Ông Hoàng Nam Tiến cảnh báo sự phát triển của AI tương lai

Trong bài chia sẻ về “Học gì – làm gì trong thời đại 4.0”, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, thế hệ không khiếp sợ trí tuệ nhân tạo sẽ làm chủ thế giới.

Ngày 14/1, khoảng 8.000 học sinh các trường phổ thông ở nhiều tỉnh/tp dự ngày hội FSchools Open STEAM Day 2024 do hệ thống trường phổ thông FPT tổ chức tại tỉnh Hà Nam.

Tại ngày hội, đội, nhóm của học sinh các trường phổ thông khác nhau đã tham dự vòng chung kết cuộc thi công nghệ dành cho học sinh. Mỗi đội thi đem đến một đề tài hướng tới chủ đề “Khoa học diệu kỳ, niềm vui bùng nổ”, khiến cho cuộc thi trở nên sôi động và đầy tính sáng tạo. Sau 3 tháng kể từ khi phát động, Fschools STEMPetition 2024 thu hút hàng ngàn đề tài dự thi từ vòng cấp trường và chỉ 33 đội thi trong số đó lọt vào vòng chung kết toàn quốc để tranh tài trong ngày hội.

Đây là ngày hội khoa học công nghệ lớn được tổ chức thường niên nhằm đẩy mạnh các hoạt động và trải nghiệm STEM, đồng thời đem đến sân chơi bổ ích cho học sinh các cấp.

Trong bài phát biểu chia sẻ có chủ đề “Học gì – làm gì trong thời đại 4.0”, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, trong tương lai thế hệ không khiếp sợ trí tuệ nhân tạo sẽ làm chủ thế giới.

Trước sự phát triển không ngừng của AI, trong tương lai sẽ có “tầng lớp vô dụng”, bao gồm những người bị thay thế bởi robot do AI điều khiển, trong đó có lao động phổ thông, công nhân nhà máy, thậm chí nhân viên văn phòng.

Ông khẳng định, thế hệ gen Z (sinh từ năm 1997 – 2009) không giống với thế hệ đi trước. Ở thời điểm hiện tại thế giới thay đổi quá nhanh, nếu không tự xây dựng bản thân, học tập suốt đời để trở thành phiên bản tốt nhất, chúng ta sẽ sớm trở thành những người bình thường và rất có thể trở thành người tầm thường, không được xã hội trọng dụng trong tương lai.

Thậm chí, những người được đào tạo, học hành tử tế, từng làm việc nhiều năm, có tinh thần rất tốt, nhưng nếu không cố gắng, trong 5 – 6 năm nữa họ sẽ bị robot trí tuệ nhân tạo thay thế.

Cảnh báo sự phát triển của AI tương lai tạo ra ‘tầng lớp vô dụng’, nhiều người mất việc ảnh 1

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT dự báo, ngành nghề là xu hướng từ năm 2030 như Khoa học máy tính, Marketing, AI, Big Data, sản xuất nội dung…

Ông dẫn ví dụ, không đâu xa xôi, ngay thời điểm này ở Việt Nam, có khoảng 2,7 triệu công nhân Việt Nam tại các khu công nghiệp da giày, dệt may.. rơi vào nguy cơ mất việc. Tại nhiều khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang đã sử dụng robot để thay thế con người.

Trong tương lai, những người làm công việc như: văn phòng, hành chính nhân sự cũng sẽ mất việc vì ở hầu hết các tỉnh/tp đang dần chuyển đổi số, không dùng đến giấy tờ. Do đó, đòi hỏi việc học tập, trở thành phiên bản tốt hơn qua mỗi ngày là điều vô cùng cần thiết, giúp đảm bảo sự tồn tại lâu dài.

Ở góc độ giáo dục, cụ thể là dạy học trong nhà trường, cùng với sự phát triển của công nghệ, bên cạnh thuận lợi, giáo viên cũng sẽ chịu áp lực lớn hơn. Bài giảng của trí tuệ nhân tạo sẽ khác biệt ở chỗ, học sinh có thể học bất cứ lúc nào. Trong quá trình học, cứ 3 phút sẽ dừng lại yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi, nếu trả lời sai video sẽ dừng lại. Khi kiểm tra, học sinh không trả lời được 70% câu hỏi, hệ thống sẽ gửi tin báo cho phụ huynh con chưa hoàn thành bài học.

Năng lực nhân sự cần có trong tương lai

Ông Tiến dự đoán, những ngành nghề là xu hướng từ năm 2030 như Khoa học máy tính, Marketing, AI, Big Data, sản xuất nội dung…

“Và năng lực cần có của nhân sự trong giai đoạn 2023-2028 đó là: học tập suốt đời, kiên cường, AI, Big Data, động lực, tư duy hệ thống, động lực, tiếng Anh. Ngoài ra, phẩm chất quan trọng nhất trong tương lai của gen Z đó là tư duy và năng lực phản biện”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng nói thêm, ngày nay các thầy cô đang cố gắng đào tạo học sinh, sinh viên của mình trở thành những người ngoan ngoãn và cố gắng trong học tập. Đây cũng là điều mà bố mẹ nào cũng mong muốn con mình có được. Thế nhưng, trong tương lai, xã hội cần người có tư duy, độc lập và năng lực phản biện để có thể phản biện lại mọi thứ bằng tư duy, logic, đặc biệt là có tiếng Anh.

Cảnh báo sự phát triển của AI tương lai tạo ra ‘tầng lớp vô dụng’, nhiều người mất việc ảnh 2

Học sinh trải nghiệm thiết bị thực tế ảo tại ngày hội.

Cũng tại ngày hội, ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc trải nghiệm công nghệ – Tổ chức Giáo dục FPT cũng chia sẻ về xu hướng AI, robot trong thời đại mới, cũng như cách ứng dụng AI vào các hoạt động học tập, giảng dạy.

Ông Tuấn cho rằng, từ nay đến năm 2030, có khoảng 85% công việc hiện nay sẽ biến mất và AI sẽ thay thế con người trong rất nhiều việc. Điều này đặt ra thách thức lớn cho ngành giáo dục đó là đào tạo được những người trẻ sẵn sàng ứng biến, chấp nhận thách thức, sự thay đổi. Ngay cả những sinh viên đang đào tạo trên ghế nhà trường sau khi tốt nghiệp mọi thứ cũng có thể đã thay đổi.

Theo Báo Tiền Phong Online.

 

Ngày đăng: 17/01/2024

Ngày cập nhật: 17/01/2024

Tác giả: Lê Trang

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh