Tưởng là đội “lót đường”, ai ngờ các chàng trai FSchool đã thẳng tiến đến chung kết Hackathon

Không ngại ngần làm quen với ngôn ngữ lập trình mới, quyết tâm đạt được số điểm tối đa từ mỗi vòng thi, những chàng trai đến từ FSchool đã có màn thể hiện ấn tượng, thuyết phục tại cuộc thi FPT Edu Hackathon, sân chơi dành cho học sinh, sinh viên CNTT toàn quốc. Họ đã tự tin, sẵn sàng tranh tài trong vòng chung kết.

Ngày 9-10/6 tại Hòa Lạc campus tới đây, vòng chung kết cuộc thi FPT Edu Hackathon mùa đầu tiên với chủ đề Mạng lưới kết nối vạn vật IoT sẽ được tổ chức. Sau 2 tháng khởi tranh, niềm hi vọng của FSchool – đội tuyển với cái tên cực “chất” “Boys without smartphone” – đã bước đến trận đấu cuối cùng. Dưới sự hướng dẫn của mentor – giáo viên môn Tin học Trần Thị Lịch, 3 chàng trai FSchool “nghiện” lập trình đang tạo ra bất ngờ và có những màn thể hiện đầy thuyết phục tại đấu trường Hackathon năm nay là: Trịnh Vũ Hưng 11A1, Thạch Đức Long 11A1 và Phan Tiến Mạnh 11A3.

3 chàng trai “trẻ tuổi tài cao” cùng niềm vui đón nhận khen thưởng trong lễ Tổng kết vừa qua.

Dành 2 tiếng để giải câu hỏi khó, quyết tâm đạt điểm số tối đa

Góp mặt tại sân chơi lập trình lớn nhất cả nước Hackathon, đại diện đội tuyển FSchool, bạn Vũ Hưng cho biết lý do đăng kí dự thi vì muốn cọ xát cũng như có một cơ hội được làm việc với nhau, cùng nhau thi đấu và phát triển khả năng.

Tuy nhiên, sự quyết tâm và nỗ lực của các em là điều không thể phủ nhận trong lần đầu tiên Hackathon khởi tranh. Cô Lịch kể lại:“Trong vòng thi Codefights với 30 câu hỏi theo các mức độ dễ, khó, trung bình, các em đã xuất sắc đạt tối đa 30 câu. Đặc biệt, có 1 câu khó xuất hiện giữa đề thi, các em đã không bỏ qua, không chịu bỏ cuộc mà dành đến 2 tiếng để giải quyết. Với thời gian trung bình 3-5 phút để trả lời mỗi câu hỏi, có thể thấy được sự quyết tâm, nỗ lực của cả team.”

Cô Trần Thị Lịch, mentor đứng sau sự thành công của đội tuyển FSchool.

Cô Lịch cho biết với vai trò mentor của mình, cô chỉ đưa ra ý tưởng, bước đi, còn phần còn lại do các bạn tự thực hành. Sau khi cô trò cùng bàn bạc, tranh luận, cả team đã thống nhất với ý tưởng sáng tạo nên một ứng dụng đưa ra danh sách các đơn hàng giá tốt, mã giảm giá theo dữ liệu người dùng đã được thu thập mỗi ngày mang tên DealAssist. Đây là ý tưởng không quá mới mẻ nhưng cả team muốn khắc phục những nhược điểm của các ứng dụng, sản phẩm có tính năng tương tự hiện nay. Sau khi nghiên cứu giao diện, môi trường thích hợp để thực hiện hóa ý tưởng, cả team lựa chọn môi trường web và chấp nhận không ít khó khăn. “Các em phải bắt đầu làm quen ngôn ngữ lập trình ASP. NET, ngôn ngữ chưa từng làm quen, cơ sở dữ liệu SQL, rồi tất cả quyết định học đến đâu làm đến đó. Cô trò cũng tranh thủ các buổi trưa trên giảng đường hay trò chuyện video call để bàn bạc gỡ rối các vấn đề. Tuy nhiên, các em học rất nhanh, sau 1 tuần có giao diện demo, tiếp tục thuyết trình sản phẩm và phản biện tốt trước hội đồng, khiến cô hết sức rất bất ngờ và tự hào”, cô Lịch chia sẻ thêm.

Sức mạnh đến từ sự đoàn kết, hiểu rõ thế mạnh của mình

Các chàng trai FSchool mỗi người có một thế mạnh của riêng mình. Trong khi Hưng với vai trò nhóm trưởng nhìn nhận các giải pháp lập trình và cơ sở dữ liệu, Long và Mạnh lại vượt trội ở mặt thuật toán, ngôn ngữ C#, HTML, CSS… Trong bài thi về thuật toán Codefights, dù chỉ có 2 bạn là làm chính nhưng kết quả đúng tuyệt đối, ngang ngửa với những anh năm 2, năm 3 đại học, hơn nữa các team này có thể lên đến 4 người. Mạnh nhận xét: “Vì mỗi thành viên một thế mạnh nên quá trình phân chia công việc không quá khó, chỉ khi ghép nối các phần với nhau thì có đôi chút bất đồng, nhưng nhìn chung vẫn tương đối hiệu quả. Chúng em tự hào rằng cả đội đã cố gắng và hiểu nhau, làm việc tốt với nhau.”

Sự đoàn kết, hiểu rõ thế mạnh của cả team đã được đền đáp xứng đáng. Long nhớ lại thời điểm công bố kết quả vòng 2: “Hơn 4h15 chiều hôm đó, cả nhóm thật sự không rời mắt ra khỏi mail được một phút nào để đợi tin từ ban tổ chức. Đến khi nhận được mail chúc mừng, chúng em đã không giấu được cảm xúc, chạy vòng quanh tầng 4 giảng đường Beta và tìm bằng được cô Lịch để ăn mừng. Từ chỗ tưởng chừng như chỉ là đội lót đường đến từ trường cấp 3, chúng em tiến vào vòng cuối và là 1 trong 14 đội khỏe nhất để cùng tranh tài ngày mùng 9 tới đây với toàn khối FPT Edu, thật sự là rất hạnh phúc.”

Theo cô Lịch, cả đội cần tiếp tục phát huy khả năng làm việc nhóm, bình tĩnh phân chia công việc hợp lý bên cạnh trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn về lập trình. Hơn nữa, các em cần rèn luyện sự tự tin thuyết trình, phản biện trước ban giám khảo. “Do những hạn chế về mặt chuyên môn, ý tưởng sản phẩm của đội có thể chưa được thực hiện hoàn toàn, tính năng chưa tối ưu. Nhưng các em chỉ cần chứng minh với hội đồng sự cố gắng nỗ lực của mình để ban giám khảo nhận ra tiềm năng, hiệu quả của ý tưởng, như vậy cả đội nhất định sẽ thành công”, cô Lịch đưa ra lời khuyên.

FPT Edu Hackathon 2018 là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên của Tổ chức giáo dục FPT (FPT Edu), được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới mức giải thưởng khủng lên tới gần 200 triệu đồng. 

Cuộc thi trải qua 3 vòng gồm: vòng lọc ý tưởng, vòng sơ kết và vòng chung kết. Cuộc thi dành cho các sinh viên, học sinh, học viên của toàn Tổ chức Giáo dục FPT trên 3 miền đất nước.

Để khởi động cho mùa giải đầu tiên, FPT Edu Hackathon 2018 chọn đề bài với cảm hứng từ cuộc Cách mạng CN 4.0; trong đó yêu cầu các đội tham gia phát triển ý tưởng nhằm tạo ra những ứng dụng để đưa Mạng lưới Vạn vật kết nối (IoT) vào trong các lĩnh vực, giúp người dùng có trải nghiệm về sức mạnh công nghệ nâng tầm cuộc sống.

Thu Hiền

 

Ngày đăng: 07/06/2018

Ngày cập nhật: 07/06/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh