Thầy Bế Văn Hải – “Ông bố 9X soái ca” của FSchool

“Bố của con tôi, ông bố hơn 20 tuổi lọt thỏm giữa lũ trẻ cao lớn, lộc ngộc. Hai mươi tám đứa là 28 cá tính, 28 sự khác biệt. Vậy mà một mình ông bố trẻ (chưa làm bố bao giờ mà lại làm bố giỏi ấy) với cách giáo dục, quản lý vô cùng nhân văn đã gắn kết 28 cá tính thành một tập thể đoàn kết, vui nhộn, biết yêu thương, sẻ chia vui buồn, no, đói cùng nhau.” – Đó là chia sẻ của chị Thu Thuỷ dành cho Ông bố của năm – thầy Bế Văn Hải.

Là thầy và cũng là Bố

Trong Lễ tri ân thầy cô 20/11 vừa qua của FSchool, thầy Bế Văn Hải đã được xướng tên lên nhận giải thưởng Ông bố của năm. Giải thưởng là sự tôn vinh và biết ơn người thầy quản nhiệm, người chăm lo cho các em học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ tại Ký túc xá. Tiêu chí của giải là sự bình chọn đi liền với những tình cảm của các em học sinh dành cho người thầy mà mình yêu quý nhất.

Thường thì những người làm bố làm mẹ sẽ không yên tâm khi bất kì ai chăm sóc cho con cái của họ. Họ chỉ tin tưởng vào chính đôi bàn tay mình che chở, lo lắng cho các con. Bằng sự tận tụy với công việc, chăm lo, dạy bảo các em một cách khoa học và hiệu quả, thầy Hải đã được phụ huynh ủng hộ, tin tưởng và đồng thời cũng công nhận thầy là “Bố của con tôi”. Mới đây, chị Trần Thu Thuỷ, phụ huynh bạn Phan Thế Khải K5 đã chia sẻ về điều này:

Nếu với các thầy cô dạy môn văn hoá, thành tựu của họ có thể dễ dàng thống kê, đo đếm bằng điểm số, giải thưởng của học sinh thì đối với những giáo viên quản nhiệm làm công việc “dạy nết, rèn người”, chẳng có con số nào có thể chứng minh được. Sự ghi nhận của phụ huynh, học sinh chính là thành tích lớn nhất dành cho những giáo viên quản nhiệm nói chung, thầy Hải nói riêng.

Nghề quản nhiệm – Nghề đặc biệt

Khác với công việc bình thường, một ngày làm việc của thầy Hải thường bắt đầu vào lúc 6h15 và kết thúc vào lúc 22h30 khi học sinh tắt đèn đi ngủ, nếu có học sinh ốm hay có vấn đề phát sinh, thời gian có khi muộn hơn. Vậy mà thầy Hải cũng đã 2 năm gắn bó với công việc quản nhiệm rồi. Sinh năm 1993, chưa lập gia đình, cũng chưa có người yêu, 90% thời gian của thầy Hải dành cho công việc, chăm sóc học trò của mình tốt hơn. 10% thời gian còn lại cho riêng bản thân. Thầy Hải vẫn còn cảm thấy may mắn vì mình độc thân chứ “công việc chiếm quá nhiều thời gian của mọi người. Những anh chị có gia đình sẽ khó cân đối được thời gian.”

Một người bố, một người mẹ, thêm một người bà, người ông nữa đôi khi vẫn cảm thấy bế tắc và bất lực khi chăm sóc con, cháu của họ. Độ khó tăng lên cho các thầy cô của FSchool khi phải một mình “gồng gánh” hàng chục đứa con đang tuổi ẩm ương. Thầy Hải cũng vậy. Hiện thầy đang quản lý hơn 50 học sinh của hai phòng E301 và E302. Những FSchooler này thầy Hải đã chăm sóc từ khi chập chững bước vào trường nên thầy trò đặc biệt gắn bó.

Đứng trước một công việc mới mẻ và khó khăn như vậy, thầy phải có nguyên tắc riêng của mình trong việc quản lý và giáo dục các em. “Một số em có cá tính rất mạnh nên khi mắc lỗi thì mình sẽ gặp riêng các em để nói chuyện. Nếu mình cứ nói nặng lời với em đó trước bao nhiêu là bạn thì càng phản tác dụng, phải tôn trọng cái Tôi, thể diện của các bạn.”

Sống trong môi trường tập thể, việc duy trì nội quy, kỷ luật rất quan trọng tuy nhiên đối với các bạn học sinh thích tự do, điều này khiến các bạn cảm thấy tù túng, khó chịu. Những lúc học trò vi phạm, thầy Hải cũng có những hình phạt riêng: “Nếu bạn vứt rác ở trong phòng hoặc không đổ rác thì mình sẽ cho các bạn xin lỗi cái hót rác rất nhiều lần, để các bạn nhớ mà không tái phạm nữa. Nếu như không gấp chăn thì mình sẽ cho các bạn gấp chăn đến khi thật đẹp thì thôi và đứng giơ hai tay lên trời 20 phút. Hình phạt thì không chỉ vui mà còn phải liên quan tới vấn đề mà các bạn ấy vi phạm.”

Có những câu chuyện mà những đứa con không bao giờ tâm sự với bố mẹ chúng ở nhà nhưng lại kể hết với thầy Hải như một người bạn tâm giao: “Các bạn hay chia sẻ với mình về chuyện tình cảm. Một là em vừa mới chia tay bạn này. Hai là em thích bạn kia nhưng bạn ấy không thích em. Ba là em thích một chị trên đại học mà em không biết nên làm như thế nào. Cũng có khi là chuyện gia đình, áp lực học tập.” Có những đêm, thầy vẫn ngồi ở hành lang để tâm sự với học sinh đến 12h, chỉ cho em nghe những đường đi lối bước, đâu là đúng đâu là sai.

Khó khăn là thế, nhưng mà khi được hỏi có bao giờ hối hận vì đã chọn nghề quản nhiệm hay không, thầy khẳng định ngay: “Không bao giờ”. Khuôn mặt thầy còn lộ rõ niềm tự hào: “Mình được chứng kiến sự trưởng thành, tự lập của các em học sinh. Nhiều em mới đầu vào lớp 10 không cả biết quét nhà, lau nhà, hoặc khi gặp người lạ thì không dám nói chuyện, kém tự tin về bản thân mình nhưng chỉ qua một thời gian các bạn đã thay đổi nhiều, chính gia đình các bạn cũng ngỡ ngàng.”

Những trăn trở trong nghề

Mỗi người đều có những mối lo lắng, trăn trở trong công việc của mình. Áp lực càng nhiều thì nỗi trăn trở đó càng lớn. Đối với thầy Hải, các em học sinh luôn là nỗi lo lắng lớn nhất của thầy “Mình vẫn  trăn trở về việc rèn giũa học sinh làm sao cho tự lập nhất, tự giác nhất, và có ý thức, suy nghĩ độc lập nhất. Đó cũng là điều phụ huynh mong muốn khi gửi các con vào môi trường nội trú, và mình chỉ áp lực khi không hướng được cho các con được điều đó.”

Đứng từ góc độ là một người quản nhiệm, dạy bảo và chăm lo cho các em, thầy Hải nhận diện 3 nhóm học sinh cần phải quan tâm nhiều nhất:

“Thứ nhất là nhóm học sinh trầm. Nguyên nhân có thể là vì gia đình, bố mẹ chia tay nhau, cùng có thể là bố mẹ đi làm suốt ngày, bạn ấy chỉ ở nhà một mình thôi.

Thứ hai là nhóm các bạn rất quậy. Nguyên nhân là có bạn phải xa mẹ từ nhỏ và sống với ông bà, nên bạn không thể cảm nhận được tình thương của bố mẹ, ông bà thì chiều cháu.

Thứ ba là có những bạn trung lập. Mình có cảm giác là các bạn không nêu được ý kiến của bản thân và chưa có quan điểm cá nhân. Các bạn chưa có tính cách nổi bật của mình để người khác nhớ đến mình.”

Đây cùng là một bài toán mà đến giờ thầy vẫn đang tính toán kĩ lưỡng. Thầy luôn muốn các em thoát ra khỏi cái vỏ bọc của chính mình, để tự tin đối diện với thực tại, chịu trách nhiệm cho chính bản thân, cuộc đời của mình.

Nghề quản nhiệm đã làm thay đổi con người tôi!

Có dáng người nhỏ (đôi khi còn nhỏ con hơn học sinh của mình), vẻ bề ngoài thư sinh có phần “soái ca” nhưng đừng ai nghĩ thầy Hải hiền. Trong công việc thầy vô cùng nghiêm túc, thầy ghi dấu với tone giọng cao, chua khi nhắc nhở học sinh. Nghiêm khắc và “đanh đá” là thế, nhưng đối với học sinh thầy vừa là bạn, vừa là anh, vừa là người bảo vệ, người Bố.

Tốt nghiệp đại học sư phạm, từng là giáo viên dạy Văn tại tại Tuyên Quang, nhưng thầy Hải lại chưa mong muốn một cuộc sống an nhàn khi ở còn tuổi rất trẻ. Thầy đã mạnh dạn thử thách mình với một công việc hoàn toàn mới mẻ và khó khăn. Thầy đã phá vỡ những suy nghĩ cổ hủ về nghề quản nhiệm là một nghề “trông trẻ”.

Thầy Hải cùng đồng nghiệp.

Vì ai đó mà thay đổi bản thân, vì điều mình trân quý mà thay đổi tính cách. Khi vào một môi trường giáo dục được rèn luyện nghiêm khắc và khắc nghiệt như trong quân đội, người đầu tiên phải thay đổi để thích nghi với môi trường chính là người thầy. Tự nhận mình vốn rất “tưng tửng” và hơi “tăng động”, đôi khi còn hơi tùy hứng trong cách hành xử, đến nay, tính cách thầy Hải đã khác xưa rất nhiều. Thầy chia sẻ:“Trước khi thì mình nổi và quậy, còn bây giờ thì mình trầm tính và kiềm chế bản thân nhiều hơn.”

Với cái tâm của một quản nhiệm, với tuổi trẻ của một chàng trai 9X, thầy Hải gần gũi, dạy dỗ học sinh, gắn kết các bạn như một gia đình. Thầy luôn tự hào với mọi người về công việc của mình: “Giáo viên Quản nhiệm là một nghề làm Thầy mà không đứng trên bục giảng, không cầm phấn, không cầm giấy bút, không dạy học sinh kiến thức trong sách vở mà dạy học sinh những kĩ năng sống, cách va vấp và thích nghi trước cuộc đời.”

Bài: Anh Nguyễn

 

Ngày đăng: 30/11/2018

Ngày cập nhật: 30/11/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Học sinh trường THPT FPT Hà Nội mang “Giáng sinh yêu thương” đến với các em nhỏ tại Mái Ấm Thiên Ân
55 đội tuyển sẵn sàng chinh phục giải bóng đá lớn nhất năm tại trường THPT FPT Hà Nội
Khám phá lớp học quốc phòng nghiêm túc và sôi nổi tại trường THPT FPT Hà Nội
Sôi động tại giải thể thao Nexus 2024 giữa cha mẹ học sinh và cán bộ giáo viên Trường THPT FPT Hà Nội
Hóa thân thành nhân vật, học sinh trường THPT FPT Hà Nội sống trọn vai cùng tác phẩm “Chí Phèo”
Bùng nổ sáng tạo tại Chung kết AI Educamp 2024 cấp trường dành cho cán bộ giáo viên trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tái hiện lớp học Việt Nam qua các thời kỳ nhân dịp 20/11
Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh