Hành trình chinh phục “Oscar ngành CNTT” của 5 chàng trai FPT School

Kiên trì, bền bỉ và quyết tâm, 5 chàng trai học lớp 11, THPT FPT (Hòa Lạc, Hà Nội) đã xuất sắc chinh phục giải Merit (Bằng khen) tại APICTA Awards – sân chơi được coi là “Oscar ngành CNTT” khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

5 chàng trai đó là Đỗ Quốc Vương (Trưởng nhóm), Nguyễn Hoàng, Nguyễn Minh Quân, Đặng Công Thành, Nguyễn Trần Hùng. Cả 5 bạn đều là học sinh lớp 11, đều có niềm đam mê bất tận với công nghệ và cùng tham gia CLB FRITS (FPT School Robotics & Information Technology Science).

5 chàng trai trên sân khấu nhận thưởng

3 tháng trước, nhận được thông báo về sân chơi APICTA, 5 chàng trai này đã hợp thành một đội để hạ quyết tâm chinh phục cuộc thi. Ý tưởng của nhóm xuất phát từ một thực tế rất dễ thấy trong đời sống: “Trong một khoảng thời gian dài, đã có rất nhiều sự cố đáng tiếc liên quan tới trộm cướp, tai nạn và sức khỏe cá nhân mà không được ngăn chặn do sự chậm trễ của các dịch vụ khẩn cấp. Vậy nên chúng mình mong muốn tạo ra một mạng lưới cấp cứu để giảm thiểu các sự cố trên, đồng thời mang lại một xã hội tốt hơn, nơi mọi người đều cảm thấy an toàn” – Nguyễn Hoàng cho biết.

Hurry-up SOS ra đời từ ý tưởng đó. Sản phẩm như một “Grab cứu hộ”, tạo thành một mạng lưới kết nối cộng đồng. Khi người dùng gặp các vấn đề bất trắc (trộm cắp, tai nạn, cháy,…), họ chỉ cần ấn nút S.O.S trên ứng dụng, lập tức các tín hiệu khẩn cấp sẽ gửi đến những người trong mạng lưới ở khu vực xung quanh. Nhờ đó, mọi người sẽ biết được và đến ứng cứu cho nạn nhân. Một người dùng vừa có thể sử dụng ứng dụng để cầu cứu, vừa có thể nhận tín hiệu để hỗ trợ những người khác.

Giao diện sản phẩm

Không chung lớp nên 5 thành viên phải cố gắng sắp xếp các khoảng thời gian giữa trưa, giờ ra chơi hay giờ tự học để có thể làm việc nhóm. Ở những thời điểm gấp gáp, các thành viên còn phải tranh thủ viết sẵn danh sách các công việc cần thực hiện ra giấy note để khi gặp nhau là có thể bàn việc luôn.

“Thời gian đến vòng chung kết chỉ có 3 tháng, rất là gấp. Sau khi suy nghĩ, cả nhóm quyết định ngồi lại với nhau, bỏ hết mọi suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu và chỉ tập trung hoàn thiện sản phẩm thôi. Chúng mình cho rằng, đến với cuộc thi, dù đạt hay không đạt giải thì nó cũng là một trải nghiệm quý giá cho chính bản thân mình” – Quốc Vương cho biết.

5 thành viên cũng chủ động liên hệ với một số giảng viên ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH FPT, ĐH Greenwich (Việt Nam) để xin nhận xét nhằm nâng cấp cho sản phẩm ngày một tốt hơn.

Trải qua nhiều nỗ lực, “đứa con tinh thần” của nhóm – Hurry-up SOS đã thành hình và được đánh giá cao tại APICTA Awards. Nói về thành công này, Nguyễn Hoàng khiêm tốn cho biết giải thưởng đã giúp nhóm đạt được mục tiêu “giành được cái gì đó” tại sân chơi công nghệ lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương này.

Nhóm thuyết trình trước BGK

Không né tránh những nhược điểm của sản phẩm, nhóm cho biết còn rất nhiều “bài toán” đặt ra cho sản phẩm cần phải giải quyết trong thời gian tới. Ví dụ như mức độ cam kết giúp đỡ của người dùng khi nhận được tín hiệu cứu trợ, khả năng cứu trợ của người dùng, độ phủ sóng của ứng dụng,…

“Chúng mình dự định sau khi hoàn thiện sẽ đưa sản phẩm ra hoạt động độc lập một thời gian, rồi kêu gọi nhà tài trợ để có những quà tặng cho ai hay tham gia cứu trợ, tiến xa hơn thì có thể đưa sản phẩm tích hợp trong Grab, Go-Viet,… chẳng hạn, vì mạng lưới xe ôm công nghệ rất lớn, họ lại có công cụ chỉ đường thì rất tiện cho việc cứu trợ” – Công Thành chia sẻ cụ thể về từng kế hoạch tương lai của nhóm.

Trở về từ APICTA, 5 chàng trai đang lên những dự định mới để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới có thể còn thách thức hơn “Oscar ngành CNTT”.

 

Ngày đăng: 29/11/2019

Ngày cập nhật: 29/11/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh