Những người bạn đặc biệt nhất chỉ có tại FPT School

“ Phòng này ai vừa nói chuyện? Tự giác bước ra ngoài hoặc cả phòng sẽ cùng bị phạt!” Đây là câu nói quen thuộc của cô quản nhiệm mỗi khi chúng tôi mắc lỗi. Nhưng đó chỉ là một phần hình ảnh về các thầy cô trong con mắt của lũ học sinh nghịch ngợm chúng tôi thôi. Không ngờ bên cạnh đó còn những câu chuyện thầm kín mà chúng tôi chưa bao giờ được nghe và cũng chưa bao giờ có thể thấy hiểu từ những “người bạn” đặc biệt này!

Những hình phạt “lạ lùng”

Nếu ở những ngôi trường khác thầy cô là những người dạy cho mình kiến thức, kỹ năng thì ở FPT School còn có cả những người “cha”, người “mẹ” thứ hai, chăm lo cho “đàn con” của mình từ việc nhỏ nhất trong công việc sinh hoạt hằng ngày. Họ chính là những thầy cô quản nhiệm mà chỉ cần nghe đến tên thôi thì bất cứ học sinh FPT School nào cũng phải “sợ”.

Mỗi đứa học sinh đều có cảm nhận về mỗi thầy/cô quản nhiệm khác nhau. Nhưng chắc hẳn, những ngày đầu tiên mới “gia nhập văn hóa FPT School” đã có thể yêu mến những người thầy này ngay được. Những câu chuyện dưới đây sẽ là một trong những minh chứng cho những ngày đầu tiên và kỷ niệm cho đến mãi sau này.

Ngô Gia Linh, cô bạn đến từ phòng G405 cho hay: “Tớ bị phạt nhiều lắm! Phạt vì ăn trong phòng cũng có mà vì nói chuyện cũng có. Nhưng mỗi một lần bị phạt lại là một lần có thêm những kỷ niệm với phòng và với cả cô Hải quản nhiệm nữa.”

ảnh

Bạn Hà Anh Tú phòng E301 cũng chia sẻ: “Uí! Tôi bị phạt nhiều lắm! Mà những hình phạt thầy quản nhiệm đưa ra thì vô cùng oái oăm. Nếu nói chuyện thì sẽ bị phạt đứng mà nặng hơn thì sẽ bị ăn một gậy đấy”

ảnh

Sự thật đằng sau những hà khắc

Năm nào cũng vậy, lứa học sinh khóa mới sẽ có một khoảng thời gian bị “ám ảnh” bởi cái tên “thầy cô quản nhiệm”. Vì sao ư? Thầy cô ấy luôn bắt chúng mình dậy sớm, bắt chúng mình gập chăn màn ngay ngắn, bắt chúng mình dọn dẹp vệ sinh, thậm chí phải làm những việc mình chưa từng phải động tay vào, đó là dọn nhà vệ sinh! Ám ảnh ấy khiến cho học sinh khóa mới chỉ muốn nhanh nhanh đến cuối tuần để được về với vòng tay bao bọc của bố mẹ.

Nhưng đâu ai biết rằng, đằng sau những câu chuyện mới đầu đó là cả một tấm lòng nhân ái. Nếu bạn còn sợ thầy cô quản nhiệm, thì hãy thử đọc những dòng chia sẻ sau của bạn Ngô Quang Tùng để cùng suy ngẫm nhé! “Tâm sự với thầy Nguyễn Đắc Huy giúp em có thêm những suy nghĩ tích cực về vấn đề mà em đang gặp khó khăn trong việc giải quyết. Thầy như một người anh của em vậy! Luôn sẵn lòng chia sẻ, chỉ bảo và dạy dỗ. Tuy đôi lúc thầy có nghiêm khắc nhưng em cảm nhận được sự yêu thương, lo lắng mỗi khi học sinh có bệnh hay bị một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Em rất biết ơn và yêu quý thầy.”

ảnh

Bạn Nguyễn Nam Khánh phòng E502 chia sẻ: “Nếu nói về kỷ niệm thì nhiều lắm! Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất chắc là hôm mà mình bị rết cắn. Thầy đã chở mình đi bệnh viện, ân cần hỏi thăm và chăm sóc. Lúc đấy mình cảm thấy thầy như một “người hùng” vậy!”

ảnh

Các bạn thấy đó, có bao giờ các bạn nghĩ những người đáng sợ ấy đã phải đánh đổi những gì cho những lứa học sinh chúng mình chưa? Những người quản nhiệm mà chúng ta nghĩ rằng họ thật “đáng ghét” ấy đã phải hy sinh tuổi thanh xuân, gia đình và cả thời gian dành cho bản thân để chăm lo cho chúng ta hằng ngày. Những lần gọi chúng ta dậy sớm vì sợ bị muộn học, hay những lời hỏi han từng bạn xem hôm nay có gì vui trên lớp không, đó đều là tình cảm ân cần họ mong muốn mang đến thay thế bố mẹ bạn.

Thầy quản nhiệm đôi khi cũng “trẻ hóa” như người anh của các bạn học sinh

Nghiêm khắc là bổn phận và trách nhiệm, nhưng đằng sau những lần phạt đó, vẫn là những cái động viên, an ủi. Các bạn đâu biết rằng, đằng sau những khó khăn ấy, điều duy nhất có thể giữ chân các thầy cô ở lại là tình cảm mà những người học sinh dành cho mình. Việc nắm bắt tâm lý của một đứa trẻ mới lớn cứng đầu đã khó, vậy mà quân số thầy cô phải quản lên đến hàng chục người. Chắc hẳn đã có nhiều lần thầy cô phải phiền lòng. Vậy bạn có thấy bóng dáng những lần mắc lỗi của mình ở đây không?

Thầy cô quản nhiệm không hề nghiêm khắc, mà vô cùng thương và yêu những người học sinh, người “em”, người “con” thứ 2 của mình. Hãy lắng lại và chia sẻ, thấu hiểu nhiều hơn, những “người thầy không cầm phấn” ấy sẽ ầm thầm chắp bước cho tương lai ta mà chính ta không nhìn nhận được.

 

 

Ngày đăng: 05/11/2018

Ngày cập nhật: 05/11/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh