Nữ giáo viên THPT FPT và bí quyết vượt qua sự khắc nghiệt của nghề
Theo Chungta – Luôn chủ động, nỗ lực thực hiện ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn của thủ khoa Hà Thị Thanh Thủy – giáo viên THPT FPT – là minh chứng cho việc học sư phạm không quá khó để xin việc.
Hè 2018, tốt nghiệp loại xuất sắc và là thủ khoa ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội, cầm tấm bằng đỏ trên tay, Thủy thử sức làm hồ sơ thi vào trường THPT FPT. Bữa nọ, đang ở quê Nghệ An với mẹ, tầm 3h chiều, Thủy nhận được điện thoại mời sáng hôm sau thi dạy thử tại trường FPT. Hai mẹ con vội vàng mua sách về tìm bài dạy. Tối đó, cô gái 22 tuổi bắt xe tức tốc ra Hà Nội. “Sáng hôm sau, trời Hà Nội mưa tầm tã, ngập nhiều nơi. Đi được đến trường, người ướt như chuột lột nhưng vì muộn giờ nên phải vào dạy luôn”, Thủy nhớ lại.
Hôm thi đó, phần lớn ứng viên đã có kinh nghiệm nhiều năm đi dạy, riêng Thủy là sinh viên mới ra trường, nhưng kết quả chỉ có mỗi Thủy được lựa chọn. Cô gái xứ Nghệ vượt qua một loạt ứng viên nặng ký nhờ phương pháp giảng dạy hiện đại.
Có được công việc đúng mơ ước là một hành trình phấn đấu không biết mệt mỏi của Thanh Thủy. Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, Hà Thị Thanh Thủy có tuổi thơ khá vất vả so với bạn bè đồng trang lứa. Thủy sinh ra ở Nam Đàn (Nghệ An), là con cả trong gia đình có 2 chị em. Mẹ đi làm xa nhà, cuối tuần mới được về thăm gia đình. Vì thế, từ nhỏ Thủy đã được bố dạy làm tất cả việc vặt trong gia đình thay mẹ, từ nấu ăn, giặt giũ đến làm việc đồng áng.
“Dấu ấn tuổi thơ của tôi là từ khi bước vào lớp 1 đã đi chăn trâu, cắt cỏ, làm đồng và lên rừng đốn củi. Nhớ nhất là vào mùa gặt, dưới trời nắng chói chang, phải gặt lúa cả buổi, mồ hôi ướt đầm đìa. Giờ nghĩ lại vẫn thấy mình còn may mắn hơn nhiều bạn”, nữ giáo viên THPT FPT nhớ lại kỷ niệm tuổi thơ.
Mang trong mình “dòng máu” của nghề giáo khi mẹ là một giáo viên, chứng kiến hình ảnh mẹ ngày ngày đứng lớp khiến cô yêu thích và quyết tâm theo nghề. Nhưng để thực hiện được ước mơ đó là một hành trình phấn đấu không biết mệt mỏi của bản thân cô.
Suốt 4 năm đại học, Thủy liên tục nhận được các suất học bổng từ trường học, từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các tập đoàn kinh tế nhờ thành tích học tập xuất sắc, cùng vốn tiếng Anh tốt. “Từ năm thứ nhất đại học, bố mẹ đã không phải chu cấp cho tôi ăn học. Hầu hết chi phí sinh hoạt đều nhờ các nguồn học bổng và công việc làm thêm gia sư”, Thủy chia sẻ. Với Thủy, học bổng là một trong những động lực lớn giúp bản thân phấn đấu nỗ lực không ngừng nghỉ để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ học tập, đỡ gánh nặng cha mẹ.
Với lực học tốt nên người thân, họ hàng mong muốn Thủy có thể học các trường khác để trở thành bác sĩ, doanh nhân… Cơ hội cũng nhiều hơn khi ra trường. Phản đối với quyết định của Thủy, điệp khúc “xin việc khó” hoặc “để xin được việc phải mất rất nhiều tiền” được mọi người nhắc nhiều lần.Xuất thân từ vùng quê còn nhiều khó khăn ở xứ Nghệ, do vậy, khi quyết định thi vào sư phạm, bố mẹ và nhiều người đã can ngăn Thủy quyết liệt. “Mẹ tôi cũng là giáo viên nên hiểu nghề này khó xin việc thế nào”, cô bộc bạch.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cô gái 18 tuổi chỉ có một ước mơ duy nhất là trở thành cô giáo, muốn được đứng trên bục giảng nhiệt thành mang kiến thức đến cho học sinh. Do vậy, Thanh Thủy muốn chứng minh cho mẹ là bản thân có thể tự xin được việc. “Điều quan trọng nhất vẫn là kiến thức. Vì thế, vừa bước chân vào giảng đường đại học, tôi đã tự đặt ra yêu cầu là trong 2 năm đầu dồn toàn sức để trau dồi kiến thức nền tảng”, cô gái Nam Đàn trải lòng.
Tập trung mọi nỗ lực để thu nhận kiến thức trên giảng đường, Thủy phát hiện ra học Văn và dạy Văn là hai vấn đề khác xa nhau. Cô gái nhỏ bé bắt đầu xông pha ra ngoài tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân. Sắp xếp được thời gian, Thủy đi làm thêm và tham gia các hoạt động xã hội để tăng kỹ năng giao tiếp. Đặc biệt, cô đề cao việc trau dồi khả năng tiếng Anh. Hiện tại, Thanh Thủy tự tin có thể giao tiếp thành thạo cũng như sử dụng các kỹ năng mềm xuất sắc.
Khao khát được đứng lớp ngày một lớn hơn. Không cho phép bản thân ngừng cố gắng, Thủy tìm kiếm cơ hội đi thực tập sớm hơn so với bạn bè cùng khóa. Thủy đặt mục tiêu sớm được đứng lớp và có nhiều cơ hội tiếp xúc với học sinh.
Từ năm thứ 3 đại học, Thủy đã xin thực tập tại trường THPT Đào Duy Từ. Đối với Thủy, đó là cơ hội tốt để phát triển bản thân vừa được học, trau dồi kinh nghiệm, vừa có thêm nhiều mối quan hệ. “Thời điểm đó, tôi đặt thẳng vấn đề với nhà trường về mong muốn của mình khi thực tập tại đây và không yêu cầu bất kỳ một khoản chi phí nào”, Thủy chia sẻ. Sau 5 tháng thực tập, cô đã được trường mời ở lại làm việc.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, Thanh Thủy tốt nghiệp trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội với điểm số cao chót vót 3,77/4. Cô nhận được bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc nhất toàn khóa. Đặc biệt, Thủy là một trong 88 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa của thành phố Hà Nội 2018.
Đến với THPT FPT, Thủy chia sẻ đây hoàn toàn là một sự tình cờ khi nhìn thấy thông tin tuyển dụng nên nộp hồ sơ. Vượt qua vòng phỏng vấn và dạy thử “bi hài”, Thủy chính thức trở thành cô giáo dạy Văn của ngôi trường rất mới mẻ trong hệ thống Tổ chức Giáo dục FPT.
Bốn tháng làm việc ở THPT FPT là khoảng thời gian Thanh Thủy tiếp nhận được nhiều điều mới mẻ. “Môi trường FPT thật sự tuyệt vời, trẻ trung và năng động. Tôi vừa tốt nghiệp đại học, còn nhiều thiếu sót nhưng các anh chị trong trường đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm quý báu”.
Tiết lộ về phương pháp dạy học của mình, Thủy cho biết: “Sau mỗi lần dự giờ, tôi học được nhiều từ các đồng nghiệp và tự tìm ra phương pháp hợp lý. So với các cách dạy học truyền thống, tôi có kết hợp với công nghệ thông tin, âm thanh, hình ảnh trong bài giảng để tạo sự mới mẻ. Ngoài ra, tôi muốn để học sinh tự vận động và làm việc một cách chủ động”.
20/11 năm nay, lần đầu tiên được tham gia buổi lễ tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam kể từ khi tốt nghiệp và gia nhập ngôi trường mới – THPT FPT, cô giáo trẻ Hà Thanh Thủy không khỏi xúc động. “Trước đó đã được dự nhiều nhưng với tư cách là giáo viên thực tập, do vậy cảm giác lần này rất khác. Tôi đã trở thành một cô giáo thực sự đúng như ước mơ từ ngày thơ bé”, Thủy chia sẻ cảm xúc trong mùa hiến chương đầu tiên như động lực, quyết tâm với sự nghiệp trồng người được vun đắp. “Tôi cảm thấy có trách nhiệm hơn với đam mê và nghề nghiệp của mình”.
Sắp tới, Thanh Thủy tự đặt mục tiêu sẽ cố gắng giảng dạy thật tốt để vượt qua những thách thức trước mắt. Đồng thời cô sẽ tiếp tục học cao hơn để bổ sung kỹ năng và kiến thức cần thiết. Một ước mơ sẽ thành công khi luôn có sự trách nhiệm đi kèm. Vói Thanh Thủy, nghề nào cũng có vất vả và khó khăn nhưng cách tiếp nhận và hành động mới là điều quan trọng để vượt qua rào cản.
Hà Trần
Chuyên mục: Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 20/11/2018
Ngày cập nhật: 21/11/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025