“Thư tay không bao giờ lỗi mốt”
Trong thời đại internet, những lá thư tay sẽ về đâu? Chúng không biến mất, trái lại, chúng vẫn khơi gợi vô vàn cảm xúc cho con người. Topic cuối tuần với chủ đề “Thư tay” của học sinh Trường trung học phổ thông FPT đã phần nào nói lên điều đó.
“Thư tay”, với học trò FPT, có thể là dòng chữ viết vội trên mẩu giấy chuyền tay nhau tinh nghịch trong ngăn bàn, có thể là dòng ký tặng ngắn ngủi trên trang sách, là lời chúc đầy yêu thương trên tấm bưu thiếp của một người thân… cũng có thể, đó là những bức thư mà các em được nhận hay gửi đi, với rất nhiều tình cảm, yêu dấu.
Có lẽ học sinh nào khi được chọn cũng viết về bức thư đong đầy kỉ niệm và cảm xúc. Nguyễn Quốc Khánh – học sinh lớp 10D viết: “Bức thư em mời bạn dự sinh nhật năm nay có phần giống thư tình. Vì đọc đi đọc lại thấy sến quá nên em quyết định giữ lại làm kỉ niệm thôi chứ không gửi. Bây giờ có sự tham gia của công nghệ thông tin nên viết thư tay đã trở nên xa lạ đối với nhiều người, và ở nhiều nơi, người ta không dùng hòm thư nữa mà phải vào bưu điện để gửi nên nhiều người thấy ngại nên không muốn gửi thư”…
Những bức thư đáng yêu khiến chủ nhân có thể bật cười, cũng có thể rưng rưng nước mắt khi xem lại, bởi nó gắn với rất nhiều kỉ niệm. Thư của Nguyễn Bình An lớp 10D là một trong những bức thư như thế – bức thư em viết về mẹ của mình.
“Những dòng tâm sự của tôi trong ngày sinh nhật đầu xa nhà. Ngày mà tôi nhớ mẹ đến lạ thường. Ngày sinh nhật mọi năm đã có thể ở nhà, bên gia đình. Còn hôm đó ngồi một mình, viết lên những suy nghĩ. Vẫn thầm ngấm ngầm nỗi nhớ, không cho ai hay không ai hay biết …” – An chia sẻ.
Nguyễn Thu Trang – học sinh lớp 10G chia sẻ bức thư viết trên con thuyền giấy của người bạn “bí mật” tại FPT cùng sự nâng niu, trân trọng: “Bức thư tay dưới dạng của một cái thuyền giấy. Nó được gửi từ một người bạn của tôi và đó cũng là người bạn đầu tiên tôi biết ở Fschool. Không biết vì lí do gì mà tôi không còn chơi với người bạn đó nữa… nhưng tôi vẫn giữ bức thư đầu tiên và cũng có thể là cuối cùng ấy. Dù thư không dài, giống như tình bạn của chúng tôi nhưng tôi sẽ giữ gìn nó cẩn thận và coi đó là một tình bạn đẹp trong suốt những năm cấp 3 của mình…”.
Trần Quốc Huy – lớp 10D lại chia sẻ những tâm sự của riêng mình khi nghĩ về “thư tay” – như một nơi kí gửi tâm tư, tình cảm thầm kín nhất: “Trong thời đại bây giờ có lẽ “Thư tay “ là một thứ gì đó nghe rất là xa xỉ bởi sự ra đời của email. Thư tay có lẽ không xa xỉ về tiền bạc mà xa xỉ về thời gian, nó có thể giết chết cả một ngày của tôi thay vì chỉ mất 1 tiếng đồng ra ngồi ra café và du dương theo điệu nhạc để gửi mail hay chat với bạn bè. Có lẽ trong thời đại công nghệ như bây giờ thì thư tay đúng là một thứ “báu vật”. Bởi lẽ mỗi bức thư tay trong đó là cả một tình cảm chân thành, tin yêu! Tôi cũng không phải là một người chăm viết thư nhưng vẫn có thể cảm nhận được hết tình cảm trong mọi bức thư mà mình được nhận qua từng con chữ. Tôi không chăm nhưng tôi thích viết thư. Tôi thích được tự mình ngồi nắn nót từng con chữ mặc dù biết rằng có thể mình sẽ không đủ can đảm để gửi bức thư đó đi …”.
Trong khi đó, Đoàn Đức Huy – học sinh lớp 10A tin tưởng rằng thư tay không bao giờ lỗi mốt qua câu chuyện rất tỉ mỉ và đáng yêu của mình. Huy viết: “Nếu không tính những mẩu giấy chi chít nét chữ nhỏ bé được xé ở cuối vở và bị ném đi ném lại trong lớp thì năm lớp 9 là lần đầu tiên tôi nhận được một lá thư theo đúng nghĩa: viết bằng tay được kẹp ngay ngắn trong cuốn sách yêu thích mà tôi hay mang đến trường. Lúc tôi bắt đầu đọc trang đầu của bức thư cũng là lúc mà tôi nhận ra… đây là một lời tỏ tình của cô bạn gái dễ thương cùng lớp. Cảm xúc đó, khi mở một lá thư tay khác hẳn so với cảm xúc khi nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính để xem một bức thư điện tử. Nó có gì đấy rất… con người, đầy sự lãng mạn với những sự rung động đáng yêu, từng ngôn từ, câu chữ mà cô bạn viết chứa đựng một tâm hồn rất trẻ con và ngây thơ. Bản thân tôi là người ít khi có đủ kiên nhẫn để ngồi và bày tỏ sự mến mộ của mình đối với một ai đó qua thư từ, kể cả là email hay facebook, nên việc làm này đã cho tôi một cảm giác cực kì đặc biệt, ít ra là tình cảm giữa tôi và cô bạn cũng tăng lên đáng kể…
Nhiều người cho rằng viết thư tay là cổ lỗ sĩ, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đó là một “mốt” nào đấy để mà hết thời. Tặng một bức thư cho ai đó, có nghĩa là ta đã trao cho họ cái quyền để chạm vào cảm xúc và suy nghĩ của riêng mình, có nghĩa là ta bất chấp sự thay đổi về thái độ của họ sau khi đọc những điều mình không thể nói bằng lời. Với cái nhìn của tôi, đây là một hành động rất dũng cảm, một điều mà tôi chưa dám làm. Nhưng tôi mong rằng, tôi sẽ viết được một lá thư thổ lộ tình cảm cho một người có vị trí quan trọng trong tôi khi tôi sẵn sàng”.
Nguyễn Quỳnh
Chuyên mục: Tin tức
Ngày đăng: 19/11/2013
Ngày cập nhật: 12/03/2014
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2025 - 2026