“Mình theo đuổi đam mê Robotics để hiện thực hóa giấc mơ hàng không vũ trụ!”

Đó là lời bộc bạch của “thanh niên nghiêm túc” Nguyễn Giang Nam (lớp 11A2, THPT FPT). Cậu bạn đúng là nghiêm túc thật, nghiêm túc trong công việc, trong học tập, trong hành trình theo đuổi đam mê.

Robot không chỉ là cái duyên, đó là sự cố gắng

Hiện tại Nam là Phó chủ tịch CLB Robotics FRIT (FPT School Robotics & Information Technology), phụ trách thiết kế và cơ khí. Chàng trai ít nói, phong cách giản dị, nụ cười hiền ấy vậy mà khi đề cập đến chủ đề robot lại trở nên hoạt bát, say mê đến lạ.

Ngay từ ngày bé, Giang Nam đã bộc lộ sở thích về lắp ráp, kỹ thuật. Cậu mày mò những chiếc hộp giấy, xe ô tô điều khiển của trẻ em, thích thú với những môn học tự nhiên. Sở thích lớn dần thành đam mê, Nam tự học, tự tìm hiểu về robot, về cơ khí trên mạng Facebook, Youtube, tự kết nối với những người bạn phương xa nhưng có cùng chung mối quan tâm đến lĩnh vực đầy mới mẻ này.

Đến năm lớp 8, Nam mới tham dự cuộc thi robot đầu tiên, thể hiện những kiến thức, kỹ năng của mình. Tại cuộc thi này, dựa vào những chi tiết, linh kiện cho sẵn các thí sinh sẽ lắp ghép robot thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu. Tuy nhiên Giang Nam chia sẻ cuộc thi vẫn mang tính rập khuôn, chưa cho phép bạn phát triển theo xu hướng kỹ thuật tự do, bạn cũng chưa thực sự hài lòng với sản phẩm dự thi ngày ấy. Mặc dù thế nhưng nó cũng để lại cho Nam dấu ấn đầu tiên cho chặng đường chế tạo lắp ráp robot và cũng là động lực để bạn bước đi trên con đường đầy thử thách.

thpt-fpt-robotic-giang-nam-4

thpt-fpt-robotic-giang-nam-6

Từ một người trầm tính, ngại chia sẻ về bản thân, sau khi vào CLB robotics Nam (áo cam) thay đổi hẳn, bạn chủ động chia sẻ giới thiệu về CLB, công việc của CLB với khách quốc tế hay bạn bè, đàn em muốn tìm hiểu.

Cô Phùng Thị Hiên, trưởng nhóm Kỹ năng mềm, phòng Phát triển cá nhân nhớ lại những ngày đầu tiên gặp Giang Nam: “Đó là năm 2016 khi cô tìm kiếm những thành viên cho nhóm tiền thân của CLB Robotics, Giang Nam không phải là người đăng ký sớm nhất. Khi Nam biết thông tin, bạn đã chủ động gặp cô để đăng ký và trao đổi. Bây giờ nhìn lại cô thấy quyết định đồng ý để Giang Nam vào nhóm là hoàn toàn chính xác. Nam rất chịu khó học hỏi, chăm chỉ tìm tòi để có sản phẩm chất lượng.”

thpt-fpt-robotic-giang-nam-1

Khi làm việc Nam hết sức tập trung và cần mẫn.

Với những kinh nghiệm và hiểu biết của mình, đến khi FSchool thành lập CLB Robotics, Nam được tin tưởng chịu trách nhiệm mảng cơ khí. Như “cá gặp nước”, có thêm những người bạn bè chung sở thích, những thầy cô định hướng, nhà trường ủng hộ… cậu bạn càng có điều kiện phát huy thế mạnh của mình. Rất nhanh sau đó, Nam cùng bạn bè bắt tay vào chế tạo robot đại diện Việt Nam tham chiến tại cuộc thi FIRST Global Challenge tổ chức tại Mỹ tháng 7/2017.

thpt-fpt-robotics4

Giang Nam và bạn bè khi thi đấu tại cuộc thi FIRST Global Challenge tại Mỹ tháng 7/2017.

Suốt quá trình chuẩn bị robot để tham gia cuộc thi ở Mỹ, Nam là thành viên mà cô Hiên hoàn toàn không phải lo lắng gì về tác phong làm việc. Bạn luôn đúng giờ, chủ động hoàn thành công việc không cần nhắc nhở.

Trước ngày bay sang Mỹ, Nam cùng đồng đội liên tục chạy thử và sửa lỗi cho robot. Sang đến sân khách, các bạn có vài ngày làm quen sân và có sẵn các linh kiện để thay thế ngay. Chính vì thế robot vận hành khá “mượt”, khi đi thi đấu, nhiều bạn bè quốc tế đến tìm hiểu và học hỏi thêm từ đội Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, con robot vừa tham gia cuộc thi FIRST là sản phẩm mà Nam tạm hài lòng nhất. Tuy không giành được chiến thắng nhưng “cuộc thi đã giúp mình học được rất nhiều điều, nó giúp mình hiểu biết hơn về robot, cách để giải quyết các khó khăn khi gặp sự cố.”

Làm robot – Dễ mà cũng khó đấy!

“Người ta cứ nghĩ rằng làm robot là cái gì đó quá đỗi ghê gớm, phải lập trình, thuật toán phức tạp, robot phải giống con người như Asimo. Thế nhưng làm robot có thể chỉ là tạo ra những sản phẩm đơn giản như vỗ tay đèn bật, lau nhà… ”. Giang Nam chia sẻ.

Quá trình thiết kế robot có thể phác thảo trên giấy hoặc làm bằng autocad và chứng minh nó có thể hoạt động được. Đến công đoạn cơ khí sẽ gia công, lắp ráp các chi tiết theo đúng thiết kế.

Từ thiết kế đến thực tế sẽ có nhiều điểm phát sinh như trọng lượng của linh kiện nặng hơn dự tính làm ảnh hưởng đến chuyển động, do đó người làm cơ khí phải tính toán chọn vật liệu cho phù hợp.

Nam cũng bổ sung thêm: “Trong một CLB robotics như chúng mình, nếu bạn không biết lập trình thì có thể đảm đương nhiệm vụ truyền thông, hỗ trợ những bạn khác, vị trí nào cũng có ý nghĩa, giúp bạn có thêm nhiều kinh nghiệm cho cuộc sống sau nay.”

Đó là nhưng hình dung cơ bản về việc làm robot. Để chuyên sâu và thiết kế robot thực sự nghiêm túc, để robot hoạt động hiệu quả thì không hề dễ dàng.

Robot tốt chưa phải là yếu tố quyết định hoàn toàn chiến thắng trong một cuộc thi, còn đồng đội, chiến thuật, tâm lý người điều khiển…, đó đều là những điều Nam còn yếu và cần rèn luyện.

thpt-fpt-hoc-sinh-tham-israel-4

Chuyến giao lưu tại Israel giúp Nam hiểu thêm về quy trình sản xuất robot cũng như tiếp cận với một đất nước phát triển khoa học công nghệ.

Sau chuyến giao lưu tại Israel tháng 8/2017 Nam lại có thêm những kiến thức, trải nghiệm mới. “Thiết kế robot khó khăn hơn những gì mình từng nghĩ. Nó không đơn thuần nhặt các mảnh lắp vào nhau như lego, nó là cả một quá trình bàn chiến thuật, chọn lọc các chi tiết mình muốn hay không muốn và tối ưu hóa, mình cần làm việc theo đúng quy trình, theo module chứ không phải làm đến đâu lập trình đến đó.”

Quay trở lại bản thân, Giang Nam chia sẻ sở thích lớn nhất của mình là về hàng không vũ trụ, bạn muốn nghiên cứu robotics đi theo khuynh hướng Metallic Engineering để tiến gần hơn tới giấc mơ hàng không vũ trụ. Đối với một số bạn đây là điều không tưởng, là con đường khá ít người dấn thân, nhưng “mình không muốn sự khác biệt đẩy lùi bản thân mình, với nỗ lực, với đam mê, mình sẽ cố gắng để đạt được ước mơ.”

nam

Hiện tại Giang Nam đang tích cực cải thiện khả năng giao tiếp, tăng cường học SAT, IELTS với mục tiêu giành học bổng trên 50% tại Mỹ hoặc Canada – hai quốc gia có lĩnh vực robotics được quan tâm và phát triển. Cậu bạn cũng dự định sẽ đăng ký một cuộc thi robot trong thời gian tới. Không chỉ vậy, Nam cũng bỏ nhiều thời gian làm “mentor” cho các thành viên mới của CLB FRIT, truyền cảm hứng và kiến thức robot với các FSchooler nói riêng các bạn trẻ nói chung.

thpt-fpt-robotic-giang-nam-8

thpt-fpt-robotic-giang-nam-7

Trong ngày hội CLB, Giang Nam phụ trách gian hàng của CLB mình giới thiệu với các em K5 về FRIT, về công việc các bạn đang làm, truyền cảm hứng, đam mê cho các “tân binh”.

Có được những thuận lợi bước đầu như trên phải kể đến sự ủng hộ của bố mẹ Giang Nam. Bạn luôn được bố mẹ động viên, khích lệ, cố gắng tạo điều kiện vật chất và tinh thần chứ không gò ép theo một khuôn mẫu, khoanh bạn trong một vùng an toàn nào cả. “Bố mẹ chỉ nói cứ làm những gì con thích!”

Bên cạnh đó, thầy cô, bạn bè, và đặc biệt môi trường THPT FPT tôn trọng sự khác biệt, định hướng phát triển công nghệ đã tạo cơ hội cho Nam đến với những sân chơi quốc tế. Nếu không có Giang Nam câu chuyện robot ở FSchool có lẽ đã khác đi một chút, và không ở FSchool chặng đường theo đuổi đam mê robotics của Nam không biết đang ở ngả đường nào.

Kết

“Hàng không vũ trụ” có phải là giấc mơ xa vời hay không, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ nhưng đã là người FPT, đúng chất FPT thì “Cứ mơ đi” và “Hãy mơ lớn”. Chặng đường của Giang Nam mới chỉ bắt đầu, FSchool sẽ đồng hành và dõi theo những bước đi của Nam để rồi biết đâu đấy, một ngày kia những thiết bị ngoài không gian có phần đóng góp của một chuyên gia từng gắn bó với đất Hòa Lạc thì sao?

 

Ngày đăng: 28/09/2017

Ngày cập nhật: 29/09/2017

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh