“Học nội trú FPT, con tôi được quản lý thế nào?”
Quyết định cho con đi học xa nhà từ tuổi 15 quả thật không dễ dàng đối với các bậc phụ huynh. Hiểu rõ mô hình quản lý, giáo dục và đào tạo của trường nội trú sẽ giúp cha mẹ an tâm hơn khi “buông tay” để con tự lập, trưởng thành.
THPT FPT hoạt động theo mô hình nội trú, học sinh ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6, cuối tuần các bạn về với gia đình hoặc ở tại ký túc xá (KTX) (đối với các bạn ở tỉnh thành xa). Cuộc sống nội trú như một xã hội thu nhỏ – nơi học sinh phải tập thích nghi, giải quyết các vấn đề cá nhân, cân bằng giữa học tập – ngoại khoá. Giáo viên quản nhiệm đóng vai trò quản lý, chăm lo đời sống cá nhân và hướng dẫn học sinh xây dựng cuộc sống tập thể và có kỷ luật.
Tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình sinh hoạt
Mỗi học sinh khi nhập học sẽ đồng ý ký cam kết tuân thủ quy định của nhà trường trong những hoạt tại KTX. Một ngày của các em bắt đầu từ 6h30 sáng với nhạc hiệu báo thức quân đội, và kết thúc vào 22h30 tối với giấc ngủ sâu để chuẩn bị cho những hoạt động ngày hôm sau.
Mỗi khung giờ trong ngày, các bạn học sinh tuân thủ quy trình điểm danh, giám sát nghiêm ngặt của các thầy cô quản nhiệm, bao gồm: Buổi sáng điểm danh tại lớp học trên giảng đường; buổi trưa sau khi ăn trưa nghỉ ngơi Canteen, buổi tối khi tham gia hoạt động tự học và kiểm tra sĩ số lần cuối cùng khi học sinh tập trung đủ tại KTX.
Lịch trình sinh hoạt của học sinh THPT FPT tại đây.
Bên cạnh nội quy tuân thủ hoạt động “giờ nào – việc nấy” như trên, học sinh được đội ngũ thầy cô quản nhiệm theo sát chặt chẽ trong khuôn viên. Học sinh học nội trú FPT không được ra ngoài cổng trường ngoại trừ buổi chiều thứ 6 theo xe đưa đón trở về nhà. Nội quy này giúp học sinh có cuộc sống nội trú lành mạnh, an toàn và khiến bố mẹ an tâm hơn rất nhiều khi luôn nắm bắt được lịch trình sinh hoạt của con cái.
Môi trường nội trú tự lập – học sinh rèn kỹ năng sống
Khu KTX tại THPT FPT chia thành khu vực, Dom E và Dom G. Mỗi phòng có 24 bạn học sinh, ở hệ thống giường tầng. Mỗi giáo viên quản nhiệm quản lý 2 phòng học sinh. Khi sống trong môi trường tập thể, học sinh sẽ thích nghi với môi trường, chấp nhận khác biệt của nhau và rèn luyện kỹ năng sống cơ bản.
Ngay khi nhập trường, học sinh được giáo viên quản nhiệm hướng dẫn các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống sinh hoạt như kỹ thuật gấp chăn, gối, vệ sinh phòng thế nào cho sạch, quy luật để đồ đạc đúng nơi chốn. 100% các bạn phải tự chịu trách nhiệm về vệ sinh nơi mình ở, điều này đã giúp hơn 3000 học sinh FSchool tự lập hơn ngay sau năm học nội trú đầu tiên.
Cao Thanh Tùng, học sinh lớp 10A1, kể về buổi sáng thường nhật điển hình của học sinh nội trú: “Sáng nào cũng như vậy 24 bạn một phòng lập tức thức giấc khi nghe hiệu lệnh, xếp gọn chăn-ga-gối-đệm theo tiêu chí “vuông vắn, gọn gàng, chăn dưới gối trên, phẳng phiu không nhàu nát”. Đến lượt ai trực nhật phòng thì bạn ấy sẽ tự giác dậy sớm đầu tiên, sẵn trên tay nào là chổi, là chậu, là khăn lau để dọn phòng sạch sẽ ngăn nắp. Ở nhà còn lười, phụ thuộc vào mẹ hoặc cô giúp việc nhưng lên đây thấy bạn bè làm, ai cũng xông xáo chia nhau việc, nên mình cũng phải thích nghi để làm tốt hơn.”
Không chỉ hình thành khả năng độc lập trong đời sống cá nhân, việc học nội trú giúp các teen nắm được kỹ năng quản lý tài chính hiệu quả. Sống xa bố mẹ và chỉ được gửi một khoản tiền cố định, các em phải học cách làm thế nào chi tiêu hiệu quả, làm thế nào để cuối tuần, cuối tháng… không hết tiền. Cùng với đó, chương trình học ngoại khóa tại THPT FPT cung cấp cho học sinh kiến thức về tài chính, kinh doanh… giúp nhiều bạn ý thức rõ việc làm sao tiêu tiền hiệu quả, đúng mục đích, bước đầu tự quản lý tài chính và có thể làm ra tiền bằng các hoạt động kinh doanh.
Mặt khác, sự đa văn hóa trong chính nội bộ học sinh tại đây – người từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bạc Liêu, bạn từ nước ngoài về Việt Nam theo bố mẹ… giúp các em học được cách tôn trọng sự khác biệt của từng cá nhân, dung hòa cái tôi với tập thể, nhanh chóng thích nghi, học hỏi và phát triển.
“Thầy cô quản nhiệm không chỉ là người đôn đốc học trò xây dựng nề nếp sống ngăn nắp, gọn gàng mà còn là người giúp các học sinh giải quyết các vấn đề cá nhân. Thầy cô giúp mỗi học sinh biết cách sống hoà đồng với các bạn, chia sẻ không gian sống tập thể, xử lý tình huống khúc mắc trong cuộc sống hàng ngày sao cho tế nhị mà không ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết.” Phạm Băng Châu, học sinh 11A10 chia sẻ
Mối liên kết chặt chẽ giữa phụ huynh – nhà trường
Nhà trường tạo lập mạng lưới kênh thông tin liên hệ chặt chẽ bằng ứng dụng CNTT, giúp phụ huynh khi ở xa cũng dễ dàng nắm bắt tình hình học tập, điểm số, nhận xét của giáo viên, sinh hoạt của con cái khi học nội trú.
Tổng hợp các kênh thông tin liên lạc chính thức giữa phụ huynh – THPT FPT tại đây
Ngoài các kênh chính thức trên, mỗi lớp học, phòng KTX đều có group Facebook hoặc Zalo. Giáo viên phụ trách sẽ lập group này và trao đổi với phụ huynh.
Môi trường học nội trú xa nhà như một “xã hội thu nhỏ” nơi các em phải thay đổi bản thân để thích nghi, trang bị cho mình kỹ năng sống thiết yếu cho cuộc sống sau này. Những giá trị các con nhận được ở tuổi 15 khi bố mẹ dũng cảm “buông tay” là bước đệm vững chắc cho tương lai học sinh. Dù biết sẽ có khó khăn, sai lầm, vấp ngã nhưng được trao quyền tự quyết định, khai thác tiềm năng bản thân khi xa vòng tay bố mẹ là trải nghiệm tuyệt vời mà không phải cô cậu tuổi 15 nào cũng có được.
Bài viết liên quan:
Học nội trú có tốt không? TOP 5 lợi ích của học nội trú
Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh mới nhất Trường THPT FPT
Chuyên mục: Tin FSchool
Ngày đăng: 31/07/2020
Ngày cập nhật: 20/10/2021
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025