Vỡ oà cảm xúc khi nghe kể chuyện Bác Hồ
Nhân 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2014), thầy và trò FSchool đã bắt đầu buổi sinh hoạt đầu tuần với những câu chuyện về Hồ chủ tịch. Cuộc đời, sự nghiệp và phong thái giản dị của vị cha già dân tộc được kể bằng những câu chuyện nhỏ sinh động làm nhiều học sinh háo hức.
Nhóm Họa Mi khởi đầu giờ chào cờ đặc biệt với ca khúc “Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh” – bài hát đi cùng năm tháng của thế hệ cha anh. Đây cũng là lần đầu tiên, học sinh FSchool được nghe những giai điệu này:
“Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ đời đời
Bao nhiêu năm sống trong nguy nan điêu linh
Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ đời đời
Một lòng vì dân Người đấu tranh không ngừng”.
Lời ca hào hùng vang dậy trong hội trường ngay sau lễ chào cờ trang nghiêm gợi cho thầy và trò FSchool nhớ về Bác Hồ – Vị cha già dân tộc trong ngày sinh của Người.

Lần đầu tiên trong hội trường tầng 4, thầy và trò FSchool hòa giọng trong một bài hát mang giai điệu hào hùng, lịch sử.
Bài ca về Bác như sợi chỉ xuyên suốt những câu chuyện của thầy và trò FSchool. Buổi trò chuyện đầu tuần của thầy Nguyễn Thành Nam và bạn Đoàn Thị Hà Thu lớp 10E bắt đầu với những câu chuyện giản dị. Sau những giờ phút lắng đọng của buổi lễ chào cờ đặc biệt, Thầy Nam hỏi Hà Thu: “Ở trong gia đình em, ai là người giống Bác Hồ nhất? Vì sao?”
Cô gái nhỏ Hà Thu suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Bố em là người giống Bác Hồ nhất“. Hà Thu kể về người cha của mình rất đỗi tự hào: “Bố em 53 tuổi và làm nghề bán hàng. Mỗi lần có dịp vào các bản xa thu mua hay bán hàng, dù hàng có nặng thế nào bố cũng luôn cố mang theo một cái túi nhỏ, trong ấy đựng đầy kẹo để cho trẻ em ở các bản nghèo. Bố thường nói với em rằng, những em bé ở đó thiệt thòi và không được đủ đầy như chúng em ở ngoài thị xã. Các em rất thích kẹo. Em đã nghe câu chuyện về Bác Hồ cũng thường mang kẹo đến cho trẻ em khi có dịp đến thăm nhà trẻ. Em thấy bố em rất giống Bác.“
Câu chuyện của Hà Thu làm cả hội trường vỡ òa, thầy Thành Nam chia sẻ: “Chỉ một hành động nhỏ là phát kẹo cho trẻ em nghèo với tất cả tình cảm của mình, bố của bạn Thu đã cho các em cảm giác rất gần gũi, yêu quý và ngay lập tức liên tưởng đến Bác Hồ. Bài học ở đây là, khi gặp bất cứ ai, làm bất cứ điều gì các em cũng cần tìm hiểu xem cuộc sống của người ta ra sao, người ta cần gì để ứng xử hay quan tâm cho phù hợp.“
Thầy Nam cũng chia sẻ thêm những câu chuyện khi đoàn thanh niên FPT có dịp đến thăm Trường Sa, mọi người đã phải nghiên cứu rất lâu xem các chú bộ đội ở đó cần gì, “Theo các em, các chú bộ đội ở Trường Sa cần gì?” – Thầy Nam đột ngột hỏi: “Nước ngọt ạ“, “Ipad ạ” – học sinh FSchool hào hứng.
“Chúng ta mang cho các đồng chí ấy nhiều tranh ảnh, báo chí và dụng cụ thể thao. Ở đó chẳng có mạng để mà dùng iPad, cũng không chờ chúng ta mang nước ngọt ra được đâu, bốn bề là biển, buồn thì báo chí là cần thiết! – Thầy Nam thẳng thắn, học sinh FSchool ồ lên như vỡ ra nhiều điều.
Quay trở lại với câu chuyện về Bác Hồ, Hà Thu hỏi thầy Nam: “Nếu không phải là em bé mà là một chính khách, Bác sẽ tặng gì hả thầy?“
Câu hỏi đột ngột có vẻ làm khó thầy Thành Nam. Thay vì trả lời, thầy Nam kể cho học sinh FSchool nghe hai câu chuyện. Đầu tiên là câu chuyện về những ngày Hà Nội bị ném bom, một giáo sư người Pháp yêu chuộng hòa bình đã muốn đứng ra làm trung gian thuyết phục Mỹ và Việt nam đàm phán hòa bình kết thúc chiến tranh nên tới gặp Bác. Lần đầu tiên tới thăm, Bác đón ông với một chai rượu vang đặc trưng của vùng quê ngài giáo sư đáng kính, và nhỏ nhẹ: “Hãy uống rượu vang trước khi nói chuyện chính trị.“
Vị giáo sư đã rất ngạc nhiên, vì sao Bác biết ông đến từ vùng đất ấy?; trong thời kỳ khói lửa, sao Bác và những người Việt lại bộc lộ khí chất ôn hòa?; hơn hết, Người lấy đâu ra rượu trong giai đoạn ấy? Những câu chuyện của họ liên tục xoay quanh những vùng đất Bác đã đi qua. Nước Mỹ và đề tài chiến tranh không hề được nhắc tới. Trong những lần tiếp xúc sau này, vị giáo sư mang thắc mắc của mình hỏi Bác, Người chỉ hồn hậu trả lời: “Người Việt Nam chúng tôi ai cũng sẽ có rượu vang khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam“.
Câu chuyện thứ 2 là về lần Bác tiếp một tù binh Mỹ bị bắt. Việc đầu tiên Bác làm khi gặp người tù nhân bên kia chiến tuyến là chuẩn bị cho anh một bữa bò bít tết. Sau này, trong hồi ký của mình, anh viết: “Tôi không thể nào quên được Ông Hồ với món bít tết ăn tại chiến khu năm ấy. Nhìn Ông tôi có cảm giác gần gũi như người cha của mình tại quê nhà“.
Thầy Nam kết thúc câu chuyện của mình bằng kết luận ngắn: “Với chính khách, giáo sư hay tù binh bị bắt, điều mà Bác luôn mang lại cho họ là sự gần gũi. Gần gũi về tình cảm, mang cho họ một góc quê hương ngay tại Việt Nam. Bác thuyết phục kẻ thù hay bạn bè bằng sự thấu hiểu và gần gũi ấy. Chính vì thế, thế hệ của thầy khi ra nước ngoài, khi nghe đến hai tiếng Việt Nam, nhiều người bạn đã đến và ôm chầm lấy thể hiện một tình yêu và sự kính trọng rõ rệt. Ở thế hệ các em, thầy chỉ hi vọng các em có thể suy nghĩ từ những câu chuyện nhỏ với bạn bè, thầy cô, tạo nên sự tin cậy lẫn nhau. Hành xử tốt, chúng ta sẽ có những người bạn tốt“.
Kết thúc buổi trò chuyện Thứ Hai đầu tuần, thầy Nam và các bạn học sinh hát vang bài ca về Bác như một cách tưởng nhớ đến Vị cha già dân tộc. Thông qua hoạt động ý nghĩa này, học sinh FSchool thêm một lần nữa được hiểu, được nghe và có thêm cho mình những bài học, cũng như nuôi dưỡng trong mình những cảm xúc mến thương, tự hào qua các câu chuyện giản dị mà nhiều ý nghĩa về Bác Hồ.
Thu Quyên
Chuyên mục: Tin tức
Ngày đăng: 20/05/2014
Ngày cập nhật: 20/05/2014
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2025 - 2026