Cựu học sinh FSchool : “Chúng ta, ai cũng đang nợ thầy cô một lời xin lỗi, một lời cảm ơn mà chưa bao giờ đủ can đảm nói ra”

20/11, một dòng status chẳng thể nói lên được tình cảm của bạn dành cho thầy cô, hãy về thăm họ, hãy nhấc máy lên gọi cho họ để họ biết rằng, đứa học trò họ dạy dỗ bao năm qua luôn trân quý, luôn nhớ về họ.

Suốt những năm tháng học trò, ngay cả khi là sinh viên, đã bao giờ các cựu học sinh trường THPT FPT chúng ta đủ can đảm dành cho thầy cô một lời cảm ơn, một lời xin lỗi chưa? Những người lặng lẽ lái đò ấy chưa bao giờ đòi hỏi học sinh phải đền ơn hay bày tỏ gì tấm chân tình, họ chỉ lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ gieo cho đời tri thức. 

Thời đi học, ai cũng từng một lần ghét cay ghét đắng môn nào đó, vì mình học mãi không khá được nên ghét luôn thầy cô. Mỗi tiết học chỉ muốn trôi qua thật nhanh vì sợ nhìn vào mắt thầy cô, sợ bị hỏi bài. Khi bị phạt, bị điểm kém lại nói những lời khó nghe, lại trách thầy, trách cô; để rồi ra trường mới nhận ra thầy cô chỉ muốn tốt cho mình. Nhưng liệu có ai can đảm quay về nói câu xin lỗi vì đã hiểu lầm, vì đã làm thầy cô phiền lòng?

Trong dự án “Bóc phốt giáo viên trường F” của CLB tổ chức sự kiện F-Event, đã có rất nhiều cựu học sinh gật gù công nhận vì 7749 trò “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” mà đã không ít lần làm thầy cô phiền lòng.

Thầy cô nhiều khi nhẹ nhàng, đơn giản lắm nhưng chính chúng ta tự tạo ra áp lực, tạo ra khoảng cách với họ. 

Thầy cô trường F hầu hết đều là những giáo viên trẻ. Vì thế, họ rất dễ thấu hiểu tâm tư, tình cảm, cảm xúc của học sinh. Nếu dám mở lời tâm sự, mở lời bày tỏ sẽ thấy thầy cô nào cũng gần gũi, dễ mến. Thầy cô có thể là một người anh, người chị của học sinh, nhưng trên lớp thầy cô công tâm lắm, ai học tốt thì thầy cô khen, học yếu thì thầy cô nâng đỡ.

Ngô Trung Dũng (Cựu học sinh lớp A6 – K4) chia sẻ : “Bên cạnh cô Minh Thư chủ nhiệm lớp, thầy Linh là giáo viên mà mình thích nhất. Thầy là người đầu tiên cho mình 1 điểm 9 Văn duy nhất, trong khi bình thường mình “dốt đặc” môn này. Thầy bảo rằng bài viết của mình rất tốt, đọc thầy rất xúc động thì thầy phải cho điểm cao thôi sao mình lại ngạc nhiên thế. Cách thầy nhìn nhận mọi thứ rất nhẹ nhàng, dễ chịu, nhìn môn học như một niềm vui đơn giản khiến mình thấy hứng thú với các tiết học hơn. Tiết của thầy Linh mình cũng ít khi ngủ gật trong lớp lắm”. 

Đi học ai chẳng thích được tuyên dương, được trở thành “trò cưng” của thầy cô giáo.

Ở trường THPT FPT, bên cạnh các thầy cô giáo chủ nhiệm, thầy cô giáo bộ môn, thầy cô giáo quản nhiệm còn có cả những cán bộ nhân viên phòng Công tác học sinh (Nhóm tổ chức sự kiện PDP – tên cũ), Phòng PDP, phòng Tuyển sinh, phòng Đào tạo. Nguyễn Lê Quốc Thắng – chàng trai được mệnh danh “văn thể mỹ” của FSchool, cánh chim đầu đàn của nhóm nhảy S.O.S Crew cho biết : “Anh đã may mắn gặp được nhiều thầy cô rất tâm huyết với học trò, sống tình cảm và xem mình như những người con như thầy Thái Thông Thanh, Thầy Long, cô Khuyên… Có một kỉ niệm vui mà anh vẫn nhớ là anh luôn được chị Ninh, trước là nhóm trưởng nhóm tổ chức sự kiện, luôn yêu thương và cho anh cơ hội được cống hiến, làm việc cho F-Event. Những đứa khác đều bị chị Ninh mắng nhưng riêng anh, chị Ninh chưa bao giờ mắng cả.”

Có những người thầy, người cô thay đổi được cuộc đời của một học sinh.

Thầy cô không chỉ dạy cho học sinh con chữ, họ còn mang đến nhiều thứ lớn lao hơn thế bên cạnh tri thức. Một lời phê nhẹ nhàng, một câu nhận xét ngọt ngào có thể khiến một học sinh hư thành ngoan, kém thành tốt. Có chăng là chúng ta chưa đủ tỉnh táo để nhận ra ẩn ý sâu xa đó thôi. 

Nguyễn Minh Tuấn (A4 – K3) là học sinh chuyển ngang vào trường FPT năm lớp 11. Với anh, FSchool chính là ngôi nhà thứ 2 của mình, nơi có cô Mai – Giáo viên chủ nhiệm mà anh yêu mến nhất : “Để hoà nhập vào môi trường mới không hề dễ dàng, cô Mai đã dẫn dắt anh rất nhiều. Trước anh cũng không phải người dám thể hiện bản thân, nhưng cô là người động viên anh khi tham gia CLB F-Event. Mặc dù bây giờ đã là sinh viên đại học năm 2, nhưng anh hay rất nhiều học sinh khác cũng đang nợ cô một lời xin lỗi, một lời cảm ơn mà chưa bao giờ đủ can đảm để cảm ơn cô”.

Kỷ niệm với thầy cô bạn có gì? Mình ư, chẳng có gì để kể cả!

Suốt những năm tháng học sinh, chúng ta cứ mãi chạy theo những thứ không đâu, chẳng chú tâm học hành, cứ nghĩ thầy cô chẳng coi mình ra gì đâu, không thèm để ý đâu. Ra trường mới biết, thầy cô luôn âm thầm dõi theo từng bước chân, luôn nhớ đến mình dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất.

Đào Vương Thành (A3 – K4) chia sẻ : “Ngày trước thầy quản nhiệm hay thu đồ của bọn anh do bọn anh vứt linh tinh. Thế là mất đồ “cay cú” quá, các anh quyết định phá tủ ở KTX. Xong bị thầy phát hiện, nhưng mà không ai nhận, tính thầy lại hay quên nên rồi sự việc cũng rơi vào quên lãng. Thế nhưng, khai giảng vừa rồi về hỏi thầy, thầy vẫn nhớ chứ chứ chưa quên, vẫn nhắc ngày xưa đứa nào phá tủ của thầy”

20/11 tới đây, một dòng status Facebook chẳng nói lên được tình cảm của học sinh dành cho những người đã miệt mài dạy dỗ chúng ta bao năm qua. 

Là một du học sinh Mỹ, không có cơ hội để về thăm thầy cô nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, Phạm Duy Hoàng Long (K3) càng thêm trân trọng những khoảnh khắc được về mái trường cũ, về thăm cô thầy : “Hãy về thăm thầy cô đi, xem họ đã sống như thế nào mấy năm qua, xem họ có già hơn ngày xưa không? Nếu không có điều kiện, chí ít cũng nhấc máy hỏi thăm thầy cô một câu nhé. Họ vẫn luôn chờ chúng ta. Ở gần thầy cô nhớ bớt chút thời gian, những câu nói trên MXH cũng không khiến thầy cô vui bằng gặp mặt chúng ta đâu”. 

Kết : 

Có ai đó từng nói rằng: “Đừng dấn thân vào nghề giáo chỉ để nhận được sự công nhận, bởi nó đơn giản là nghề giúp bạn có thể thay đổi nhận thức của một ai đó và khiến họ trở nên tốt hơn những gì họ nghĩ về bản thân”. Và chính nó cũng đã nói lên phần nào tâm sự trong lòng những người cha, người mẹ thứ hai của chúng ta rồi đấy. Các thầy cô, dù trong chính ngày dành riêng cho mình, chẳng bao giờ muốn gì nhiều từ chúng ta. Không phải quà cáp cũng chẳng phải tiền bạc, thứ các thầy cô muốn được nhận nhất có lẽ chính là sự cố gắng từng ngày của bạn và hơn hết là một lời cảm ơn từ tận đáy lòng.

Có lẽ không phải chúng ta không biết ơn, không trân trọng những quan tâm, chỉ dạy của thầy cô, chỉ là chúng ta không quen với việc thể hiện nó ra. Nhưng chần chờ làm chi, tại sao không nhân ngày 20/11 – ngày của các thầy, các cô để nói ra những câu tri ân bạn vẫn luôn ôm ấp ấy?

Bài: Nguyễn Hà My

 

Ngày đăng: 18/11/2019

Ngày cập nhật: 19/11/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh