“Võ” dạy con làm việc nhà

Ngán ngẩm, thậm chí lo lắng trước việc con thiếu kỹ năng sống trầm trọng từ việc không mảy may biết làm việc nhà, không ít bậc cha mẹ đã nghĩ ra “võ” hiệu quả để lần đầu tiên trong đời các cậu ấm cô chiêu biết cầm chổi quét phòng hay rửa bát sau bữa ăn.

“Càng lớn càng khó dạy! Sinh được 2 cô con gái mà chẳng bằng nhà người ta có một đứa con trai”, chị Hồng Hạnh (Lạc Long Quân – Hà Nội) than thở khi nhắc đến hai cô con gái tuổi teen của mình.

Điều kiện kinh tế gia đình tốt, lại sợ con vất vả khổ cực như mình hồi xưa, nên chị Hạnh miễn trừ toàn bộ việc nhà cho con. “Cái nhà cũng có người giúp việc quét cho, chăn màn chiếu gối ngủ dậy cũng không phải gấp vì sợ con muộn học. Hai đứa cuối cùng chẳng biết làm gì đã đành, nhưng còn lười đến nỗi bỏ quần áo bẩn vào máy thôi cũng không chịu động tay”, chị kể.

1
                 Ngày càng hiếm cảnh con cái cùng chịu làm việc nhà với bố mẹ

Quá mệt với việc nhìn con càng lớn càng vụng, và lo nhất là con có tâm lý ỷ lại, lười lao động, chị bàn với chồng tìm biện pháp mạnh để giải quyết. Chồng chị nghĩ ra được “diệu kế” là cho hai con gái đi homestay nhà bạn bè ở nước ngoài hai tháng hè. Chị và chồng cho mỗi công chúa đi “nghỉ hè” ở một nước, nhờ vả bạn bè “rèn giũa con” chu đáo xong, hai vợ chồng yên tâm chờ thành quả.

“Cũng may bạn bè ở nước ngoài của hai vợ chồng khá nhiều. Thôi thì bố mẹ không dạy được, cho con ra ngoài cho người ta bảo ban.”, chị Hạnh kể. Ban đầu hai công chúa nhà chị háo hức vì được đi chơi, nhưng sau 2 ngày thì thi nhau gọi điện về kể khổ.

Vợ chồng chị đã nhờ bạn bè kiên quyết để bọn trẻ lao động. Ở nhà người lạ, cộng với việc tự xấu hổ khi so mình với bạn cùng tuổi biết tự làm hết mọi việc, hai công chúa nhà chị đã có hai tháng học làm việc nhà cần mẫn và tự giác.

“Trước mình cứ sợ con khổ, nhưng nghĩ lại kỹ năng sống cơ bản mà con không có thì sau này còn khổ nữa. Giờ thì ổn rồi, Tết này có hai con gái giúp bố mẹ được nhờ nhiều.”, chị Hạnh hỉ hả kể.

Cùng cảnh ngộ với chị Hạnh, chị Thanh Nga, một giáo viên ở Nam Định cũng xấu hổ với cậu con trai lười nhác việc nhà của mình. Chị kể, dịp hè năm trước, chị đưa con trai vào Sài Gòn chơi, được một người bạn thân mời về nhà ở mấy ngày.

Trong khi cậu con trai của bạn (dù nhỏ hơn con chị vài tuổi) rất hoạt bát, nhanh nhẹn và chịu khó, thì “quý tử” nhà chị suốt ngày chỉ có ăn, chơi điện tử, vào mạng, ngồi ì trong phòng.

Khi mọi người cùng nấu ăn trong bếp, chị rủ con ra giúp một tay thì nó cũng vùng vằng, lóng ngóng và hầu như không làm được. Chị nhắc nhở con thì nó dằn dỗi, hậm hực trước mặt bạn khiến chị không biết giấu mặt vào đâu vì xấu hổ.

“Nhìn con trai của bạn ngoan ngoãn, tự tin bao nhiêu, con mình lười nhác, ù lì bấy nhiêu, tôi vừa thèm thuồng, vừa tự trách mình đã quá dễ dãi, vô tâm trong việc dạy dỗ con”, chị Nga tâm sự. Sau lần ấy, chị quyết tâm dạy con làm việc nhà nhưng cháu tỏ ra bất hợp tác, thậm chí cãi lại làm mẹ đau lòng.

“Có lần, nó còn lớn tiếng, hỏi lại tôi vì sao mẹ lại bắt con làm việc của người giúp việc khiến tôi giận dữ tủi thân phát khóc, sau lại lo lắng vì kỹ năng việc nhà thật ra là kỹ năng sống cơ bản. Sau này làm sao cháu đi du học được như mong muốn, dù ngoại ngữ có giỏi tới đâu mà cái bát không biết rửa, cái nhà không biết quét, chăn màn không biết gập! Năm nay lên lớp 10, tôi đang thuyết phục cháu đi học nội trú để con được dạy kỹ năng sống tự lập”, người mẹ tâm sự.

2
                Học sinh nội trú nấu nướng trong hoạt động ngoại khoá tại trường

Cùng tâm lý muốn con sống độc lập, biết yêu thương cha mẹ từ những việc nhỏ, chị Phạm Thị Túy (Kim Mã, Hà Nội) đã rất thành công sau khi quyết định cho cậu con trai 15 tuổi vào học tại một trường cấp 3 nội trú ở Hà Nội.

Chị bật mí, từ một cậu trai tuổi teen khá kiệm lời trong giao tiếp và hầu như không phải động tay làm việc nhà, con trai chị đã có những tiến bộ bất ngờ sau nửa năm học nội trú tại trường cấp 3 FPT.

Trong tiếng cười, người mẹ kể về con đầy trìu mến: “Cháu biết để ý, giúp đỡ mẹ nhiều hơn trong việc nhà, việc bếp núc, cũng như ngăn nắp, gọn gàng hơn. Có lần, tôi bật cười vì cháu khoe với mẹ công thức nấu món mì xào, và hăng hái vào bếp “trổ tài” xào mì, ăn rất hợp khẩu vị. Bên cạnh đó, cháu cũng biết tự chăm sóc bản thân nhiều hơn trong việc ăn uống, rèn luyện cơ thể…”.

3
Nhiều kỹ năng nấu nướng cơ bản các học sinh học qua lần nấu nướng cùng nhau

Chị Túy chia sẻ, chị thực sự vui vì thấy con lớn lên từng ngày, đúng như kì vọng ban đầu khi quyết định cho con vào học ở FPT.

Mỗi bậc cha mẹ đều có phương thức riêng trong việc dạy con trưởng thành. Quét nhà, rửa bát, giặt quần áo, gập chăn màn hay nấu nướng chỉ là vài trong vô vàn những kỹ năng sống cần thiết mà mỗi thiếu niên cần được phụ huynh giúp đỡ trang bị. “Cấp 2 thì rèn ở nhà, cấp 3 nội trú, sau là đi Tây” là bí kíp đang được rỉ tai của các bậc cha mẹ hiện đại.

(Theo báo Dân trí)

 

Ngày đăng: 19/01/2015

Ngày cập nhật: 19/01/2015

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

Quán Quân Well-being AVC24 Trần Thy Khuyên – học sinh trường THPT FPT Hà Nội: “Tự nhận mình không giỏi xuất chúng nên phải rất chăm”
Khám phá sắc màu văn hóa đa quốc gia ngay tại lớp học tiếng anh cùng học sinh trường THPT FPT Hà Nội
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội trổ tài khéo tay làm tranh sáng tạo từ thiên nhiên
Bùng nổ các màn trình diễn tại vòng sơ loại cơ sở cuộc thi Khơi nguồn Võ Việt 2024
Trường THPT FPT Hà Nội trang bị cho học sinh kiến thức an toàn trên không gian mạng 
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội gặp gỡ, giao lưu với học sinh trường THPT DaiDo Nhật Bản
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội tự tin giao lưu với học sinh Đài Loan qua dự án “Lớp học xuyên biên giới”
Học sinh trường THPT FPT Hà Nội phát triển kỹ năng và tư duy qua hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
Trường THPT FPT Hà Nội chào đón đại diện trường Shibaura Institute of Technology đến thăm và giao lưu
100 học sinh trường THPT FPT Hà Nội quyết tâm chinh phục kỳ thi thử SAT 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh