCD thì bạn sẽ nghĩ gì? Liệu có phải là những tiết học xoay vòng với cách dạy truyền thống: đọc – ghi chép – học thuộc lòng? Một môn học phụ nên nhiều bạn chỉ học để gánh điểm cho các môn khác? Lý thuyết rắc rối, rườm rà khó hiểu, nhìn đã muốn đầu hàng? Nói chung khá nhàm chán, buồn ngủ thì phải?

Là một trong những môn học bắt buộc, Giáo dục công dân được đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ bậc THCS. Tại bậc THPT, chương trình lớp 10 gồm hai phần, phần đầu tìm hiểu quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về thế giới, con người và tự nhiên; còn phần 2 dạy về đạo đức, về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, và những truyền thống đạo đức của dân tộc. Lớp 11 thì tìm hiểu về kinh tế chính trị học, những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về kinh tế chính trị học. Lớp 12 sẽ học một phần về Pháp luật, những khái niệm về pháp luật, và những đường lối chủ trương của nhà nước.” Chỉ nghe vậy thôi đã đủ thấy “nản” rồi nhỉ?

Thế nhưng ở FSchool, đảm bảo bạn sẽ có một cái nhìn hoàn toàn khác về môn GDCD! Tại đây, môn học này chưa bao giờ bị coi là môn phụ, thậm chí còn được xếp ngang hàng với các môn Văn, Sử, Địa. Các giáo viên giảng dạy bộ môn này luôn cố gắng tìm tòi và sáng tạo những phương pháp mới lạ, đạt chất lượng nhất. Tất cả bài giảng đều được gắn với cuộc sống hàng ngày, những sự việc vô cùng thực tế mà ai cũng từng hoặc sẽ gặp phải trong tương lai. Nếu có cơ hội được học một tiết GDCD với FSchooler, đảm bảo rằng bất cứ ai cũng có thể thấy môn học này được các bạn học sinh mong đợi đến thế nào.

Sự thật ở FSchool là…

Ngay từ mùa hè trước mỗi năm học, khung chương trình dạy đã được các cô giáo bàn bạc, thiết kế sẵn. Các cô giáo không quá phụ thuộc sách giáo khoa mà nhóm các bài học thành các chủ đề chủ điểm để khi dạy và học dễ tránh bị trùng lặp, dễ tư duy logic hơn.

Cách truyền đạt kiến thức môn GDCD ở FSchool cũng không hề giống với những nơi khác. Các phương pháp dạy luôn được thay đổi mới mẻ để lôi cuốn các FSchooler thông minh, nhanh nhạy, nhưng không kém phần tinh nghịch. Nào là hoạt động nhóm, sân khấu hóa, làm poster cho một đoạn phim vừa xem xong, đóng kịch, xử lý tình huống, chơi trò chơi hay thực hiện dự án.

Mỗi giờ học các bạn học sinh được hoạt động nhóm kết hợp nghiên cứu sách giáo khoa để làm rõ lý thuyết. Sau đó lại có những tình huống thực hành, vận dụng lý thuyết giải quyết vấn đề. Bài học nào cũng sôi nổi hỏi đáp, không chỉ nhằm tăng khả năng tư duy phản biện mà không khí tiết học, tăng tương tác giữa cô và trò.

thpt-fpt-giao-duc-cong-dan-2

Làm việc nhóm là hình thức học quen thuộc với các FSchooler.

Cô Đoàn Thị Vành Khuyên, giáo viên bộ môn GDCD có chia sẻ: “Cô đã có thời gian dạy môn GDCD ở trường công lập, nhìn chung họ thường tuân thủ cách dạy truyền thống. Dù là kiến thức cơ bản hay hàn lâm thì trên lớp thường đọc, giảng và ghi chép cho nên họ rất “nhàn”, còn dạy ở trường FSchool thì “vất vả” lắm bởi luôn phải “vắt óc” ra nghĩ thật nhiều hoạt động khác nhau cho học sinh dễ hiểu bài mà gần như không phải ghi chép. Cứ mỗi giờ lên lớp là lỉnh kỉnh đạo cụ nào giấy, bút, hộp màu…nhưng miễn sao bài học có hiệu quả là các cô vui rồi.”

thpt-fpt-giao-duc-cong-dan-1

Đóng kịch à! Chuyện “nhỏ như con thỏ” với các FSchooler, các bạn chỉ cần chuẩn bị kịch bản trong 10-15 phút là có thể nhập vai ngay rồi. Trong hình này các bạn đang đóng kịch làm rõ chủ đề “Mâu thuẫn và cá bước giải quyết mâu thuẫn”.

Những câu chuyện tình huống, những chủ đề trao đổi trong tiết học GDCD luôn thực tế, gắn với các vấn đề xã hội mà FSchooler quan tâm vì thế các bạn tham gia rất tích cực. Đó có thể là buổi thảo luận về bức tranh “Em bé Syria bên bờ biển” hay tự các bạn chọn chủ đề “Nên thích hay không thích Sơn tùng M-TP”, “Nổi tiếng theo cách Linh Ka”, người chuyển giới, anh hùng bàn phím, Single Mom, ăn thịt chó ở Việt Nam hay đơn giản hơn là phải làm gì khi phát hiện bạn cùng phòng ăn cắp ví, bạn gái mình đơn phương crush lại thích cậu bạn thân Trong cuộc sống khi trao đổi những chủ đề như vậy các bạn có thể bất đồng quan điểm, tranh cái lẫn nhau, tuy nhiên trong môn học này, các bạn biết cách trao đổi có chừng mực, kiên nhẫn đưa ra những lý lẽ, lập luận để bảo vệ quan điểm của mình, phản bác ý kiến trái chiều.

Trong quá trình tranh luận phản biện, cô giáo hết sức bất ngờ bởi các bạn đưa ra nhiều góc nhìn sâu sắc, đa chiều. Ví dụ như với chủ đề Single Mom – một chủ đề có phần vượt tuổi, các bạn đã phân tích khá kỹ ở góc độ xã hội phương Đông không mấy thiện cảm và cả cách nhìn phương Tây, hiện đại lại dành nhiều sự tôn trọng cho những bà mẹ đơn thân này. Từ các cuộc tranh biện, các FSchooler rút ra kết luận khách quan “Mọi sự vật, hiện tượng đều có quan hệ biện chứng và tính chất hai mặt, phải tôn trọng sự khác biệt…” Nhiều cuộc tranh biện còn tiếp tục sau giờ học, những tiết học GDCD ra trường rồi học sinh vẫn nhắc đến mãi.

thpt-fpt-giao-duc-cong-dan-3

Không chỉ bó hẹp trong phạm vi lớp học, bộ môn GDCD còn thực hiện các hoạt động liên môn, ngày hội kịch nói, tham quan…

Như khi học đến nội dung kinh tế chính trị, các FSchooler được chia thành các công ty con, nhận từ cô giáo – công ty mẹ những lô kẹo mút và phải tìm cách bán hàng sao cho thu lãi tối đa. Đến cô Hiệu trưởng cũng không thoát những chiêu tiếp thị của các bạn ấy đã bị thuyết phục mua kẹo cơ đấy. Khỏi phải nói bán được mỗi cây kẹo các bạn ấy đã vui mừng đến thế nào.

Hay năm 2016, trong tiết ngoại khóa môn GDCD lớp 10, các lớp đã tổ chức hoạt động Về miền Kinh Bắc, tới thăm quan đền Đô (Bắc Ninh) để ghi nhớ truyền thống đạo đức “Uống nước nhớ nguồn”.

Đoàn thầy và trò FSchool chuẩn bị dâng hương tại Đền Đô

Chuyến đi về Đền Đô (Bắc Ninh) đã giúp các bạn mở rộng thế giới quan, ghi nhớ truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Mỗi năm các FSchooler lại trông đợi “Về nghe gió kể” – gala kịch dành cho các bạn lớp 10-11. Tại đây các lớp sẽ bốc thăm 4 chủ đề của môn GDCD bao gồm: Tình yêu quê hương- đất nước; tình cảm gia đình; tình yêu đôi lứa và tri ân thầy cô, sau đó lựa chọn những tác phẩm văn học để chuyển thể thành kịch.

thpt-fpt-giao-duc-cong-dan

Gala kịch là sự kết hợp của nghệ thuật và kiến thức, sân chơi cho các bạn học sinh thể hiện tài năng.

Trong bài học “Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, các bạn học sinh được giao dự án làm mô hình biển đảo, sau đó thuyết trình và trưng bày về nội dung, ý nghĩa của sản phẩm. Những điều giản dị như tình yêu thương, sự bao dung, chia sẻ, đoàn kết, tinh thần cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… tất cả đều được thấm sâu trong tiềm thức các bạn thông qua nhiều hoạt động, kết nối GDCD với nhiều môn môn học khác.

thpt_fpt-ngayhoidia-gdcd-thao-4

Từ giấy báo, bìa, xốp, hồ nước… học sinh FSchool “hô biến” thành mô hình biển đảo công phu.

Nhờ có các phương pháp truyền tải kiến thức siêu thú vị và hấp dẫn này mà không khí lớp học luôn bùng nổ với nhiều tiếng cười của cả cô và trò. Vốn quen với cách học chủ động, tích cực nên dù đây có là môn phải hoạt động hết “công suất” thì vẫn khiến cho các bạn cười toe mỗi khi vào giờ.

Sau mỗi tiết học, cái các bạn thu về không chỉ là bài học khó quên mà còn được đính kèm bao nhiêu là trận cười thoải mái. Hơn thế nữa, được “chất vấn” cô thỏa thích để làm rõ vấn đề, nên dù có nhiều lý thuyết đến mấy thì cũng được “mã hóa” gọn lỏn trong đầu các bạn rồi.

Còn với các cô giáo thì sao? “Cái được lớn nhất khi dạy môn Giáo dục Công dân là tình cảm của học sinh. Nhìn học sinh hào hứng với tiết học, với những đề bài, về nhà nói với bố mẹ thích học môn GDCD, mong chờ môn Công dân hàng tuần đó là niềm vui lớn nhất với cô. Thậm chí có bạn học xong lớp 10 đã chuyển trường nhưng khi viết thư cho các thầy cô FPT vẫn nhắc đến tiết Triết học, còn giới thiệu thầy giáo ở trường hiện tại đến trao đổi cách dạy môn Công dân với cô thì đó còn là sự tự hào.” – cô Cẩm Thúy chia sẻ.

Cô Thúy cũng nhấn mạnh: “Ở FSchool, nếu cho cô được chọn lại cô vẫn chọn dạy môn Giáo dục Công dân bởi đó là môn học nhân văn, môn học không hề dễ dàng, đòi hỏi người giáo viên phải tìm tòi, bỏ nhiều chất xám để có một tiết học sáng tạo, hấp dẫn”.

Kết

Không có môn học nào là nhàm chán chỉ có cách dạy đã đủ thu hút học sinh hay chưa mà thôi. Môn giáo dục công dân vốn hay bị coi là môn phụ, nhiều lý thuyết thuộc lòng nhưng thực ra đây lại là môn dạy “làm người”, trang bị cho học sinh gần như đầy đủ những phẩm chất, hiểu biết tốt nhất để áp dụng trong ứng xử cá nhân, hoàn thiện bản thân và trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội. Bởi vậy nếu dạy và học không hiệu quả sẽ làm giảm giá trị của môn học cũng như thiếu hụt mảng giáo dục nhân cách trong nhà trường.

Bài: Phương Hoa – Hoàng Thảo

 

Ngày đăng: 13/11/2017

Ngày cập nhật: 21/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên
Bùng nổ các màn trình diễn tại vòng sơ loại cơ sở cuộc thi Khơi nguồn Võ Việt 2024
Trường THPT FPT Hà Nội trang bị cho học sinh kiến thức an toàn trên không gian mạng 
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội gặp gỡ, giao lưu với học sinh trường THPT DaiDo Nhật Bản
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tự tin giao lưu với học sinh Đài Loan qua dự án “Lớp học xuyên biên giới”
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội phát triển kỹ năng và tư duy qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
Trường THPT FPT Hà Nội chào đón đại diện trường Shibaura Institute of Technology đến thăm và giao lưu
100 học sinh trường THPT FPT Hà Nội quyết tâm chinh phục kỳ thi thử SAT 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh