Cách thức kết nối các thành viên trong gia đình
“Thưa cô, làm thế nào để các thành viên gia đình trở nên gắn bó và có nhiều tình cảm hơn nữa?”
Học sinh nam, lớp 10
Em thân mến,
Điều em trăn trở gợi cho cô liên tưởng đến một chàng trai có trái tim nồng ấm, luôn biết yêu thương và trân quý tình cảm gia đình!
Tình huống của em cũng khiến cô nhớ đến câu chuyện về một người con trai thành đạt, giàu có dẫn mẹ đến phòng khám nha khoa để trồng răng giả. Ở đó, nha sĩ giới thiệu về các loại răng với mức giá và chất lượng tương ứng. Người con không có ý kiến gì về những thông tin nha sĩ chia sẻ, còn bà mẹ đương nhiên chọn loại rẻ nhất và tự đóng tiền đặt cọc.
Sau khi họ đi khỏi, những người trong phòng khám phê phán người con vì giàu có mà không bỏ tiền để trồng loại răng tốt cho mẹ… Họ đang chỉ trích thì người con trai kia quay trở lại, anh nói: “Nha sỹ, phiền ông trồng cho mẹ tôi loại răng sứ tốt nhất, phí tôi sẽ trả, bao nhiêu tiền không quan trọng. Nhưng ông đừng nói sự thật với bà, mẹ tôi là một người cực kỳ tiết kiệm, tôi không muốn làm mẹ mất vui.”
Câu chuyện khiến cô thực sự xúc động về tình cảm, sự hiếu thảo của người con dành cho mẹ của mình. Ở góc độ cá nhân, cô nghĩ em chắc chắn cũng chất chứa tình cảm ấm áp ấy. Song, cô muốn kể câu chuyện này vì qua đó, chúng ta có thể nhận ra hai bài học chính:
i) Nền tảng của sợi dây kết nối tổ ấm gia đình là thấu hiểu
ii) Ứng xử trong gia đình luôn dựa trên tình yêu thương.
Điều đầu tiên, giống như nguyên lý tảng băng trôi, phần nổi của tảng băng chỉ là phần nhỏ, việc của chúng ta là khám phá phần chìm của tảng băng để thấu hiểu và nhìn vấn đề một cách toàn diện hơn. Đơn cử một trường hợp điển hình sau: “Có bạn rất buồn và nghĩ rằng ba cư xử không tình cảm, không gần gũi với mình và các thành viên trong gia đình. Ba không ôm, không hỏi han, an ủi những lúc bạn ấy buồn, không trò chuyện nhiều với các thành viên trong gia đình mỗi ngày…”. Ứng dụng việc hiểu biết về nguyên lý tảng băng trôi, bạn ấy đã nhắc bản thân tìm hiểu về phần chìm của nó và bắt đầu để ý nhiều hơn đến công việc, thói quen của ba…
Nhờ vậy, bạn ấy nhận ra ba vốn dĩ không quen thể hiện tình cảm hay bộc lộ cảm xúc của mình ra bên ngoài. Ba chỉ thầm lặng làm việc, kiếm tiền với mong muốn cuộc sống gia đình mỗi ngày được cải thiện hơn. Ba vẫn chăm sóc và lo lắng cho bạn ấy khi ốm đau, vẫn hỏi han và cung cấp cho bạn ấy đầy đủ những thứ cần thiết cho việc học, chia sẻ với mẹ những khó khăn trong cuộc sống mà bạn ấy không hề hay biết. Hoá ra, ba vẫn luôn yêu thương, vẫn quan tâm đến bạn ấy và các thành viên trong gia đình. Chỉ là cách của ông khác với những gì bạn ấy mong đợi.
Sự thấu hiểu giúp bạn ấy chấp nhận, cảm thông nhiều hơn cho ba và tình yêu thương đã dẫn dắt bạn ấy hành động, ứng xử thật đẹp. Thay vì yên lặng chờ đợi ba hiểu và quan tâm theo cách bản thân mong muốn, bạn ấy chủ động chạy ra mở cổng đón và hỏi han ngay khi ba trở về nhà. Sẵn sàng pha ngay một đồ uống ba thích khi cảm nhận sự mệt mỏi trong ba…
Nhờ những lần như thế, bạn ấy và ba đã nói chuyện nhiều hơn. Tuy ba chưa thể hiện sự quan tâm theo cách bạn ấy muốn, chưa nói nhiều, chưa hiểu hết những gì bạn ấy mong đợi, nhưng bạn ấy vui vì biết rằng ba luôn yêu mình, quan tâm đến gia đình. Ba vẫn đang cố gắng thật nhiều vì ngôi nhà nhỏ thân thương.
Bên cạnh đó, bạn ấy chú ý nhiều hơn đến lịch làm việc, thời gian biểu của ba để chủ động đề xuất những hoạt động chung, phù hợp cho gia đình. Nhờ vậy, cả nhà có nhiều cơ hội đi chơi, làm việc và tương tác hơn. Bạn ấy tăng cường việc tạo không gian, bối cảnh để cả nhà trò chuyện và học cách ghi nhận những thay đổi, những điểm tốt của nhau, động viên, khích lệ lẫn nhau.
Đồng thời, những gì có thể làm, bạn ấy luôn sắn tay gánh vác. Có khó khăn, bạn ấy sẵn sàng chia sẻ cùng ba mẹ để tìm sự trợ giúp, có niềm vui cũng không ngại ngần bày tỏ để lan toả tiếng cười, niềm hạnh phúc… Và không biết từ lúc nào, bạn ấy đã trở thành nhịp cầu nối kết các thành viên trong gia đình với nhau.
Chàng trai ạ, cô hiểu rằng mỗi gia đình mỗi khác và để trở thành người kết nối vốn không hề dễ dàng. Tuy nhiên, em có thể tham khảo cách thức hiệu quả mà người bạn cùng lứa tuổi với em đã sử dụng ở phía trên, bởi tổ ấm gia đình không bao giờ thiếu hai điều cốt lõi là thấu hiểu và yêu thương, phải không em?
Cuối cùng, cô muốn dành lời nhắn gửi từ Louisa May Alcott tới em: “Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu”. Sau tất cả, em đừng quên góp nhặt, nhận diện và trân trọng vẻ đẹp của những điều nhỏ bé từ gia đình thân yêu, chàng trai nhé!
Cô tin rằng với mong muốn kết nối cháy bỏng và một trái tim giàu cảm xúc của mình, em sẽ nhanh chóng giúp gia đình thêm ấm áp, tình yêu thương và sự quan tâm lan toả nhiều như em mong đợi!
“Tình yêu thương là câu trả lời cho mọi thứ. Nó là lý do duy nhất để làm bất cứ điều gì”
PHỤ TRÁCH CHƯƠNG TRÌNH
Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng cho trẻ em và thành niên
Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 102, tòa nhà Gamma
Hoặc qua kênh trực tuyến:
https://www.facebook.com/phung.hien.18
Chuyên mục: Bức thư chiều thứ 6 Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 16/12/2020
Ngày cập nhật: 16/12/2020
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025