Học để lựa chọn một giá trị sống tích cực

Ngày đăng: 31/03/2021

Ngày cập nhật: 31/03/2021

Ngày đăng: 31/03/2021

Ngày cập nhật: 31/03/2021

Tác giả: Editor

“Những gì mình đã khởi đầu thì nên có trách nhiệm và tiếp tục. Dù sao lựa chọn cũng ở bản thân mình. Bạn có thể chọn đi tiếp hoặc dừng, nhưng hãy cố gắng tiến về phía trước…”. Đó là những chia sẻ của Đỗ Minh Quân, học sinh Lớp 11A5, Trường THPT FPT trả lời khi được hỏi về việc có nên tiếp tục làm lớp trưởng khi công việc gặp nhiều áp lực.

Đọc thông điệp này, ít ai nghĩ đó là suy nghĩ của một học sinh lớp 11. Mới cách đây hơn một năm, Đỗ Minh Quân còn chẳng mấy quan tâm đến người khác, thậm chí muốn xa gia đình để “đổi không khí”. Vậy mà sau những tháng ngày sống và học tập ở ngôi trường nội trú THPT FPT (Fschool), Quân đã đổi thay và trưởng thành rất nhiều. Làm việc cho Chuyên mục “Bức thư chiều thứ sáu”, Quân và các bạn có nhiều cơ hội áp dụng những kỹ năng học từ Chương trình phát triển cá nhân PDP (Personal development program) mà trường đang thực hiện. Qua những bài học về tự nhận thức bản thân, quản lý cảm xúc và bày tỏ được cảm xúc, kiến tạo hạnh phúc… học sinh không chỉ có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng của mình mà còn có khả năng thích nghi, học tập và làm việc theo các quy tắc văn hóa ứng xử. “Giờ đây, em hiểu giá trị của gia đình hơn nên mỗi cuối tuần về nhà, em đều tận dụng thời gian bên gia đình, bày tỏ sự quan tâm tới bố mẹ”, Minh Quân chia sẻ.

Học sinh Trường THPT FPT tự lập để trưởng thành.

Hiện nay, giáo dục kỹ năng sống là một nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông và là một trong các giải pháp nhằm xây dựng, hoàn thiện nhân cách học sinh. Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống trong các nhà trường còn một số hạn chế. Đa phần hoạt động này là lồng ghép, tích hợp các môn học nên việc thực hiện chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Bởi vậy, sự quan tâm, chú trọng phát triển kỹ năng cá nhân tại Trường THPT FPT ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều người.

Mỗi tháng học sinh FPT School đều có 1 sự kiện nổi bật: Going Merry (tháng 8), Cóc trông trăng (tháng 9), The Inner Her (tháng 10), Lễ tri ân thầy cô (tháng 11)…

Chia sẻ về Chương trình phát triển cá nhân PDP, cô Nguyễn Thị Tân, Hiệu trưởng Trường THPT FPT cho biết: “Xuất phát từ mục tiêu giáo dục của nhà trường là phát triển học sinh toàn diện, đồng thời từ thực tế cuộc sống, các bạn trẻ phải đối mặt với quá nhiều thử thách từ cả đời sống thực và ảo; sự phát triển và yêu cầu của thời đại, đòi hỏi học sinh phải được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để đương đầu, thích ứng và thành công. Những kỹ năng này giúp các em trở thành một người tử tế, sống có ích”.

Học sinh Trường THPT FPT sống trong môi trường học tập trang bị nhiều kỹ năng mềm. 

Với phương châm tạo lập môi trường xã hội với đa dạng các hình thức hoạt động để cuốn hút học sinh tham gia, đến nay đã có 5 khóa học sinh ra trường. Dù học ở Việt Nam hay trên thế giới, các em đều được đánh giá cao và thể hiện được vai trò của mình. Nhiều em trở thành những sinh viên tiêu biểu, dẫn dắt các hoạt động học tập, văn hóa, xã hội ở các trường đại học, như em Nguyễn Quang Linh, “Gương mặt thương hiệu” của trường quản trị khách sạn Blue Moutaints, Australia hay em Nguyễn Hoàng Nam, “Gương mặt thương hiệu” của Đại học Anh quốc Việt Nam.

Nếu ở nhiều trường, để phát triển kỹ năng mềm, học sinh sẽ tham gia câu lạc bộ hay một môn học theo nhu cầu học sinh thì tại Fschool, thông qua 9 môn kỹ năng, với thời lượng chiếm 20-25% tổng thể chương trình, học sinh có thời gian “ngấm” hơn. Ở môi trường đa dạng ấy, với những em mất động lực học tập, gặp vấn đề về tâm lý, giáo viên phải dành đến 80% sức lực tác động vào tình cảm của học sinh, từ đó làm thay đổi hành vi của các em.

Thỏa sức thể hiện “chất riêng” tại lớp học nghệ thuật

Là người trực tiếp đứng lớp, cô giáo Lương Thị Trà My cho hay: Để học sinh học tốt các môn phát triển cá nhân, trước tiên phải để các em hiểu về bản thân và hiểu về người khác để lựa chọn cho mình một giá trị sống. Fschool như một xã hội thu nhỏ, những gì các em học được áp dụng vào chính cuộc sống của các em ở môi trường nội trú.

Với nhiều học sinh khi vào học Fschool, các em phải học cách tự lập như một người trưởng thành. Chuyển đến một môi trường học hoàn toàn xa lạ với cách dạy và học ở Hà Giang, em Nguyễn Thùy Chi, học sinh Lớp 11A15 cảm nhận “hóa ra bản thân có khá nhiều ưu điểm, cũng không quá nhạt nhẽo như mình nghĩ”. Đó là chia sẻ rất thật của Chi sau khi chương trình PDP trang bị cho em các kỹ năng về tự nhận thức bản thân, sức khỏe và giá trị sống, tư duy phản biện…

Đá bóng giao hữu với các bạn học sinh Đài Loan

Nói về điểm nhấn của chương trình, cô Phùng Thị Hiên, Trưởng phòng Phát triển cá nhân PDP cho biết: “Các em không chỉ học để tự tin vào bản thân mà còn học theo hướng nhìn người khác bằng con mắt yêu thương, học cách nhìn những điểm tích cực của người xung quanh để có thể sống chan hòa, yêu thương và trân trọng nhau nhiều hơn”.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu dạy kỹ năng sống trong các nhà trường. Tuy nhiên, thời gian qua, học sinh chủ yếu chỉ được dạy kỹ năng học tập, việc giáo dục kỹ năng sống với ý nghĩa là học làm người và nhất là kỹ năng thích ứng, hòa nhập với cuộc sống, ứng phó tích cực với các tình huống trong cuộc sống không phải trường nào cũng thực hiện hiệu quả.

Có thể thấy, kỹ năng sống là nội dung gắn liền với 4 trụ cột của giáo dục, gồm: Học để biết, học để làm người, học để sống với người khác và học để làm. Vì vậy, việc thiết lập những môi trường để học sinh tự lập, trưởng thành là rất cần thiết, có tác động rất lớn đến việc phát triển toàn diện của học sinh và con người Việt Nam.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ (Báo Quân đội nhân dân)

 

Tin cùng chuyên mục