Hội thảo “Tuổi 15 con cần gì?” thu hút gần 500 phụ huynh tham gia

Tuổi 15 – Độ tuổi mà hầu hết bạn trẻ nào cũng khiến cha mẹ cảm thấy “đau đầu” và lo lắng trong việc giao tiếp, định hướng cho con. Bởi đây là giai đoạn các bạn bước vào những thay đổi cả về tâm sinh lý lẫn nhận thức, có nhu cầu khẳng định bản thân và xu hướng muốn được độc lập. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái khi không tìm được tiếng nói chung trong nhiều lĩnh vực, nhất là vấn đề học tập. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, thời gian đến trường bị gián đoạn càng gây ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và kết quả học tập của con. 

tuoi-15-con-can-gi

Hội thảo “Tuổi 15 con cần gì” do Trường Phổ thông FPT tổ chức vào tối 24/2 vừa qua đã trở thành cơ hội giúp các Phụ huynh mở lòng chia sẻ về những khó khăn trong hành trình nuôi dạy, từ đó định hướng môi trường học tập phù hợp cho con cái.

Đồng hành cùng Phụ huynh tại chương trình có: Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành – Với hơn 20 năm kinh nghiệm tham vấn, trị liệu tâm lý cá nhân, nhóm, và là chuyên gia về phát triển cá nhân; Đồng sáng lập “Đường dây nóng Ngày mai” – Một sáng kiến phi lợi nhuận cung cấp sự hỗ trợ cho những người trẻ có vấn đề về sức khỏe tinh thần cùng với TS. Đặng Hoàng Giang; Mentor 4 mùa liên tiếp của chương trình Phát triển năng lực lãnh đạo nữ tại Việt Nam của Trung tâm giới, phụ nữ và phát triển, Đại học Flinder, Úc – Chương trình phối hợp giữa Đại sứ quán Úc và Đại học Flinder. Cô Phùng Thị Hiên – Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng phòng Phát triển cá nhân Trường THPT FPT Hà Nội và thầy Lê Xuân Phương – Trưởng Ban Tuyển sinh Trường THPT FPT Hà Nội.

Mở đầu chương trình, Chuyên gia tâm lý Hà Thành đã mang đến một bức tranh toàn cảnh về những thay đổi của độ tuổi 15, từ đó đưa ra những vấn đề trọng tâm mà cha mẹ cần lưu ý khi nuôi dạy con cái. Theo chuyên gia: “Mâu thuẫn, khó giao tiếp…với con cái là vấn đề mà hầu hết các bậc cha mẹ trên thế giới này đã và đang đối mặt khi có con ở độ tuổi 15. Vậy vấn đề của chúng ta là gì? Hoá giải mâu thuẫn, đi tìm tiếng nói chung. Cách duy nhất để con lắng nghe mình, mình định hướng được cho con chính là làm bạn của con, đối thoại được với con”.

hoi-thao-tuoi-15

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành chia sẻ tại hội thảo.

Với tâm sinh lý thay đổi ở tuổi 15 có rất nhiều bạn trẻ trở nên độc lập hơn và đôi khi có phần ương ngạnh không muốn theo sự sắp xếp của cha mẹ. Xu hướng đi tìm cái tôi và khẳng định giá trị của bản thân là điều mà hầu hết tuổi 15 đều đang trải qua. Nhiều cha mẹ không nắm bắt được tâm lý của con cái đã dùng những biện pháp khá nặng nề như quát mắng, xử phạt, đòn roi để mong “thuần hoá” được con. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh ngược lại, các bạn trẻ sẽ càng phản kháng quyết liệt khi bị cha mẹ ngăn cấm hay không được tôn trọng. Điều này dẫn đến nhiều hệ luỵ xấu cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. “Nếu dùng câu lệnh bắt buộc con, cha mẹ sẽ khiến cho con cảm giác mình vô tác dụng, bị rơi vào cảnh tự ti. Nếu dùng đòn roi, cha mẹ chỉ càng khắc sâu thêm sự ngăn cách giữa bố mẹ và con cái. Phụ huynh chúng ta thường không đủ bao dung để chấp nhận và thấu hiểu lỗi sai của con. Thậm chí, nhiều người có thói quen hay cộng dồn các lỗi của con mắc phải khiến cho bản thân bực tức rồi xả lên con. Với cách nuôi dạy này chắc chắn cha mẹ và con cái sẽ không thể đối thoại được với nhau”, chuyên gia Hà Thành chia sẻ.

Chuyên gia cũng cho biết thêm, để đối thoại được với con cha mẹ cần làm bạn với con – Trở thành một người bạn lớn, một người bạn có đủ tình yêu thương, đủ lòng bao dung và đủ trải nghiệm để lắng nghe và định hướng cho con. Đây cũng chính là tấm vé hữu hiệu nhất để cha mẹ có thể bước vào thế giới của con, đồng hành cùng con trong các chặng đường sau này. 

Clip: Tuổi 15, con thực sự mong muốn điều gì?

Nhằm giúp phụ huynh có thể đến gần hơn với con, cô Phùng Thị Hiên với vai trò vừa là một giáo viên vừa là một người mẹ có con tuổi 15 đã mang đến những câu chuyện chân thực và đưa ra định hướng xác đáng tại hội thảo. Theo cô, có rất nhiều gia đình cha mẹ không thể hoặc khó giao tiếp với con cái với nhiều lí do khác nhau. Có nhà do cha mẹ bị cuốn vào công việc không có thời gian cho con, có nhà bố gia trưởng không nói chuyện được với con hay có nhà thì mẹ ưa áp đặt không lắng nghe con…Với tình huống ấy, trường học trở nên quan trọng khi cung cấp tri thức, giáo dục nhân cách và xây dựng tương lai cho các con. Thế nhưng, cha mẹ cũng cần đồng hành cùng với Nhà trường trong hành trình trưởng thành của con. “Đặc biệt, cha mẹ đủ tĩnh tâm để lắng nghe con trọn vẹn, đủ tin tưởng để con lắng nghe chỉ dẫn, định hướng của mình”, cô chia sẻ.

hoi-thao-tuoi-15

Cô Phùng Thị Hiên – Phó Hiệu trưởng THPT FPT đã mang đến câu chuyện thực tế giúp phụ huynh có cái nhìn rõ hơn trong cách nuôi dạy con cái.

Trước những áp lực có con chuyển cấp, con đang độ tuổi 15 có những xáo trộn rất nhiều về tâm sinh lý phụ huynh đã mở lòng bày tỏ mong muốn được tư vấn về cách giáo dục cũng như tìm được trường phù hợp với con. Với hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, thầy Lê Xuân Phương – Trưởng ban Tuyển sinh Trường THPT FPT đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh về phương thức tuyển sinh, chương trình đào tạo, môi trường nội trú/bán trú…của trường. Đây cũng là nội dung khép lại chương trình với bao tâm tư được giãi bày cũng như những tư vấn hữu ích được đưa ra.

“Tuổi 15 con cần gì?”, có lẽ vẫn là câu chuyện được bàn luận trong thời gian tới với những vấn đề mang tính cập nhật dành cho phụ huynh. Mong rằng, tuổi 15 của các bạn trẻ sẽ có nhiều trải nghiệm đáng quý khi có cha mẹ và nhà trường đồng hành trong suốt chặng đường sau này.

 

Ngày đăng: 25/02/2022

Ngày cập nhật: 25/02/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh