Sự học thời 4.0: Cô trò FSchool vươn mình đột phá với mô hình học không tưởng “giáo viên AI và lớp học vô cực”

Cùng với cựu học sinh K3, bạn Lê Việt Dũng, cô Lê Vân Anh (GV Địa lý) đang từng bước nghiên cứu và thực hiện dự án “giáo viên ảo” ứng dụng Học máy (Mearchine Learning) và AI (Trí tuệ nhân tạo). Hai cô trò chia sẻ dự án này tại FPT Educamp 2019 với mong muốn nhận được sự hỗ trợ về công nghệ để sớm ứng dụng sản phẩm này tại THPT FPT. Dự án này được đánh giá cao bởi hội động chuyên môn vì tính sáng tạo và sát thực với nhu cầu của người học.

Hiện nay, chúng ta có rất nhiều giáo viên trực tuyến, nhưng hầu hết không thể so sánh được với việc ta lên lớp học. Vì vậy dự án mang lại một phương pháp học Online hiệu quả, thiết thực nhất đến với người dùng. Giáo viên ảo, sẽ được sẽ được sử dụng qua 2 mảng khác nhau nhưng liên kết với nhau: 1 chat bot và 1 kênh video. Việc sử dụng chat bot sẽ giúp người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin cũng như đặt câu hỏi liên quan đến bài học cho chat bot, người dùng sẽ có được thông tin chính xác, trong thời gian ngắn nhất.

Cô Lê Vân Anh luôn mong muốn một ngày có nhiều hơn 24 giờ để cô có thêm thời gian hỗ trợ học sinh của mình học tập, nhất là trong môn Địa lý. Còn Lê Việt Dũng (cựu học sinh K3, THPT FPT) chia sẻ rất thích môn Địa lý nhưng những kiến thức chỉ “vào đầu” anh chàng này khi được trình bày dưới dạng hình ảnh hoặc âm thanh. Băn khoăn của hai cô trò vô tình gặp nhau và ý tưởng về một giáo viên Địa lý “ảo” có thể hỗ trợ học sinh mọi lúc mọi nơi bằng việc đưa ra những kiến thức chính xác, được thể hiện sinh động dưới dạng infographic video đã ra đời.

Cô Lê Vân Anh chia sẻ về mô hình “Lớp học vô cực” tại FPT Educamp 2019 trong đó có giáo viên “ảo” ứng dụng Học máy và Trí tuệ nhân tạo

Cô Lê Vân Anh phát triển ý tưởng và chịu trách nhiệm xây dựng bài giảng với kiến thức chuẩn theo SGK của Bộ Giáo dục – Đào tạo còn Việt Dũng là người làm nên các infographic video và tìm tòi công nghệ hiện thực hóa ý tưởng độc đáo này. “Mình tìm đến IBM Watson để dựng người giáo viên “ảo” này. Đây là chương trình phần mềm ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo) do IBM phát triển với mục đích đưa ra lời đáp cho các câu hỏi bằng ngôn ngữ tự nhiên. Người làm sản phẩm không cần phải biết lập trình quá sâu, người dùng cũng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm hơn. Một ưu điểm khác của IBM Watson đó là cho phép sử dụng trực tuyến, miễn phí.” Dũng chia sẻ khi cậu và cô giáo của mình đem dự án này đến FPT Educamp 2019 chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục” vào ngày 8/12 vừa qua.

Cô Vân Anh và Dũng có thể “dạy” người giáo viên “ảo” này những kiến thức chuẩn theo SGK và giáo viên “ảo” sẽ “dạy” lại học sinh những kiến thức đó. Thay vì phải tự mày mò tìm hiểu kiến thức, đôi khi không biết thông tin nào chính xác, với giáo viên “ảo, học sinh như có thêm một người hỗ trợ mọi lúc mọi nơi. Công việc giảng dạy của giáo viên phổ thông như cô Vân Anh vì thế cũng vơi bớt áp lực về mặt thời gian. Ý tưởng truyền đạt kiến thức qua infographic video cũng là một sáng tạo của cô và trò THPT FPT. Nhờ đó, những thông tin và con số khô khan về địa lý sẽ được “hình ảnh và âm thanh hóa” trở nên gần gũi, dễ hiểu và phù hợp với tâm lý tiếp nhận của các bạn trẻ hiện nay.

Việt Dũng chia sẻ về sản phẩm giáo viên “ảo”

Cô Vân Anh và bạn Việt Dũng đã demo sản phẩm ngay tại phiên chia sẻ ở FPT Educamp 2019. Tuy nhiên, thật tiếc, sản phẩm không chạy thử trơn tru như mong đợi. Nguyên nhân mà Dũng đưa ra đó là mã nguồn mở không ổn định. Bản thân cậu không có kiến thức sâu về công nghệ thông tin nên cũng chưa có phương án giải quyết hạn chế này của sản phẩm. “Tôi mong muốn sau khi chia sẻ tại FPT Educamp 2019, dự án giáo viên “ảo” có thể nhận được hỗ trợ về công nghệ từ phía FPT Education, Tập đoàn FPT để một ngày gần đây sản phẩm ứng dụng được vào thực tế.” cô Vân Anh xúc động chia sẻ.

Ngoài dự án giáo viên “ảo”, đến với FPT Educamp chủ đề “Chuyển đổi số”, cô Vân Anh cũng chia sẻ nhiều thông tin xoay quanh quá trình số hóa việc dạy và học môn Địa lý ở THPT FPT. Những phần mềm hỗ trợ học tập mà cô đưa ra giúp giáo viên kiểm tra bài cũ, học nhóm với học sinh hay họp phụ huynh hoàn toàn trực tuyến và miễn phí nhận được nhiều quan tâm của người tham dự phiên thảo luận.

Chat bot hoàn toàn có thể trở thành một bước đột phá trong ngành giáo dục. Thời đại 4.0 đã đến và việc áp dụng Internet vào giáo dục là một bước đi mang tính cách mạng và giáo viên ảo là một trong những giải pháp khiến cho việc học online trở nên khác biệt so với học trên lớp và mở ra một cánh cửa cho người dùng có thể tìm kiếm tri thức trên một trong những cuốn sách nhiều kiến thức nhất thế giới đó chính là Internet mà vẫn đảm bảo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng … theo chương trình của Bộ GD&ĐT nhờ sự giúp đỡ của Giáo viên Địa lí thực tế ảo.

 

 

Ngày đăng: 13/12/2019

Ngày cập nhật: 13/12/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh