“Cái gì cũng phải lo hết, nên chẳng có gì phải lo cả”

Đó là câu nói châm ngôn mà người FPT chúng tôi từ cán bộ cho tới học sinh, sinh viên thường hay nói để lạc quan tếu với nhau. Chẳng biết ai đào đâu ra cái câu này, mà nhiều lúc ngẫm lại thấy… đúng quá xá. Học nội trú trên cái xứ Hoà Lạc này, có quá nhiều thứ phải lo nên đâm ra lại chả có gì phải lo cả.

K7 năm nay đúng là một khoá học sinh đáng nhớ khi vừa nhập trường thì khai giảng mưa như trút nước. Ngày đầu tiên học chính khoá lại mất điện do sự cố kỹ thuật của cả khu công nghệ cao. Rằng thì mất điện là khổ lắm, một buổi sáng nhớ đời khi chân ướt chân ráo tinh tươm áo quần sách vở trên giảng đường, thì nhận “hung tin” mất điện, thời tiết oi nóng còn người thì không ngừng túa mồ hôi ra. Tâm trạng bực dọc khi điều kiện sống bỗng dưng không được như mong đợi, tự dưng thấy mình khổ quá phải lao đầu vào đây. Thấy sao tình yêu trường giảm đi đến 70% mất rồi chỉ vì… bỗng nhiên trường F mất điện một ngày. Ngày xưa thì háo hức đến vậy mà.

Đối với các anh chị khoá trên, đã được “tôi luyện” trong môi trường nội trú này ít nhất 1 năm nên tâm thế cũng vì thế mà bình thản hơn nhiều, có chút sóng gió ập đến thì từ từ giải quyết là êm thấm. Không cần phải nói đâu xa xôi nhưng nghe đến ba từ “học nội trú” là ta hiểu được những khó khăn và các vấn đề phải lo lắng nhiều đến thế nào.

Có những đêm tớ không ngủ được vì nhớ gia đình, tớ buồn vô cùng khi quyết định tự mình xa bố mẹ. Lúc đầu tớ tưởng mình ổn khi ban ngày thì hoạt động vui vẻ cùng bạn bè, vui đùa không biết buồn nhưng cứ khi đêm xuống là lại nằm suy nghĩ. Tớ nhớ thật sự những tối mẹ vào phòng nhắc đi ngủ đừng thức học nữa, dù tớ cũng chỉ chả vờ học thôi thực ra là đọc truyện. Những ngày đầu trôi qua thực sự khó khăn, vượt được qua nỗi sợ và những suy nghĩ tiêu cực là điều không dễ dàng, tớ là con gái, lại nhạy cảm.”

Nhớ nhà, là nỗi niềm chung khi đi học xa nhà. Ở nhà làm cậu ấm cô chiêu nắng không đến mặt mưa không đến đầu đến Hoà Lạc có những buổi chiều mưa “sấp mặt” ra không có ô, mấy đứa trùm đầu bằng túi nilon, đội cặp chạy về Dom thật nhanh nhưng về đến phòng vẫn là “con chuột lột”. Những trưa hè nắng tháng 8 oi như đổ lửa, mấy thằng con trai cùng phòng chả mũ áo gì cứ đầu trần khoác vai nhau cười khúc khích chạy đuổi quanh trên sân trường. Ngẫm lại mà thấy, đúng là ở nhà sướng quá, trên này sống cũng vất thật.

Chuyện cơm nước thì khỏi bàn rồi, làm sao mà bằng cơm mẹ nấu. Đi học về là phải nhanh chân xếp hàng mà mua cơm mua phở ăn cho kịp về Dom trước 12 giờ không kiểu gì cũng bị phạt đi bê nước hoặc nhảy cóc. Đồ ăn thì chẳng hợp khẩu vị nhưng vẫn phải cố, không ăn lấy đâu sức học với chơi. Thế mới có cảnh cuối tuần về nhà không thấy nhõng nhẽo đòi hỏi, đồ gì ở nhà cũng là sơn hào hải vị mất rồi. Học xa nhà được 1 tháng bỗng thấy cậu con mình gầy đi trông thấy, da đen sì nhưng ánh mắt thì sáng hơn, tác phong nhanh nhẹn hơn, thôi thì nhúng cho “khổ” chút cũng được.

Bực nhất sống nội trú là sinh hoạt chung, cái đứa cùng phòng dở hơi trước không tắm sau không tắm, cứ thấy mình về là tắm. Nghỉ trưa có chút thời gian thôi cứ nói chuyện đùa hoài. Điên nhất là đêm mất điện đã nóng thì chớ còn nói chuyện, thế là cả phòng lại bị dựng dạy. Chả hiểu sao ý thức “không bằng con ruồi”. Trước kia cứ nghĩ ai cũng như người nhà mình, dễ gần còn chiều chuộng. Bây giờ học tập thể mới thấm thía xã hội là luôn vàn người với tính cách khác nhau. Đành rằng kêu than mãi thì bố mẹ cũng lo thôi thì tự chấp nhận. Nó tranh tắm thì là việc của nó, việc của mình là đợi chờ và không tức giận vậy.

Nhưng nhờ phải sống xa nhà, cái gì cũng thiếu thốn nên mới học được cách tiết kiệm tiền (Chứ như hồi trước ở nhà, phụ huynh cho tiền bao nhiêu là xài hết bấy nhiêu. Bây giờ mà xài phóng tay một tí thôi thì một là mì gói, hai là… đói). Ấy mà cũng nhờ thiếu thốn, mà biết cách sống tình nghĩa với nhau, biết cách tạo ra những niềm vui riêng. Không cần đến tiệc tùng hoành tráng, một chầu nước ngọt cằn tin cũng là một cách bọn nhất quỷ nhì ma “tự thưởng” cho mình sau một ngày dài học căng thẳng.

Đối mặt với những khó khăn ấy, FSchooler chưa bao giờ thấy nản chí. Vì các biết, tất cả mới chỉ là khởi đầu. Trước mắt chúng ta không chỉ là việc học, mà còn là cuộc sống, còn bao nhiêu thứ khác phải đương đầu, phải lo toan. Những lúc như vậy, cả lũ lại ngồi an ủi nhau: “Cái gì cũng phải lo hết, nên chẳng có gì phải lo cả”.

“Cái gì cũng phải lo hết, nên chẳng có gì phải lo cả” nghĩ cũng đúng. Lo làm gì khi ngày nào cũng phải đối diện và tập làm quen với nó. Ai mà cũng phải trải qua quãng thời gian “lột vỏ” để mà cứng cáp hơn trong cuộc đời này. Chẳng qua chúng tôi chọn lột mình nhanh sớm hơn để sau này không phí thời gian bỡ ngỡ.

Vũ trụ luôn phát cho mỗi người một cái đề-vừa-sức. Tin tôi đi, bạn trắc trở hơn người khác bội phần là vì năng lực giải quyết vấn đề của bạn tốt hơn họ. Bạn nhạy cảm và dễ tổn thương hơn ai đó cũng là bởi khả năng yêu thương của bạn là vô hạn. Đừng vội nghi ngờ vào bản thân, cũng đừng vội “đổi đề” chóng vánh.  Hít thở và chỉ hít thở thôi.

Cũng giống như tôi, cảm nhận mùi cỏ lạc và gió Hoà Lạc mát lộng chiều nay.

Hiền Mai

 

 

Ngày đăng: 27/08/2019

Ngày cập nhật: 27/08/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên
Bùng nổ các màn trình diễn tại vòng sơ loại cơ sở cuộc thi Khơi nguồn Võ Việt 2024
Trường THPT FPT Hà Nội trang bị cho học sinh kiến thức an toàn trên không gian mạng 
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội gặp gỡ, giao lưu với học sinh trường THPT DaiDo Nhật Bản
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tự tin giao lưu với học sinh Đài Loan qua dự án “Lớp học xuyên biên giới”
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội phát triển kỹ năng và tư duy qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
Trường THPT FPT Hà Nội chào đón đại diện trường Shibaura Institute of Technology đến thăm và giao lưu
100 học sinh trường THPT FPT Hà Nội quyết tâm chinh phục kỳ thi thử SAT 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh