Thầy Nguyễn Đức Dũng – Đằng sau tấm áo xanh

Hòa Lạc đã chào đón và nói lời tạm biệt với không biết bao nhiêu học sinh lẫn giáo viên. Tuy nhiên, vẫn có một con người gắn bó với nơi này sau gần một thập kỉ. Dù có thể là “cơn ác mộng” đối với bao lứa học sinh, nhưng khi đã ra trường, đây lại là nhân vật được nhớ về nhiều nhất. Mang một tâm hồn tự do, hay vi vu đây đó nhưng con người ấy lại quyết định dừng chân tại FSchool nhỏ bé này, tại sao vậy?

Hãy cùng Nhái Bén tìm hiểu về thầy Nguyễn Đức Dũng – giáo viên bộ môn Vovinam nhé!

Thầy có thể giới thiệu một chút về bản thân được không ạ?

Thầy là Nguyễn Đức Dũng sinh năm 1985, chắc là cũng được nửa đời người rồi. Nhà thầy ở Hà Nội và tình trạng như các bạn thấy thì thầy vẫn còn đang độc thân. Thầy bắt đầu giảng dạy đại học từ năm 2009 và chính thức bước sang THPT vào năm 2012. Thực ra sở thích cá nhân của thầy cũng không có gì đặc biệt, cái gì thầy cũng thích, nhưng lên lớp là cái nghiệp mà thầy yêu.

Điều gì đã khiến thầy “dấn thân” vào con đường giảng dạy? Đã bao giờ thầy muốn quay đầu lại và chọn một ngành nghề khác chưa?

Hoàn toàn là một điều bất ngờ vì ngày trước khi tập đội tuyển, thầy cũng không nghĩ rằng mình sẽ đi giảng dạy. Thế nhưng vào một buổi được các anh nhờ lên lớp hướng dẫn cho các em học sinh lít nhít, thấy các em tập luyện thầy bỗng hồi tưởng lại những ký ức của mình. Rồi thầy có cơ hội chỉ dạy những tầng lớp đi sau, tầng lớp kế cận, tự nhiên trong lòng mình cũng thấy hạnh phúc và cảm nhận được niềm vui khi lên lớp. Buổi thứ nhất, buổi thứ hai, thứ ba mà không được gặp tụi nhỏ là thầy rất nhớ nên cũng phấn đấu, cố gắng để được giảng dạy. Thứ hai nữa, mẹ thầy cũng là giáo viên thể dục, nên thầy nghĩ đây là một lợi thế cho cái nghiệp này. CHƯA BAO GIỜ THẦY MUỐN CHỌN NGÀNH KHÁC, KỂ CẢ TRONG LÚC KHÓ KHĂN.

Trong những lúc stress khi lên lớp, khi gặp khó khăn trong công việc ngoài giờ hoặc phải đối mặt với sức ép trong cuộc sống, đã có lúc thầy muốn buông xuôi, nhưng thầy nghĩ: “Tại sao mình lại chọn cái nghiệp này? Con đường giảng dạy là sự nghiệp của mình và mình là con nhà võ. Mình dạy các em học sinh rằng gặp khó khăn phải vượt qua, vậy mà chính mình lại chưa làm được thì đây sẽ là một sự sáo rỗng khi lên lớp”, vì vậy chưa bao giờ thầy nghĩ đến việc sẽ từ bỏ ước mơ, sự nghiệp của mình.

Em được biết thầy đã đồng hành cùng với FSchool từ những ngày đầu tiên. Trong những năm tháng đó, đã có rất nhiều người ra đi để tìm đến những miền đất mới. Điều gì đã khiến thầy tiếp tục gắn bó với mảnh đất Hòa Lạc này?

Chắc các bạn cũng đã được nghe rằng, nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, vậy gian khổ dành phần ai. Đương nhiên, ai cũng muốn dạy học sinh ngoan, học sinh tốt, vậy những học sinh khác thì phải làm sao? Để cho ai? Tất nhiên thầy không đề cao bản thânmình, nhưng đã là giáo dục thì ai cũng phải có trách nhiệm của mình.

Điều gì ở FSchool thầy cảm thấy đặc biệt nhất?

Không hiểu sao nhưng chắc là khóa nào cũng thế, có từ một đến hai bạn lúc nào cũng gọi thầy là bố mặc dù thầy cũng chưa biết trách nhiệm của người bố là như thế nào. Khóa một có hai bạn, khóa hai cũng có một bạn, khóa ba cũng có một bạn, khóa năm thì có rất nhiều. Lúc đó thầy giật mình, thầy nghĩ rằng phải làm như thế nào đấy để xứng đáng với nó. Kỷ niệm thì có rất nhiều, nhưng những lần lên lớp, được gặp và được chứng kiến các bạn tập luyện nỗ lực hết mình, tuân thủ nội quy của Vovinam, đấy là niềm vui của thầy.

Công việc giảng dạy và truyền lửa võ học cho thế hệ trẻ là một công việc vô cùng vất vả, vì sẽ có nhiều bạn không hứng thú hay thể lực không đủ yêu cầu của bài tập. Trong trường hợp như vậy thầy có những phương pháp gì để thúc đẩy các bạn học sinh? Đối với học sinh K3, K4 – các bạn đã quen với cách dạy Vovinam, thầy có cách nào làm mới bài học không?

Thầy cũng như các bạn, chẳng ai muốn làm những việc mà mình không yêu thích cả, thậm chí nếu bị bắt ép sẽ còn cảm thấy khó chịu, không nhiệt tình và không cảm thấy hứng thú. Vậy nhiệm vụ của giáo viên lúc này là phải khơi dậy được niềm hứng thú cho các bạn ấy và chỉ rõ cho các bạn thấy được mục đích các em lên lớp tập Vovinam là gì, nếu các bạn cố gắng thì nó sẽ đem lại lợi ích về cả thể lực lẫn tinh thần như thế nào. Cuộc sống của chúng ta thay đổi khi tư duy của chúng ta thay đổi, có thể chỉ là những khác biệt trong từng hành động nhỏ thôi nhưng lại là bước đầu thay đổi những thứ lớn hơn. Chỉ có cách là giải thích cho các bạn hiểu, thầy nghĩ như vậy. Cái này là nghệ thuật, có thể với mỗi lớp thầy dùng những cách khác nhau, hoặc trong cùng một lớp phải có những sự đối đãi đặc biệt, có những bạn phải hết sức nhẹ nhàng, có những bạn lại phải nghiêm khắc. Chắc chắn là với nhu cầu của giáo dục thì càng ngày mình càng phải đổi mới để phù hợp.

Có kỉ niệm nào đặc biệt với các bạn CLB Vovinam thầy có thể chia sẻ với Nhái Bén được không ạ?

Có một kỉ niệm mà đến bây giờ vẫn in đậm trong thầy, đó là lần đầu tiên trường THPT FPT tham dự giải Hội khỏe Phù Đổng. Hồi đó các anh chị khóa 1 tham dự, các bạn biết rằng đi thi đấu tận Hà Nội thì 7h30 đã bắt đầu rồi, nên 5h các anh chị đã phải dậy. Mới đầu ai nấy đều rất háo hức và hết mình, nhưng thi đấu xong thì tất cả thầy trò đều mệt mỏi, lúc đấy tự nhiên quay ra thấy chị Thu đang ngủ ngon lành dù cả nhà thi đấu đang hết sức ồn ào. Mọi người lôi máy ra chụp ảnh, rồi thầy cũng gửi về nhà chia sẻ với các phụ huynh và cảm ơn sự cổ vũ của mọi người. Thầy cảm thấy rất vui vì các bạn trong đội tuyển Vovinam đã quên mình, đã cố gắng cống hiến vì thành tích chung cho câu lạc bộ, kỷ niệm đó chắc chắn sẽ không bao giờ phai.

Dù là một người thầy nghiêm khắc trong những giờ học, nhưng đằng sau đó, thầy luôn xuất hiện như một con người khác – hài hước và ấm áp. Làm thế nào để thầy cân bằng được cảm xúc trong cuộc sống ạ?

Theo thầy nghĩ đơn giản là mình phải rạch ròi, việc nào ra việc đó. Khi lên lớp là phải đúng với tư cách một người thầy đi trước, cái gì tốt, cái gì hay thì bảo, thì dạy, còn ra ngoài có thể là anh em, là bố con vui vẻ. Bạn phải tỉnh táo trong mọi tình huống, việc gì không liên quan đừng nên suy nghĩ quá nhiều, nên thư giãn, tạo cho mình những nguồn cảm hứng mới. Luôn giữ cho mình thái độ lạc quan, trẻ khỏe, nhưng chắc rằng có những lúc thầy cũng cảm thấy khó khăn, bất lực.

Đã bao giờ thầy lâm vào hoàn cảnh như vậy chưa? Động lực nào đã khiến thầy vượt qua hoàn cảnh ấy?

Hãy tìm ai thực sự tin tưởng để chia sẻ, niềm vui sẽ được nhân đôi, còn nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa. Có lẽ thầy vô tư và luôn luôn thấy lạc quan nên thầy chưa thấy gì khó khăn. Cứ bước chân xuống xe, lên đến trường thấy học sinh, sinh viên vui vẻ, hớn hở tung tăng đến trường là thầy thấy vui rồi. Nhưng khi lên xe về Hà Nội thì thầy lại thấy mệt mỏi, chỉ muốn lên trường càng sớm càng tốt để được gặp các bạn. Nhìn thấy các bạn trưởng thành là động lực lớn nhất, chỉ đơn giản vậy thôi.

Đối với thầy, các bạn trong CLB Vovinam là những học sinh như thế nào ạ?

Các anh chị là người chuyên cần, ý thức và có định hướng rõ ràng. Giống như thầy ngày trước, các anh chị luôn khát khao cháy bỏng để nuôi dưỡng niềm đam mê cho các em đi sau, đó là điều rất tốt. Ngoài sự chỉ bảo của huấn luyện viên ra, các bạn phải tự thân, tự cảm nhận niềm yêu thích Vovinam, tự nhiên mình sẽ cảm thấy có trách nhiệm với đội ngũ kế cận, phải làm sao để cho câu lạc bộ phát triển.

Ở lứa tuổi “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” này chúng em chắc chắn còn rất nhiều trải nghiệm mới, những thử thách trước mắt. Thầy có điều gì muốn gửi gắm đến các em học sinh, đặc biệt là K3 không ạ?

“Niềm tin”. Khi các bạn có niềm tin các bạn sẽ chiến thắng và vượt qua được tất cả. Các bạn đang ở lứa tuổi cần trải nghiệm, có thể mắc sai lầm nhưng hãy tự tin, đừng run sợ, có thể thất bại nhưng vẫn còn thời gian để có thể làm lại được. Các bạn sẽ không nuối tiếc vì ít nhất các bạn đã dũng cảm làm điều đó, hãy tự tin vào bản thân mình.

Trường mình đã từng có học sinh nào đạt giải về môn Vovinam chưa ạ?

Ồ, nhiều chứ, trường mình năm nào chả có giải. Giải đầu tiên có 4 đồng, 2 vàng và 1 bạc (riêng với bộ môn Vovinam).

Câu châm ngôn yêu thích của thầy là gì ạ?

Từ Thầy Nguyễn Văn Đạo – người có công lớn trong việc thành lập trường FPT: “Đây là cơ hội chưa từng có để phát triển ngành giáo dục, nếu dấn thân vào sẽ thắng lợi, nếu bỏ qua sẽ có tội với đất nước”.

Bài: PV Nhái Bén; Ảnh: Hoàng Thảo

 

Ngày đăng: 05/04/2018

Ngày cập nhật: 06/04/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Học sinh trường THPT FPT Hà Nội mang “Giáng sinh yêu thương” đến với các em nhỏ tại Mái Ấm Thiên Ân
55 đội tuyển sẵn sàng chinh phục giải bóng đá lớn nhất năm tại trường THPT FPT Hà Nội
Khám phá lớp học quốc phòng nghiêm túc và sôi nổi tại trường THPT FPT Hà Nội
Sôi động tại giải thể thao Nexus 2024 giữa cha mẹ học sinh và cán bộ giáo viên Trường THPT FPT Hà Nội
Hóa thân thành nhân vật, học sinh trường THPT FPT Hà Nội sống trọn vai cùng tác phẩm “Chí Phèo”
Bùng nổ sáng tạo tại Chung kết AI Educamp 2024 cấp trường dành cho cán bộ giáo viên trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tái hiện lớp học Việt Nam qua các thời kỳ nhân dịp 20/11
Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh