“Vượt qua thách thức, sẽ đến gần hơn vạch đích thành công”

Trong quá trình tự lập, mỗi thách thức bị chinh phục là một bước tiến gần hơn đến thành công. Đây chỉ là một trong số những chia sẻ thú vị trong talkshow “Người trẻ và tự lập” được tổ chức cho học sinh K6 vừa rồi.

Sáng ngày 9/8, 540 học sinh K6 đã tham dự talkshow “Người trẻ và tự lập” do phòng Phát triển cá nhân PDP phối hợp cùng Sunrise Việt Nam tổ chức. Các khách mời của sự kiện là anh Trương Quang Dũng, chủ 3 nhà hàng Gastro Pub tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, đồng sở hữu Tùng Dining và bà Phạm Phương Mai, Phó Giám đốc Công ty THHH Sunrise Việt Nam.

Diễn giả của talkshow có phong cách nói chuyện thân thiện, gần gũi và cực teen.

Trong phần đầu của talkshow, anh Trương Quang Dũng đã chia sẻ về hành trình trưởng thành, tự lập của một chàng trai 9X với không ít vỡ mộng và vỡ lẽ.

Là con trai duy nhất trong gia đình, từ nhỏ, Dũng đã được cha mẹ kỳ vọng và tạo điều kiện cho đi du học để có được một công việc xứng đáng. Học hết lớp 10 chuyên Toán trường THPT Chuyên Sư phạm, anh Dũng được học bổng toàn phần du học Anh, khoá Alevel. Ngày đầu đặt chân đến xứ sở sương mù, anh cảm tưởng như đó là ngày hạnh phúc nhất của mình trong 16 năm cuộc đời vì đã giành lại sự tự do mà bố mẹ “tước đoạt”.

Nhưng cuộc sống cùng một gia đình người Ý tại Anh không mấy hào phóng và cổ hủ trong nếp sống khác xa với những suy nghĩ trước đây của anh. Rồi một lần đi London đến chơi với một người bạn đang theo học ở đây, anh qua đêm trong kí túc xá và bị thầy quản nhiệm phát hiện. “12 giờ đêm, anh bị đuổi khỏi phòng, bước ra ngoài trời trong cái lạnh co ro. Khi bông tuyết đầu tiên của mùa đông năm ấy rơi cũng là lúc nước mắt anh lăn xuống vì nhớ nhà”, anh Dũng kể lại cú sốc đầu tiên ở trời Tây khi anh chưa tròn 16 tuổi.

Tự xoay xở, tìm đường đến nhà một người bạn khác để có một chỗ ở trong đêm đã khiến cho anh Dũng nhận ra không ai khác trừ gia đình thực sự quan tâm đến mình. Đây là bài học đầu tiên về sự tự lập mà cuộc sống xa nhà đã dạy cho anh.

Các teen chăm chú dõi theo bài chia sẻ của diễn giả khách mời.

Bài học thứ 2 mà anh muốn chia sẻ về sự tự lập là hành trình theo đuổi đam mê bếp núc đầy thử thách của mình. Vào năm nhất tại Đại học Exeter, anh Dũng bắt đầu công việc làm thêm là rửa bát tại một nhà hàng nhỏ, chính nơi đây anh tìm thấy niềm đam mê với nghề đầu bếp.

Guồng quay trong căn bếp để làm nên những món ăn ngon phục vụ thực khách đã khiến chàng du học sinh say mê. Anh bắt đầu đọc những cuốn sách về ẩm thực hay xem những video hướng dẫn nấu ăn, tự mình bước những bước chân đầu tiên vào con đường bếp núc.

Tốt nghiệp trường đại học được đánh giá cao nhất về ngành ngân hàng ở Anh quốc, trở về Việt Nam, anh Dũng trở thành chuyên viên phân tích tài chính cho Vietcombank nhưng niềm đam mê với nghề đầu bếp vẫn cháy bỏng. Hai năm làm ngân hàng cũng là hai năm anh làm công việc của một chuyên viên vào ban ngày, từ tối đến đêm khuya lại làm công việc của một đầu bếp. Dù gia đình không ít lần phản đối, cuối cùng, chàng trai trẻ vẫn lựa chọn nghiệp bếp núc. “Đôi khi, cái giá của sự tự lập, kiên định theo đuổi đam mê là phải lựa chọn điều trái với mong muốn của cha mẹ các em”, anh Dũng kết luận.

Buổi talkshow có không khí cởi mở với sự tương tác giữa khách mời và các FSchooler.

Bài học thứ ba mà diễn giả đem đến cho các teen là câu chuyện về sự tự lập qua bộ truyện tranh Na-ru-to nổi tiếng. Cùng trưởng thành, tự lập từ những mất mát nhưng nếu nhân vật Sa-su-ke luôn chiến đấu một mình thì Na-ru-to lại có sự hỗ trợ của đồng đội. “Tự lập không có nghĩa là đơn độc mà hành trình tự lập luôn có sự giúp đỡ, động viên của người thân, bạn bè khi cần.”

Thỉnh thoảng, cả hội trường lại rộn vang trong tiếng cười, tiếng vỗ tay.

Nụ cười tươi tắn của một nữ sinh.

Phần 2 của talkshow là phần giao lưu, hỏi đáp giữa diễn giả và các teen K6. Các em đã mạnh dạn, tự tin đặt ra những câu hỏi để tìm ra lời giải cho thắc mắc của mình.
“Điều gì khó khăn nhất khi du học và xa bố mẹ?”, đây là câu hỏi mà một FSchooler dành cho anh Dũng nhưng cũng là nỗi băn khoăn của rất nhiều K6 vào những ngày đầu học nội trú. Theo anh Dũng, trước hết đó là cú sốc văn hóa khi sinh sống ở một đất nước hoàn toàn khác. Ngoài ra, khó khăn không phải ở việc bạn phải tự lập, chăm lo cho mình mà nằm ở trách nhiệm với hành động, ứng xử, lối sống mà bạn lựa chọn.

Một nam sinh đặt câu hỏi trong sự hưởng ứng của bạn bè.

“Bố mẹ đã tha thứ cho lựa chọn của anh hay chưa?”, một FSchooler gửi câu hỏi đến diễn giả. “Đối với bố mẹ, con cái chưa bao giờ có lỗi. Người thân chỉ mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với các em mà thôi!”, anh Dũng trả lời.

Sự háo hức, tò mò hiện lên trên nét mặt của một FSchooler khi trình bày câu hỏi cho khách mời.

Các K6 tuy còn khá nhỏ tuổi nhưng thông qua những câu hỏi dành cho diễn giả, các em đã thể hiện những suy nghĩ chín chắn và sâu sắc. “Anh đã thất bại khi xây dựng doanh nghiệp của mình bao nhiêu lần? Động lực nào để anh vượt qua những thất bại trong cuộc sống và sự nghiệp”.

K6 đã bắt đầu quan tâm đến những vấn đề không đơn giản như sự nghiệp, cuộc sống.

Anh Dũng không đếm nổi những lần mình tuyệt vọng, muốn bỏ cuộc. Nhưng cứ có ý định buông xuôi, anh lại nghĩ đó chỉ là một thử thách mà khi vượt qua là một lần lớn lên, đến gần hơn vạch đích. “Khi thắng cử Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Exeter, anh chưa giành được sự tin tưởng của mọi người. Nhưng anh đã làm tất cả bằng sự cố gắng, nhiệt tình đón các bạn sinh viên mới đến, đầu tư tổ chức bữa tiệc Giáng Sinh. Bữa tiệc năm ấy, mọi người đến rất đông vui, không chỉ các bạn Việt Nam mà có cả các bạn sinh viên quốc tế”, anh Dũng kể lại một câu chuyện về cách mình vượt lên khó khăn..

Thông qua chia sẻ về hành trình tự lập và thành công của một người trẻ, các teen FSchool đã có những bài học, kinh nghiệm quý giá để bắt đầu cuộc sống nội trú và định hướng những đam mê cho mình. Đây là một trong số nhiều hoạt động định hướng đa dạng, phong phú cho học sinh K6 trong 2 tuần đầu tiên tại trường THPT FPT.

Thu Hiền

 

 

Ngày đăng: 10/08/2018

Ngày cập nhật: 13/08/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh