Triển lãm các môn Xã hội: Biến lý thuyết khô khan thành dự án độc đáo
Lịch sử hay Địa lý đâu chỉ có những trang giấy hay con số khô khan. Nếu nhìn các môn học này bằng con mắt khác, bạn sẽ sáng tạo nên những sản phẩm, dự án đặc biệt và thú vị.
Ngày 23/5, triển lãm các môn Xã hội mang tên gọi “Vietnam: Into the world” đã diễn ra thành công đánh dấu một năm học hăng say, miệt mài nghiên cứu và thực hành của các teen FSchool với bộ môn Lịch sử và Địa lý. Chủ đề này xuất phát từ dự án tìm hiểu các quốc gia trên thế giới của khối 11 với mong muốn các teen tự tin bước ra thế giới với đầy đủ kiến thức và sự hiểu biết, về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội của đất nước mình và bạn bè năm châu.
Tại trường THPT FPT, việc thực hiện các sản phẩm hay dự án khép lại các môn học này đã trở nên quen thuộc và gần gũi. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, thành quả đạt được kết thúc mỗi học kỳ qua các năm càng trở nên ấn tượng.
Với đề tài Thiết kế mô hình về các ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ), các teen đến từ 5 lớp khối 10 do cô giáo Phan Thị Thủy phụ trách đã đem đến triển lãm các mô hình thực sự chất lượng. Đây là thành quả của cả cô và trò trong cả quá trình học tập 2 tháng. Cô Thủy chia sẻ: “Đây là bài tập về nhà của các học sinh khối 10, song song với các giờ học trên lớp. Cô hết sức ấn tượng vì công sức, sự nỗ lực của các nhóm khi các bạn đã sắp xếp thời gian sau giờ học, thậm chí đến nhà nhau để hoàn thiện các mô hình này.”
Đối với khối 11, sản phẩm mà các teen tự hào đem đến triển lãm lần này là 5 gian hàng đặc trưng cho 5 quốc gia trên thế giới tạo nên một festival rực rỡ, đa dạng sắc màu. Các vấn đề cần tìm hiểu bao gồm tự nhiên, kinh tế, xã hội, đòi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu và sưu tầm để tạo nên một không gian riêng biệt, ấn tượng nhất. Đây là kết quả của quá trình làm bài tập lâu dài qua 3 chặng: chặng 1 làm poster, chặng 2 làm brochure và mô hình, chặng 3 nấu ăn và biểu diễn.
Đối với triển lãm lịch sử, các FSchooler khối 10 và 11 đã tái hiện những kiến thức về Lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới thời kì cổ trung đại và cận đại dưới các hình thức đa dạng: hồ sơ tư liệu, clip, mô hình, sa bàn. Thời gian để hoàn thiện các sản phẩm này cũng là 2 tháng.
Em Lưu Việt Trung, học sinh lớp 10A9 tỏ ra hứng thú với cách học Lịch sử độc đáo tại FSchool: “Làm các dự án Lịch sử giúp dễ dàng ghi nhớ kiến thức hơn so với cách học khô khan, lý thuyết mà chúng em đã tiếp xúc từ bậc tiểu học đến trung học. Với sản phẩm sa bàn trận chiến sông Như Nguyệt mà nhóm em đã thực hiện, chúng em đã hiểu rõ hơn địa hình trận chiến, thuận lợi và khó khăn của cả bên ta và bên địch”.
Quá trình làm sản phẩm cùng nhau đã đem lại cho Trung và các thành viên trong nhóm những kỷ niệm đáng nhớ. Em Lưu Đức Mạnh nhớ lại thời điểm cận kề ngày nộp sản phẩm, cả nhóm vẫn đang tranh luận về nội dung của sa bàn, cuối tuần đó, tất cả các thành viên phải ở lại trường để hoàn thành công việc. “Tối hôm thứ 6, bọn em quyết tâm làm xong nền đất của bờ sông. Bạn thì xé vụn giấy báo, bạn thì trộn keo, bạn thì lấy nước, sau đó trộn các nguyên liệu vào nhau rồi đắp lên nền xốp mới ghép. Ai cũng muốn sáng mai lớp keo phải khô hoàn toàn để kịp sơn màu, vậy mà nền đất mới đắp sau một đêm đã bị chuột cắn hết. Sau khi đổ lỗi cho nhau, bọn em ý thức lại nhiệm vụ chung của cả nhóm rồi lại bắt tay vào làm lại”, Mạnh cho biết.
Triển lãm “Vietnam: Into the world” với thành quả cuối học kỳ của các teen FSchool đã khẳng định ưu điểm của cách tiếp cận môn học Xã hội dưới hình thức làm dự án, sản phẩm thực tế, đem lại sự hiệu quả và hứng thú trong học tập của học sinh.
Xem hình ảnh đầy đủ về triển lãm tại Đây.
Thu Hiền
Chuyên mục: Tin FSchool Tin tức
Ngày đăng: 24/05/2018
Ngày cập nhật: 24/05/2018
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025