Trông Trăng từ Hòa Lạc

Trung Thu là ngày gì nhỉ? Là ngày mà mọi người gọi là Tết Thiếu nhi, Tết Hoa Đăng, là ngày có những em nhỏ tung tăng cầm chiếc đèn ông sao rực rỡ, miệng hát vang, rồi khi trăng lên, mọi người lại hướng mắt về ánh sáng kì ảo, cùng nhau trò chuyện. Trung Thu trên Hòa Lạc, tưởng như sẽ tiếp tục xây đắp những kỉ niệm mới dựa trên một mô típ quen thuộc kia, nhưng lại bất ngờ chuyển hướng để đánh dấu một trang dấu ấn mới lạ, mang tên “Cóc trông trăng”.

Buổi trưa, ở sảnh Gamma là những anh chị chuẩn bị cho sự kiện tấp nập đèn dây, còn bên ngoài hướng về đường 30m, nhìn các anh chị khóa trên vẫn tận tình chuẩn bị cho “Cóc trông trăng”, tôi chợt nhận ra cái nắng gắt của thời tiết cũng không thể tỏa sáng như nhiệt huyết tuổi trẻ, để rồi tự thấy rằng mình có thể làm được nhiều hơn. Có lẽ, họ có ánh sáng riêng, mà ánh sáng ấy đã chiếu đến ý thức mơ hồ của tôi để làm nảy mầm những mơ ước rạng rỡ mất rồi!

Công đoạn chuẩn bị tận tình trước giờ G

Buổi chiều cũng là lúc diễn ra sự kiện. Trước một mặt trăng viên mãn xinh đẹp là một cầu lửa đỏ rực, chiếu xuống khoảng rộng của đường 30m, trải lên sân khấu, lên bàn cỗ một tấm màn mờ ảo. Các bạn học sinh là tâm điểm giữa khung hình ấy. Những tiếng cười vang lên không ngớt, những bước chân không ngừng nghỉ, mồ hôi thì lấm tấm, nhưng các bạn vẫn nhanh nhẹn cùng phụ huynh cầm những túi đồ hoa quả, cùng chuẩn bị gọn gàng cho mâm cỗ Trung Thu. Năm nay, sự kiện “Cóc trông trăng 2019” có phần thi làm đèn lồng, vì thế mà trên sân lại xuất hiện những sinh vật, những sự vật bí ẩn chỉ hiện lên qua phần khung thủ công đẹp đẽ. Đường về Dom như được rải những mong đợi, bởi lúc đó, các bạn học sinh đều bừng lên những quan tâm với sự kiện đêm nay. Phải rồi, với K7, đây là sự kiện đầu tiên mà nhỉ! Còn với các anh chị khóa trên, dù là lần thứ 2 hay thứ 3, thì đều là những khoảnh khắc đáng mong chờ, bởi ở Hòa Lạc, có lẽ không đêm trăng nào là như nhau cả.

Không khí nhộn nhịp trước giờ diễn ra sự kiện

Sự nhộn nhịp không hề giảm đi. Buổi tối thực sự đã vén tấm màn mờ ảo, để lộ ra cái hồn ngày Trung Thu ở Hòa Lạc. Hai tầng ánh sáng làm thị giác người ta phải choáng ngợp: trên cùng là mặt trăng, tiếp đến là ánh sáng từ đèn lồng, từ sản phẩm của các lớp. Tràn ngập cùng tiếng nói cười là những bài hát rộn ràng của ngày Trung Thu. Đúng chất của một ngày lễ truyền thống, một màn múa lân nhộn nhịp đã mở đầu sự kiện. Tiếng trống, tiếng reo hò thúc đẩy tâm trí mọi người hướng về những nghệ sĩ điêu luyện.

Tiết mục múa lân truyền thống

Cóc trông trăng” lần này mang chủ đề Thỏ ngọc và Cây đa – hai nhân vật bé nhỏ trong những sự tích muôn màu nay trở thành trung tâm tất thảy. Có lẽ vì thế mà khi cuộc thi làm đèn lồng diễn ra, không hiếm thấy sự xuất hiện của những bé thỏ, lại còn cả đèn lồng cây đa nữa. Nhưng dù đều là đèn lồng chúng lại thể hiện một sắc thái riêng, một phong cách khác biệt, và lạ hơn khi các bạn học sinh chắp lên chiếc khung vô hồn những mảnh giấy đủ sắc một cách tỉ mỉ. Phải chăng trong lúc tự hoàn thành nốt chiếc đèn lồng, lúc cùng nhau cắt tỉa mâm ngũ quả xinh xinh, các bạn đã quên mất phần “thi” để hòa mình vào “cuộc”. Giải thưởng cho mâm cỗ đẹp, cho đèn lồng nổi bật sẽ không thể cùng bạn đi đến tận cùng kỉ niệm thanh xuân, mà là nụ cười, là mồ hôi, là những trò đùa hồn nhiên, là khoảnh khắc đầu tiên ý nghĩa.

Tỉ mỉ bên chiếc đèn lồng

Cóc trông trăng” – sự kiện truyền thống của trường THPT FPT mở ra thật nhiều trải nghiệm. Một bên chìm đắm với thử thách của sự khéo léo thì các bạn khác cũng tham gia vào cuộc đua mang tên “Tìm về ánh trăng”. Cuộc đua kỳ thú này tổ chức với quy mô rộng xung quanh khuôn viên của Trường THPT FPT và Đại Học FPT. Chính vì thế, niềm vui như lan tỏa khắp nơi. Trong bóng tối lại loáng thoáng những cái bóng đang nhanh nhanh về đích, rồi cả tiếng gọi í ới nhí nhảnh cùng với cái vẫy tay loạn nhịp.

Một số trò chơi của cuộc đua kỳ thú “Tìm về ánh trăng”

Đặc biệt nhất là lúc đi rước đèn. 51 cái đèn lồng điểm xuyết cho không gian. Đây có lẽ là lúc các học sinh cảm thấy vui sướng nhất khi được vác trên vai sản phẩm của chính mình. Dưới ánh sáng của trăng, các bạn chạy, các bạn hát, các bạn hô lên những khẩu hiệu đặc trưng mà chỉ tuổi học trò tinh nghịch mới có. Đó là khoảng thời gian duy nhất mà sẽ không trở lại, là một thời khắc mọi người cùng trải nghiệm nhưng lại in vào tâm trí mỗi người một cách rất riêng. “Cóc trông trăng 2019” là mở màn cho những dấu ấn trong K7, là tiếp diễn mới lạ của K6, và có lẽ là ấn tượng lắng đọng trong lòng K5.

Tiếng cười đêm rước đèn

Sau những hoạt động tập thể lý thú, các bạn tập trung lại sân khấu. Có bạn hòa mình vào điệu nhạc rộn ràng của sự kiện, lại có những học sinh khác tập trung dành thời gian với nhóm bạn của mình, hay ngồi cùng gia đình.

“Cóc trông trăng 2019” – khoảnh khắc tuổi trẻ năng động

Các bạn đều có cơ hội trở thành một phần của cuộc vui nào đó, của một điều gì đó lớn lao hơn một cuộc chơi thông thường. Các bạn trở thành những mảnh xa lạ để ghép lại một bức tranh kỷ niệm đang dần được lưu giữ vào trái tim tôi. “Cóc trông trăng 2019”, một dấu mốc mang lại cho tôi những “trải nghiệm” mới trong cảm xúc. Sự kiện này, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc đều để lại một dư âm rất riêng, để rồi khi nghĩ lại, tôi có thể chìm đắm trong những kỷ niệm thật ý nghĩa, thật nhiều cảm xúc… Vào ngày thứ 5, 12 tháng 9 năm 2019, “Cóc trông trăng” đã trở thành cầu nối để không chỉ tôi mà những học sinh K7 khác, thêm gắn bó và dành nhiều tình cảm cho mái trường THPT FPT hơn, yêu con người, cảnh vật nơi này nhiều hơn.

Trung Thu này ở Hòa Lạc, tôi lại được ngắm một mặt trăng hoàn toàn mới. Một mặt trăng tự tin tỏa sáng vị trí trung tâm bầu trời, không khép mình sau những tòa cao ốc. Một mặt lung linh sáng cùng những kỉ niệm học trò, vĩnh viễn không thể nào quên. 

Bài: Phùng Thuỳ Linh – 10A1 – Khoá 7

 

Ngày đăng: 16/09/2019

Ngày cập nhật: 16/09/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh