Trò chuyện với “đầu bếp” của “Bức thư chiều thứ 6”

Bạn cảm thấy buồn vì đã từ chối lời tỏ tình? Phải làm sao nếu lỡ là một anh chàng có tâm hồn mong manh, yếu đuối? Hay những thắc mắc khó nói của các bạn học sinh, tất cả sẽ trở thành những chủ đề gần gũi được chia sẻ qua mỗi bức thư chiều thứ 6 hàng tuần. Mới ra mắt cách đây 3 tuần nhưng chuyên mục “Bức thư chiều thứ 6” đã nhận được vô số phản hồi tích cực từ các bạn học sinh FSchool.

Để giúp các bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về chuyên mục này, chúng mình đã có cuộc trò chuyện nhanh với cô Phùng Thị  Hiên – Thạc sỹ tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trưởng nhóm kỹ năng mềm, phòng Phát triển cá nhân (PDP), hiện đang là người phụ trách chính của dự án. Cùng khám phá hậu trường của “Bức thư ngày thứ 6” nhé!

thpt_fpt-phung-thi-hien

Cô Phùng Thị Hiên là người đưa ra ý tưởng và thực hiện chuyên mục “Bức thư chiều thứ 6”.

Chào cô Hiên, cô có thể giới thiệu một chút về chuyên mục “Bức thư chiều thứ 6” được không?

Chào bạn, chúng ta đều biết ở lứa tuổi cấp 3, các em học sinh có những thay đổi lớn về tâm sinh lí và đi kèm với đó là rất nhiều thắc mắc cần được giải đáp kịp thời. Ở FSchool, các bạn ấy không có bố mẹ hay người thân ở bên cạnh để ngay lập tức giúp đỡ khi gặp khó khăn. Vì vậy thầy cô chính là những người sẽ làm thay nhiệm vụ ấy.

“Bức thư chiều thứ 6” là một chuyên mục mới trong chương trình tham vấn tâm lý học đường, trường THPT FPT. Vào mỗi chiều thứ 6, chúng tôi sẽ gửi cho các bạn một email với chủ đề xác định, từ số thứ 2 chúng tôi đã có thêm hình thức radio để các bạn có thể tiếp nhận dễ dàng hơn.

Mỗi câu hỏi đưa ra trong chuyên mục đều xuất phát từ thắc mắc của chính các bạn học sinh trong trường. Các cô sẽ lựa chọn những câu hỏi điển hình, tức là có khá nhiều bạn gặp phải vấn đề tương tự, chỉ thay đổi một vài chi tiết để bảo mật thông tin cá nhân của người hỏi. Câu trả lời sẽ hướng đến vấn đề chung của nhiều người, mang lại những thông tin bổ ích cho tất cả các bạn học sinh.

Cô có nói chuyên mục là một phần của hoạt động tham vấn tâm lý học đường, vậy từ trước tới nay hoạt động này được triển khai ra sao?

Tham vấn tâm lý là một phần của chương trình phát triển cá nhân PDP và được FSchool chú trọng ngay từ ngày đầu thành lập. Đối với những vấn đề nóng, những vấn đề mới nổi của lứa tuổi vị thành niên ở trường, ở ngoài xã hội, những chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, workshop cho đông đảo học sinh để phòng ngừa. Ngoài ra chúng tôi vẫn luôn duy trì các hoạt động tư vấn trực tiếp và tư vấn online. Các bạn học sinh có thể xin lịch hẹn với cô để trao đổi những vấn đề tâm sinh lý, trao đổi với cô khi các bạn ấy cảm thấy khó khăn. Nhiều bạn sẽ chat qua facebook, nhắn tin, viết email về trường hợp của mình. Thậm chí có những đêm mùa hè, đến 1, 2 giờ sáng vẫn có những bạn nhắn tin cho cô để nhờ tư vấn. Được các bạn tin tưởng tìm đến khi gặp khó khăn như vậy, cô cảm thấy rất vui.

Tuy nhiên, thông qua trao đổi trực tiếp, gián tiếp, qua các đợt khảo sát trong các môn Sức khỏe và Giá trị sống, đặc biệt là trong tuần lễ Orientation, các bạn học sinh đã chia sẻ nhiều thắc mắc của bản thân, cô càng nhận thấy rõ nhu cầu tham vấn tâm lý, tình cảm, sức khỏe sinh sản… là rất lớn. Với mong muốn cung cấp thông tin cho các bạn một cách đồng bộ, đồng thời đảm bảo thông tin đến với các bạn chính xác và bài bản hơn, chúng tôi đã quyết định triển khai chương trình “Bức thư chiều thứ 6”.

Việc “sản xuất” một bức thư diễn ra như thế nào? Qua 3 tuần triển khai chương trình thì các cô đã có những hoạt động gì để “Bức thư chiều thứ 6” tiếp cận được với đông đảo học sinh hơn?

Để thu hút các bạn học sinh thì trước tiên nội dung thư phải bổ ích, hấp dẫn, có những chủ đề gần gũi với các em nhất. Mỗi tuần, công việc chọn lọc câu hỏi, tổng hợp kiến thức, đưa ra câu trả lời sẽ do chính cô phụ trách.

Cô Hà Bùi vốn rất sáng tạo, chịu khó tìm tòi và có nhiều ý tưởng hay nên cô sẽ phụ trách phần trình bày để đưa đến các bạn sản phẩm cuối cùng.

Chúng tôi cũng đã lập fanpage “Bức thư chiều thứ 6” để tư vấn online, tương tác, chia sẻ thông tin cho các bạn học sinh.

Theo dõi fanpage “Bức thư chiều thứ 6” tại đây

Ngoài việc lập fanpage, nhóm kỹ năng mềm cũng tìm một số hình thức tiếp cận khác phù hợp với lứa tuổi các em và đã chọn thực hiện radio. Ý tưởng này được học sinh ủng hộ và nhiều bạn đã tình nguyện đăng ký cùng làm radio mỗi tuần. Điều này cũng tạo cho các bạn khác cảm giác gần gũi hơn với nội dung mà chuyên mục truyền tải.

Nếu radio theo phong cách cổ điển, truyền thống cũng sẽ gây nhàm chán, vì thế các cô đã nảy ra ý tưởng thêm phần rap vào radio để bức thư có cả sự vui nhộn mà vẫn gần gũi. Mỗi cô giáo trong nhóm kỹ năng mềm đóng góp một câu, thế là thành đoạn rap. Và đương nhiên người thể hiện phần rap là các bạn học sinh rồi.

thpt-fpt-buc-thu-chieu-thu-6

Đọc kỹ bức thư và chuẩn bị thu âm nào!

Ở ngay số đầu tiên, chương trình đã đề cập đến một vấn đề khá nhạy cảm đối với lứa tuổi này. Tại sao lại lựa chọn câu hỏi đó?

thpt-fpt-buc-thu-chieu-thu-6-2

Ngay bức thư đầu tiên chuyên mục đã giải đáp một câu hỏi “nhạy cảm”.

Chủ đề đầu tiên giải đáp một thắc mắc về sức khỏe sinh sản vị thành niên của nam giới. Sức khỏe sinh sản, sức khoẻ tình dục vẫn luôn là một vấn đề nhạy cảm với học sinh, đặc biệt là các bạn nữ. Chính vì nó nhạy cảm và thường bị bỏ qua nên chúng ta càng phải lưu ý nhiều hơn. Khi đọc câu hỏi này, nhiều bạn nữ tưởng nhận nhầm mail, hay ngại vì cho rằng đây là vấn đề của nam giới, mình không cần biết. Tuy nhiên, đây là những kiến thức khoa học cơ bản và ai cũng nên biết. Trong độ tuổi này, không chỉ con gái mà cả con trai cũng có những thay đổi lớn về tâm sinh lí. Nắm được những kiến thức cần thiết sẽ giúp các bạn hiểu và thông cảm cho nhau hơn.

Cô có kế hoạch gì trong thời gian tới để chuyên mục “Bức thư chiều thứ 6” ngày một phát triển hơn?

Các cô trong nhóm sẽ tổng hợp các chủ đề khác nhau và theo sát các mốc sự kiện của tuần, tháng đó. Ví dụ như sắp tới ngày 20/10 thì chủ đề sẽ tập trung vào phái nữ, hay tư vấn cho các bạn nam bí quyết tặng quà gì,… Tuy nhiên lộ trình triển khai vẫn sẽ theo cây kiến thức ban đầu, bám sát mốc thời gian nhưng vẫn đảm bảo cung cấp những kiến thức bổ ích cho các bạn học sinh. Ngoài ra chuyên mục tư vấn online vẫn luôn hoạt động 24/24 để bất cứ khi nào gặp khó khăn các bạn ấy có thể liên lạc để được giải đáp ngay lập tức.

Cô có nhận xét gì về hoạt động tham vấn tâm lý học đường các trường cấp 3 hiện nay? Có phải chỉ học sinh THPT, ở lứa tuổi nhạy cảm mới cần được tư vấn tâm lý?

Ở Việt Nam, hầu như các trường THPT chưa chú trọng hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh. Những chuyên gia trong nước về lĩnh vực này cũng khá ít, vì thế ở trường học, hoạt động này đa phần là giáo viên giáo dục công dân, giáo viên làm công tác đoàn… kiêm nhiệm. Điều này gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh.

Về lứa tuổi tham vấn, theo cô không chỉ cấp 3 mà giai đoạn phát triển nào các em cũng cần tham vấn tâm lý vì mỗi độ tuổi các em có những vấn đề khác nhau. Giai đoạn cấp 3 sẽ có nhiều khúc mắc hơn, các vấn đề cũng nhạy cảm và phức tạp hơn bởi đây là giai đoạn các em chuyển tiếp từ trẻ em sang người trưởng thành, có nhiều thay đổi tâm lý, sinh lý, mối quan hệ. Các em cần có chuẩn bị kĩ càng về tâm lý bởi sau cấp 3, các em sẽ bước vào ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời. Vì thế, tham vấn tâm lý học đường cho học sinh THPT là cực kỳ cần thiết.

Nhiều bậc phụ huynh chia sẻ họ gặp khó khăn khi trò chuyện với con ở lứa tuổi cấp 3, cô có thể đưa ra một lời khuyên không ?

Độ tuổi vị thành niên là giai đoạn mà các bạn ấy bắt đầu có tâm lý độc lập, hướng ra ngoài xã hội và các nhóm bạn đồng đẳng, sẽ muốn khẳng định bản thân nhiều hơn. Đây là lúc mà chưa hẳn là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con nữa. Nếu lúc này cha mẹ lại luôn theo sát các em, chăm chút các con từng tý một, bao bọc các con sẽ khiến các em có cảm  giác bị coi là trẻ con. Điều này ngược lại với tâm lý muốn khẳng định bản thân, khiến các em cảm thấy bị kiểm soát và không thoải mái. Các bậc cha mẹ nên có sự tin tưởng và thấu hiểu nhất định để có thể đồng hành bên các con trong giai đoạn này. Hãy trở thành một người bạn của con thôi chứ đừng can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con, hãy cho con một khoảng trời tự do và để con hiểu bố mẹ luôn dõi theo và giúp đỡ con.

Cảm ơn cô về những chia sẻ rất chân thành và đầy tâm huyết trên. Chúc cô và những người làm chương trình “Bức thư chiều thứ 6” sẽ luôn nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của các bạn học sinh!

Bài: Minh Thiên, Hoàng Thảo

 

Ngày đăng: 15/10/2017

Ngày cập nhật: 15/10/2017

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên
Bùng nổ các màn trình diễn tại vòng sơ loại cơ sở cuộc thi Khơi nguồn Võ Việt 2024
Trường THPT FPT Hà Nội trang bị cho học sinh kiến thức an toàn trên không gian mạng 
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội gặp gỡ, giao lưu với học sinh trường THPT DaiDo Nhật Bản
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tự tin giao lưu với học sinh Đài Loan qua dự án “Lớp học xuyên biên giới”
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội phát triển kỹ năng và tư duy qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
Trường THPT FPT Hà Nội chào đón đại diện trường Shibaura Institute of Technology đến thăm và giao lưu
100 học sinh trường THPT FPT Hà Nội quyết tâm chinh phục kỳ thi thử SAT 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh