Tuổi teen hiến kế ba mẹ trò chuyện thoải mái với con
Từ lời than thở “Làm bạn với con được không ba mẹ ơi?”, các bạn tuổi teen hiến kế một số cách ba mẹ nên áp dụng để giao tiếp với con.
Theo bạn Xuân Minh(18 tuổi, TP.HCM), nếu ba mẹ muốn quan tâm đến con một cách tích cực thì theo sát con trong quá trình phấn đấu, đặt ra mức thưởng, phạt vui vui như: không làm bài tập phải bỏ heo 5.000 đồng, hoặc phải rửa chén một ngày.
“Còn nếu hoàn thành bài tập trước thời hạn thì mua cho con một ly trà sữa, hoặc sau học kì con lên hạng so với học kì trước thì dẫn con đi chơi”, Minh nói.
Chớ ca bài ca so sánh
Không ít các bạn học sinh đã phải tìm đến các đường dây nóng gặp các chuyên gia tâm lý khi mình suốt ngày bị so sánh với bạn bè, với anh chị em trong gia đình. Có phải cách “so sánh để con tốt hơn” luôn hiệu quả?
Bạn Thanh Tâm (16 tuổi, TP.HCM) cho biết: “Nhà mình lúc nào cũng thiên vị con trai hơn là con gái, mọi ưu tiên, đặc quyền mẹ đều dồn cho đứa em trai “bé bỏng”, mặc dù em ấy đã học lớp 6. Mỗi lần mẹ và em bất đồng quan điểm gì đó mà em ấy phản ứng lại, mẹ đều đem tâm trạng bực bội trút lại lên đầu của mình”.
Tâm kể cô giáo giao bài tập về cho em trai làm, mẹ bắt Tâm làm thay cho em. “Khi mình nói con cũng có bài tập về nhà vậy, thì mẹ lại tỏ ra khó chịu và đôi khi còn không nói chuyện với mình một tuần. Mình mong mẹ có cái nhìn công bằng hơn” – Tâm chia sẻ.
Trường hợp của bạn Lan (lớp 9, quận Tân Bình) lại kì lạ hơn khi ba mẹ lúc nào cũng so sánh với những người bạn của Lan, và bất cứ đứa bạn nào thấp điểm hơn thì ba mẹ đều “cấm” không cho Lan giao tiếp, còn cao hơn thì lại đem ra để la mắng con.
“Riết rồi bạn mình cũng bắt đầu xa lánh mình vì ba mẹ. Chẳng lẽ ba mẹ muốn con chơi một mình sao” – Lan bức xúc.
“Con mong ba mẹ phản ứng nhẹ nhàng hơn, như là góp ý cho con bạn này bạn kia có những điểm nào tốt để học tập, điểm nào xấu con cần tránh. Con tin rằng chỉ cần một lời nhỏ nhẹ khuyên bảo thì con sẽ hoàn toàn nghe theo. Hoặc là ba mẹ có thể ngồi xuống tâm sự cùng con là “tại sao con thích chơi với bạn này?” để con được bộc bạch suy nghĩ của mình” – Lan góp ý.
Hươu tới tuổi thì hươu phải chạy
Về tình yêu tuổi học trò, các bạn học sinh nói người các bạn tin tưởng là cha mẹ, nhưng cũng chính cha mẹ lại là người các bạn sợ nhất khi thổ lộ chuyện tình cảm.
Bạn Kim Ngân (17 tuổi, TP.HCM) tâm sự: “Hươu tới tuổi thì hươu phải chạy, con người tới tuổi thì con người phải… yêu. Mình thấy rất gò bó và lại thấy rất thiếu kinh nghiệm vì ba mẹ lúc nào cũng dặn “con còn nhỏ lắm, yêu đương cái gì”. Ba mẹ không cho thì con cũng… yêu lén”.
“Mình nghĩ là nếu có ba mẹ làm hậu phương vững chắc thì có bất cứ tình huống nào khó xử, mình có thể tham khảo ngay ý kiến ba mẹ. Mình nghĩ cách nói chuyện về vấn đề này dễ nhất là mẹ sẽ kể về chuyện tình cảm hồi xưa của mẹ với ba, từ đó lồng ghép vào những cách ứng xử sao cho phù hợp trong tình cảm”.
Bạn Minh Hiếu cũng đồng tình: “Dù có ngốc nghếch nhưng tình yêu học trò vẫn là đẹp nhất. Ba mẹ lúc nào cũng đánh đồng chuyện “con còn nhỏ” nên… cấm không được yêu ai nghe chưa. Không có sự chỉ dẫn của ba mẹ, chắc chắn chúng con bước vào tình yêu sẽ càng mù quáng và thiếu thông minh. Lúc nào con cũng mong mình có thể vô tư kể hết những điều đó cho ba mẹ nghe, và ba mẹ sẽ định hướng cho con cái nhìn đúng đắn nhất”.
Vấn đề giới tính là thường hay bị… giấu nhẹm. Bạn Lan Anh(18 tuổi) nói: “Đến năm mình 16 tuổi, mình còn nghĩ “hôn nhau là có bầu”. Thiếu người dẫn đường, mình chỉ còn cách dựa vào chúng bạn, hay tự tìm hiểu qua sách vở. Mình thấy rất nhiều bạn có những tư tưởng lệch lạc cũng vì ba mẹ không chịu hướng dẫn và trò chuyện thẳng thắn, đến khi con mang “balô ngược” thì lại tá hỏa, giật mình thì đã muộn”.
Chuyên mục: Tin tức Tuổi 15 con cần gì
Ngày đăng: 10/04/2018
Ngày cập nhật: 01/10/2021
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025