Tiền bạc ở một mức độ nào đó, ngang bằng với tôn nghiêm và tự do. Nhưng xin con đừng làm nô lệ của đồng tiền
Con trai yêu dấu!
Chỉ ngày mai thôi, con sẽ tốt nghiệp đại học và chính thức bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời – một cách tự do và tự quyết nhất. Thấy con khôn lớn, đĩnh đạc, ta thật sự vui lòng. Và ta cũng biết, đã có thật nhiều lúc, con không hài lòng về ta, nhất là trong chuyện quản lý tiền bạc, tài chính của con.
Ta đồ rằng, sẽ có hơn một lần trong đầu con tự hỏi “Cha của con là một tỷ phú giàu có, có trong tay hàng trăm bất động sản, vậy sao quá khắt khe với con, yêu cầu con tiết kiệm từng đồng bạc lẻ?”.
Nhưng, sự dằn dỗi ấy trôi đi rất nhanh, ta vui và cũng biết ơn vì con đã tuân thủ phương pháp giáo dục có phần hà khắc của gia đình, con chấp nhận sống giản dị như bao thanh niên khác, và nhất là con phải tự mình kiếm những đồng tiền đầu tiên từ công việc bán nước ép vào dịp nghỉ hè hồi tiểu học.
Thay vì nuông chiều con, ta chọn cứng rắn.
Thay vì chu cấp cho con đầy đủ, ta chọn dạy con phải tự bỏ công bỏ sức kiếm tiền.
Và ta, chưa bao giờ ân hận vì điều đó!
Thấy con hôm nay trưởng thành, và ngày mai, ngày kia thôi sẽ rời khỏi vòng tay bao bọc của gia đình, đứng trước bao ngã rẽ của cuộc đời, và trước sức hút của đồng tiền – thứ mà cha con rất nhiều, nhưng con không có, liệu con có bị mê hoặc? Cha thậm ghét những người chê bai đồng tiền và phủ nhận vai trò của nó. Thế nhưng đồng tiền chỉ nên là phương tiện sống chứ không phải là mục đích sống của chúng ta. Theo đuổi tiền bạc một cách mù quáng không mang lại cho chúng ta hạnh phúc thực sự. Đây là điều càng già, cha càng thấm thía và muốn nhắn gửi với con sớm nhất có thể.
Nay, ta viết cho con lá thư này, sẽ không nói quá dài, chỉ muốn dặn dò con đôi điều về thứ làm nên giá trị, sự nghiệp, địa vị của người đàn ông. Con ngẫm nhé!
1. Xuất phát điểm không làm nên giá trị con người
Một số người được sinh ra trong gia đình khuyến khích về giáo dục.
Một số khác lại sinh ra trong những gia đình phản đối giáo dục.
Một số sinh ra trong nền kinh tế thịnh vượng; số khác lại sinh ra trong chiến tranh và đói nghèo.
Mỗi người là một độc bản duy nhất, không lặp lại và có xuất phát điểm không giống nhau. Cho nên, việc đánh giá, quy kết giá trị của mỗi người không dựa vào những yếu tố đó.
Cha muốn con trở nên thành công và đạt được sự tự do. Nhưng con cũng cần biết rằng không phải thành công nào cũng xuất phát từ chăm chỉ; không phải sự nghèo đói nào cũng xuất phát từ lười biếng. Những người lười biếng vẫn có thể có một sự nghiệp vẻ vang; một người giàu có cũng có thể lụn bại, trắng tay bởi những sai lầm trong cuộc sống… Đừng vội quy chụp bất cứ điều gì khi nhìn nhận người khác, điều đó chẳng có gì hay ho.
Hãy giữ vững quan điểm này khi con đánh giá người khác, và đánh giá chính bản thân con nữa.
2. Sự tôn trọng của người khác không phải đến từ quần áo con mặc
Trong cuộc sống sẽ có lúc nào đó con muốn mua một chiếc xe đắt tiền, một chiếc đồng hồ hạng sang hoặc một ngôi nhà rộng lớn. Nhưng con đừng mua chúng.
Điều con cần hơn cả là sự kính trọng và ngưỡng mộ từ những người xung quanh và con đừng nghĩ rằng những thứ vật chất đắt tiền có thể mang lại điều đó cho con. Chúng chẳng có ý nghĩa gì – đặc biệt là với những người mà con cần sự tôn trọng và ngưỡng mộ.
3. Hãy thay đổi thái độ khi cần thiết
Cha biết có rất nhiều người nghĩ rằng họ sẽ quản lý việc đầu tư tốt hơn khi còn trẻ. Họ bắt đầu đầu tư từ năm 18 tuổi và nghĩ rằng mình sẽ có tất cả ở tuổi 19. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ bắt đầu cả. Còn cả một chặng đường dài thật dài phía trước với chồng chất chông gai mà nếu chỉ đơn thuần tưởng tượng thì sẽ không thể nào hiểu được.
Bởi lẽ, người có thái độ sống tích cực luôn nhìn thấy các khả năng và tìm ra những con đường chưa thành lối để đạt đến thành công, hạnh phúc thật sự. Còn người có thái độ sống tiêu cực thì tự giam hãm cuộc sống mình vào các khuôn khổ, lối mòn và chỉ nhìn thấy các giới hạn, khó khăn trong cuộc sống. “Người hạnh phúc không phải là người được sống trong hoàn cảnh thuận lợi nào mà là một người có cách nhìn và thái độ sống tốt nhất trong mọi hoàn cảnh”, con hãy ngẫm thử xem!
4. Đừng duy trì công việc mà con ghét chỉ vì đó từng là lựa chọn đầu tiên
Không ai biết chắc mình sẽ phải làm gì ở tuổi đó đâu con. Thậm chí, nhiều người lớn còn không biết họ muốn gì khi gấp đôi tuổi đó.
Nếu một công việc không mang lại cho con sự hứng thú và lòng nhiệt thành, hãy nghiêm khắc và bình tĩnh lựa chọn lại.
Thật ra, được làm công việc mà chúng ta thực sự đam mê, bằng tất cả trái tim và trí óc nhiệt tình của mình, danh tiếng và sự giàu có sẽ tự tìm đến. Giống như cách ta đã tạo dựng sự nghiệp bằng chính đôi bàn tay này. Ta tin dòng máu ấy vẫn chảy trong huyêt quản của con. Sự trưởng thành khôn ngoan và ý chí nỗ lực hết mình trong cuộc sống, sẽ được đền đáp xứng đáng, con ạ!
5. Thứ tốt nhất mà tiền bạc có thể mua chính là sự kiểm soát về thời gian
Nó mang lại cho con những lựa chọn và giúp con không phải sống phụ thuộc vào người khác. Một ngày nào đó, con sẽ nhận ra rằng tự do là thứ duy nhất giúp cuộc sống của con thực sự hạnh phúc.
Cha đọc được một câu chuyện trên mạng về Ding Xueliang, tiến sỹ tốt nghiệp Đại học Harvard, trong quãng thời gian học tại Mỹ có một người bạn thân thiết là người Do Thái. Người bạn Do Thái này nói với ông rằng: “Người Châu Á các cậu thường cho rằng người Do Thái chúng tôi yêu tiền, chúng tôi lúc trước cũng vì điều này mà cảm thấy xấu hổ. Nhưng sau đó, ba của tôi đã nói với tôi một câu, kể từ sau đó, tôi đã biết rằng chúng tôi vì sao lại yêu tiền như vậy.
“Bởi vì lúc gặp khó khăn, túng quẫn, bất luận là vì lý do gì, thứ có thể mua được mạng sống của người thân chính là tiền. Người Do Thái không yêu tiền, thứ họ yêu là “tiền có thể mua được mạng sống của người thân. Tiền bạc ở một mức độ nào đó, nó ngang bằng với tôn nghiêm và tự do, nó khiến chúng ta cảm nhận được sự ấm áp và sự an toàn. Còn tìm kiếm cảm giác an toàn lại là bản năng tiềm ẩn bên trong của mỗi người.
6. Đừng bị tiền ám ảnh
Nếu con giống hầu hết mọi người, con sẽ dành phần lớn thời gian trong cuộc đời của mình để suy nghĩ: “Nếu mình kiếm thêm được 1 triệu thì mọi thứ thật tuyệt vời biết bao” – Sẽ có lúc con có suy nghĩ này. Nhưng khi kiếm được 1 triệu rồi, con lại ước “Giá mà mình kiếm được 2 triệu thì tốt hơn” và rồi con lao vào theo đuổi giấc mơ đó. Đây là một vòng luẩn quẩn đau khổ.
Tiền là một thứ vô hạn, có rồi sẽ muốn có nhiều hơn, cũng như nhu cầu của con người vậy, ngày càng tăng lên. Phấn đấu vì một thứ vô hạn sẽ đến một lúc bản thân con cảm thấy mệt mỏi. Con sẽ không biết bao nhiêu là đủ và chẳng thể vui nổi. Con kiếm tiền để bản thân và gia đình có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và tiện nghi hơn, nhưng nếu vì tiền mà khiến ít nhất 1/3 cuộc sống của bạn trở thành địa ngục thì thật không đáng. Con hãy nhớ, mục tiêu của con có thể là bất cứ thứ gì ngoài tiền bạc. Đừng bao giờ làm nô lệ của đồng tiền, con trai ạ!
7. Tỷ lệ lãi suất sẽ chẳng mấy liên quan đến số tiền con kiếm được nhưng chúng sẽ liên quan mật thiết đến số tiền con chi tiêu
Cha biết có một nha sĩ sống dựa vào lương và ông ấy luôn trên bờ vực phá sản. Cha cũng biết một người không bao giờ kiếm được quá 50.000 đô la nhưng lại tiết kiệm được cả một gia tài. Sự khác biệt nằm ở cách chi tiêu. Sống dưới mức nhu cầu là chìa khóa để con kiểm soát vấn đề tài chính của mình.
8. Cha hy vọng sẽ có một thời điểm nào đó trong cuộc sống con lâm vào cảnh nghèo nàn
Tất nhiên, con đừng cảm thấy vật vã hay bất hạnh. Không có cách nào để con học được về giá trị của đồng tiền tốt hơn cảm giác thiếu thốn chúng.
Tiền không phải vạn năng, nhưng cũng không thể thiếu tiền, trong phần lớn các trường hợp thì cuộc sống của chúng ta và tiền có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ. Đôi khi tiền khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn, “có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược chẳng xong”.
Khi không có tiền, con sẽ nhìn thấu, sẽ ngộ ra được rất nhiều điều:
Khi không có tiền, con sẽ biết ai đối xử với ta thật lòng, còn ai giả dối.
Khi hết tiền, con mới nhận ra người có phúc cùng hưởng thì khá nhiều nhưng có nạn cùng chịu thì lại quá ít.
Khi không có tiền, con mới hiểu rằng cái cảm giác nhìn người mình yêu thương phải chịu khổ nó khó chịu đến nhường nào.
Khi hết tiền, con mới thấu thì ra cuộc sống lại có nhiều chuyện mà bạn bất lực đến vậy.
Khi con không có tiền, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, con vừa không cách nào thoát ra, lại cũng chẳng thể có một sự lựa chọn nào tốt hơn, chỉ có thể bất lực nhìn mọi thứ xảy ra.
Không dám thất nghiệp, không dám đổ bệnh, không dám tiêu tiền, cuộc sống cứ vậy mà mang đến cho con biết bao nhiêu khổ não, băn khoăn.
Nghèo đói sẽ dạy con sự khác biệt giữa nhu cầu và mong muốn. Nó sẽ giúp con hưởng thụ những gì mình đang có, sửa chữa những sai lầm và lựa chọn hợp lý. Đó mới là những kỹ năng sống còn cho cuộc sống của con.
9. Con đường dẫn đến sự hối tiếc về tài chính luôn ngập tràn nợ nần
Có một câu cha rất tâm đắc: “Bạn không thể thắng trong khi vẫn đang mang một gánh nợ. Hoàn toàn không thể”. Chính xác là như vậy!
Một số khoản nợ, chẳng hạn như thế chấp thì có thể chấp nhận được. Nhưng những khoản chi tiêu dẫn đến nợ nần cũng giống như thuốc phiện, chúng chỉ mang lại niềm vui sướng nhất thời và sẽ kéo tụt con xuống nhiều năm sau đó. Chúng sẽ khiến con mất đi nhiều lựa chọn và con luôn bị kìm chân bởi quá khứ.
Bởi thế, cha luôn khắt khe về chuyện tiền bạc với con từ khi con còn nhỏ và dạy con cách quản lý tài chính của bản thân. Điều ấy không bao giờ thừa. Ở bất cứ tuổi nào, sự quản lý tài chính cũng cần được thực hiện nghiêm túc và chi tiết. Đừng vì một phút bốc đồng, buông thả mà dẫn tới nợ nần, nó sẽ đẩy con xuống bùn với những mệt mỏi nối tiếp.
10. Hãy luôn luôn lắng nghe
Con có thể không nghe lời cha nếu như con không đồng ý với những gì mà cha đã viết. Thế giới con lớn lên sẽ có những giá trị và cơ hội khác với thế giới của cha. Điều quan trọng là khi con bất đồng với ai đó, con càng phải học hỏi nhiều từ họ, sau đó buộc bản thân phải tự học. Và điều cuối cùng cha muốn nói với con: Hãy luôn luôn lắng nghe”.
Giá trị bản thân phải do chính ta nhận ra. Còn nếu không, cuộc đời con chẳng có nghĩa lý gì
Chuyên mục: Tin tức Tuổi 15 con cần gì
Ngày đăng: 02/04/2019
Ngày cập nhật: 01/10/2021
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025