Thầy Đoàn Mạnh Linh và nỗi trăn trở về học văn 4.0

Nhìn những slide bài giảng đẹp long lanh hay những video học văn được thiết kế cầu kỳ, trau chuốt, ít ai biết đây là các sản phẩm được thực hiện hoàn toàn bởi bàn tay của một giáo viên dạy Văn từng “không biết PowerPoint là gì”. Chọn nghề giáo vì nghĩ là nhàn, nhưng ánh mắt học trò đã thôi thúc người giáo viên FSchool từ bỏ sự nhàn rỗi của bản thân để miệt mài sáng tạo nên những giờ học sôi nổi và thú vị.

Quyết tâm ở lại Hà Nội và ngã rẽ vào FPT School

Đến bây giờ, thầy Đoàn Mạnh Linh vẫn nhớ như in ngã rẽ khiến mình “bén duyên” với nghiệp văn chương. Đó là vào kỳ thi HSG năm lớp 8, nhận thấy cậu học sinh có khiếu văn chương, cô giáo đã đến thuyết phục thầy thi Văn thay vì Toán như dự định ban đầu. Chưa kịp ôn luyện nhiều nhưng thầy vẫn xuất sắc giành giải Nhất huyện, vượt qua rất nhiều các bạn bè khác với thời gian học tập dài hơn.

Thành công bước đầu ấy đã như một cú hích khiến thầy Linh quyết tâm gắn bó với văn chương trong suốt quãng đời đi học còn lại, đến cả khi lên Đại học rồi bắt tay vào sự nghiệp trồng người. Nghĩ đến lựa chọn thuở nào, thầy thường đùa: “Chẳng được học nhiều mà vẫn đạt giải, nên hồi đấy mình nghĩ cái môn này có vẻ dễ đấy, nên theo!”.

Nhưng cơm áo có bao giờ hết đùa với “khách thơ”. Tốt nghiệp Đại học, ra trường, thầy Linh loay hoay trước những ngã rẽ. Gia đình thì muốn thầy quay trở lại quê, dạy học gần nhà cho yên ổn. Nhưng trong thâm tâm, thầy biết về quê sẽ khó xin việc đến mức nào. Không có việc làm sẽ thành thất nghiệp, thành ăn bám. Vậy nên, quyết định cuối cùng của chàng trai trẻ là ở lại. “Mình không muốn làm một kẻ vô dụng” – thầy tâm sự.

Bám trụ ở mảnh đất Hà thành đầy sôi động, thầy miệt mài đi dạy tại các trung tâm gia sư để tích lũy kinh nghiệm. Vượt ra ngoài những khung chương trình cứng nhắc, những bộ đề ôn thi khô khan, người giáo viên trẻ không lúc nào thôi ước mơ truyền lửa, truyền tình yêu cho học trò qua những bài giảng sinh động, mới mẻ. Chẳng hề giấu giếm, thầy bộc bạch chân thành: “Mình thích ánh mắt học trò nhìn mình ngưỡng mộ”. Ánh mắt ngưỡng mộ đó chính là bằng chứng cho niềm vui, niềm hạnh phúc của học trò khi được thu phục bởi kiến thức và nhiệt huyết của người thầy trên bục giảng. Và với thầy Linh thì đó chính là một thứ vinh quang không lời trong sự nghiệp trồng người.

“Mình thích ánh mắt học trò nhìn mình ngưỡng mộ.” – Thầy Đoàn Mạnh Linh – chia sẻ.

Sau một thời gian dài trải nghiệm môi trường giáo dục tại các trung tâm, năm 2015, thầy Đoàn Mạnh Linh chính thức trở thành giáo viên Trường THPT FPT. Và một trang mới trong sự nghiệp của thầy được mở ra tại đây.

Hành trình “xóa mù” công nghệ của thầy giáo dạy Văn đạt giải iKhiến của FPT

Chứng kiến những giải thưởng mà thầy Linh đạt được trong năm qua, hẳn ai cũng nghĩ thầy đam mê công nghệ từ tấm bé. Nhưng sự thực thì hoàn toàn trái ngược. Không chút ngại ngùng, thầy Linh thừa nhận khi vào dạy ở FSchool, hiểu biết về công nghệ của thầy chỉ là con số 0.

Chứng kiến những giải thưởng mà thầy Linh đạt được trong năm qua, hẳn ai cũng nghĩ thầy đam mê công nghệ từ tấm bé. Nhưng sự thực thì hoàn toàn trái ngược. Không chút ngại ngùng, thầy Linh thừa nhận khi vào dạy ở FSchool, hiểu biết về công nghệ của thầy chỉ là con số 0.

“Mình lúc đó không biết PowerPoint là gì. Đến mức mà khi mình trình chiếu slide bài giảng trong giờ, học sinh còn bật cười vì thấy thầy thiết kế… xấu quá, quê mùa quá” – thầy Linh nhớ lại. Nhưng thay vì dùng thái độ kẻ cả, bề trên để “đàn áp” những phản ứng rất vô tư của đám học trò, thầy lại chủ động tìm đến chúng, nhờ chúng chỉ dạy những điều mình chưa biết. Trong thâm tâm, người giáo viên trẻ hiểu rằng: cách tốt nhất để giữ lại những ánh mắt ngưỡng mộ của học sinh chính là tìm cách nâng cao trình độ của bản thân: “Mình luôn nghĩ là mỗi người giỏi một thứ. Mình hơn học sinh về kiến thức văn học thì chúng lại hơn mình về các công nghệ, kỹ thuật mới. Chưa biết thì học, mình không sợ chúng nó chê mình dốt”.

“Mình hơn học sinh về kiến thức văn học thì chúng lại hơn mình về các công nghệ, kỹ thuật mới. Chưa biết thì học, mình không sợ chúng nó chê mình dốt.” – Thầy Đoàn Mạnh Linh chia sẻ.

Cũng nhờ quá trình “tầm sư học đạo” với học trò mà thầy gắn kết hơn với các em, rồi từ đó “lây” sức trẻ của chúng mà nảy ra muôn vàn những ý tưởng mới. Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các môn xã hội” mà nổi bật là bài giảng “Người lái đò sông Đà” kết hợp video 3D đã nhanh chóng gây xôn xao cộng đồng mạng theo ý nghĩa tích cực nhất của hiện tượng này. Mọi người ngạc nhiên khi thấy giờ Văn không còn cảnh “thầy đọc – trò chép” buồn chán và tẻ nhạt. Thay vào đó, học sinh vừa chơi game vừa học Văn hay sử dụng các thiết bị thông minh như máy tính bảng, smart-phone để quét mã trên sách/slide để ra thông tin về tác giả, tác phẩm, bài học hay các nội dung có liên quan.

Nhớ lại những giờ học sinh động ấy, Phạm Ngọc – cựu học sinh khóa 3 trường THPT FPT vẫn còn bồi hồi: “Chuyển từ trường công lập cấp 2 sang một ngôi trường mới như FSchool, em thấy phương pháp dạy học của các thầy cô ở đây có rất nhiều khác biệt. Đặc biệt nhất là trong bộ môn Ngữ Văn, thầy Linh đã đưa vào chương trình học những yếu tố mới mẻ, độc đáo. Lần đầu tiên bọn em được tìm hiểu những tác phẩm văn học thông qua sơ đồ tư duy hay các video bài giảng. Nhờ đó, bọn em hiểu bài sâu hơn, nhớ lâu hơn và hình dung được tác phẩm một cách rõ nét”.

20 phút thuyết trình ý tưởng trước Hội đồng giám khảo iKhiến tích lũy những gì nung nấu nhất trong suốt 3 năm theo đuổi giấc mơ “trường học 4.0” của người thầy dạy Văn này. Càng làm càng thấy hay, lại càng có thêm nhiều động lực. Để rồi chỉ sau giải Bạc iKhiến một thời gian ngắn, thầy Linh đã xuất sắc lọt vào top 6 tác giả xuất sắc nhất cuộc thi “Tìm kiếm Đại sứ E-learning Việt Nam”. Với thầy, đây là thứ quả ngọt lành nhất sau hành trình nỗ lực không ngừng để đổi mới những giờ học văn vốn bị đóng khung trong sự giáo điều và cũ kỹ.

Tự tin chinh phục trò bằng vẻ đẹp của văn chương

Luôn tìm tòi những công nghệ mới để ứng dụng vào giảng dạy, thầy Linh đã tạo nên sự hấp dẫn nhất định đối với các cô cậu học trò luôn ham thích cái mới. Nhưng sáng tạo có đi xa đến đâu, thầy vẫn không quên đây là Ngữ văn – môn học dạy các em cách tư duy, cảm thụ ngôn từ: “Với mình, công nghệ tuy hay nhưng chỉ là yếu tố bề ngoài để thu hút các em học sinh chú ý hơn vào bài giảng. Còn nội dung vẫn là quan trọng nhất. Khi các em chú ý rồi, mình sẽ biết cách duy trì sự chú ý ấy bằng các cách phân tích sâu sắc, hấp dẫn hay các dẫn chứng cụ thể, thiết thực… Điều này, mình tin là mình vẫn đang làm rất tốt” – thầy Linh khẳng định.

Với mỗi tác phẩm, thầy đều trăn trở tìm ra cái hay, cái giá trị, cái thu hút nhất để truyền dạy cho học sinh của mình. “Mỗi tác phẩm đều có cái hay riêng và nhiệm vụ của mình là phải tìm ra cái đó. Do vậy, mình không đặc biệt thích một giai đoạn văn học nào, một tác phẩm nào. Vì khi người thầy thiên lệch, học trò sẽ bị thiệt thòi”.

“Công nghệ tuy hay nhưng chỉ là yếu tố bề ngoài để thu hút các em học sinh chú ý hơn vào bài giảng. Còn nội dung vẫn là quan
trọng nhất.” – Thầy Đoàn Mạnh Linh chia sẻ.

“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, thầy không bao giờ muốn biến bục giảng thành sân khấu cho mình… chém gió. Thầy dạy cụ thể và rõ ràng, hướng các em đến cách tư duy để hiểu vấn đề thay vì bắt học sinh phải còng lưng chép “trường giang đại hải”. Và quan niệm đó cũng đi cả vào cách thầy chấm bài cho học trò: “Mình sẽ cho điểm cao những bài có tính phát hiện, có tính mới. Còn viết dài để được điểm cao là một suy nghĩ thực sự sai lầm”.

Người thầy giỏi giúp học sinh hiểu bài, còn người thầy xuất sắc thì biết truyền cảm hứng. FSchool là một ngôi trường tư trong lòng một tập đoàn công nghệ, nên nhiều phụ huynh gửi con em vào đây vì mong các em có nhiều cơ hội tiếp xúc với công nghệ, với lập trình, với ngoại ngữ hơn. Nhưng nhờ sự tận tụy của những giáo viên như thầy Linh, học trò “say nắng” cả các môn xã hội. Để rồi, có những em đã ra trường, chẳng học ngành gì liên quan đến văn chương, vẫn giữ lại vở văn, sách văn thầy Linh từng cho ôn luyện như một báu vật trong đời.

Một năm mới đang đến gần. Và người thầy trẻ trung này cũng đang tất bật những dự định mới: sẽ tham gia cuộc thi giáo viên giỏi cấp thành phố, sẽ hoàn chỉnh kênh E-learning của riêng mình, rồi còn thực hiện sản phẩm gửi tới cuộc thi “Diễn đàn Giáo dục Việt Nam” nữa… Gần 20 năm trước, gia đình muốn thầy Linh theo nghề giáo vì nghĩ “nó nhàn”. Ừ thì sự nhàn rỗi ấy có thể là thật, nhưng không phải là mẫu số chung cho tất cả, đặc biệt với những người thầy luôn không ngừng đau đáu ánh mắt học trò.

Nguồn ảnh và bài viết: FPT Education.

 

Ngày đăng: 11/01/2020

Ngày cập nhật: 14/01/2020

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên
Bùng nổ các màn trình diễn tại vòng sơ loại cơ sở cuộc thi Khơi nguồn Võ Việt 2024
Trường THPT FPT Hà Nội trang bị cho học sinh kiến thức an toàn trên không gian mạng 
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội gặp gỡ, giao lưu với học sinh trường THPT DaiDo Nhật Bản
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tự tin giao lưu với học sinh Đài Loan qua dự án “Lớp học xuyên biên giới”
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội phát triển kỹ năng và tư duy qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
Trường THPT FPT Hà Nội chào đón đại diện trường Shibaura Institute of Technology đến thăm và giao lưu
100 học sinh trường THPT FPT Hà Nội quyết tâm chinh phục kỳ thi thử SAT 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh