Bố mẹ đã thay đổi thế nào từ khi tôi học nội trú?

Từ một người lo sợ con mình không thể thích nghi với môi trường nội trú, bố mẹ tôi đã hoàn toàn yên tâm về con nhờ những biến chuyển đáng kinh ngạc chẳng ai ngờ tới.

Cho con học nội trú là quyết định không phải bố mẹ nào cũng đủ can đảm để đưa ra. Người làm cha mẹ luôn muốn che chở con dưới đôi cánh của mình, mang lại cho con những điều tốt nhất. Do đó, đẩy chúng vào vòng tay người khác – các giáo viên quản nhiệm chưa hề quen biết từ trước – là một lựa chọn  rất khó khăn. Tuy vậy, “ngọc không mài không thành đồ vật”, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, con cái sẽ trưởng thành nếu được tiếp xúc với một “xã hội thu nhỏ” như môi trường nội trú, chuẩn bị hành trang cho quãng đời rộng mở cần khám phá.

Đối với gia đình tôi, tôi luôn là đứa trẻ bé bỏng cần được bao bọc. Tính cách không hướng ngoại, tôi ít khi tham gia hoạt động hay bắt chuyện làm thân với người khác, ra ngoài thường xuyên dựa dẫm vào bố mẹ. Cả nhà sợ rời xa tổ ấm con sẽ chẳng thể thích ứng, ăn không ngon, ngủ không yên, gặp chuyện bất ngờ chẳng giải quyết được. Tuy vậy, mong muốn con tự lập để trưởng thành hơn, bố mẹ tôi đã “chọn mặt gửi vàng”, đưa con vào THPT FPT dù trong lòng âu lo chưa dứt. Ngay cả ngày đi thi, bố mẹ cũng muốn vào tận phòng hỗ trợ, dặn dò tôi. Nhiều lời nhắc nhở được lặp đi lặp lại mãi không chán.

Những ngày tháng đầu xa con có lẽ là thời điểm gia đình tôi lo lắng nhất. Buổi nhập trường, cả bố lẫn mẹ cùng đưa tôi đến, giúp tôi sắp xếp từ những thứ nhỏ nhặt. Suốt tuần ấy, hôm nào tin nhắn cũng tới liên tục, tràn ngập bởi lời hỏi han: “Hôm nay con ăn gì?”, “Ở trường ngủ có ngon không?”, “Cô mới, bạn mới thế nào, có ai xích mích gì không?”,… 

Cuộc sống xa gia đình mới đầu khiến bố mẹ lo lắng

Dần dần, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Bố mẹ nhìn thấy ở tôi bóng dáng một đứa con đã lớn. Những viễn cảnh họ hằng lo ngại ít có cơ hội xảy ra. Trường THPT FPT đã dạy tôi cách tự lập, cách dọn dẹp, giặt giũ mà thường ngày được gia đình làm hết. Bỡ ngỡ phút ban đầu cũng được xóa bỏ bởi hai tuần định hướng đặc biệt chỉ diễn ra ở Fschool và sự kiện Going Merry gắn kết khóa mới. Các tin nhắn hỏi thăm, lo lắng giảm đi trông thấy, bố mẹ tôi yên tâm dành nhiều tinh lực hơn cho công việc. 

Hết học kỳ I năm lớp 10, kết quả nhận lại khiến gia đình tôi ngày càng hài lòng về quyết định ban đầu. Ở THPT FPT, kết quả học tập của tôi chẳng hề giảm sút như một số người rỉ tai bố mẹ lúc chưa vào trường. Ngược lại, gặp được nhiều anh chị, nhiều bạn giỏi hơn mình còn là động lực để tôi phấn đấu, không để bản thân tụt lại phía sau. Bên cạnh học tập, nỗi lo về giao tiếp xã hội của cha mẹ tôi cũng được hóa giải. Hằng hà sa số câu lạc bộ ở trường đủ mọi khía cạnh để tôi phát triển và thể hiện bản thân, làm bố mẹ rất hạnh phúc vì con đã vượt lên được chính mình, phá bỏ sự e ngại ngày xưa, hơn cả mong đợi ban đầu.

Sự kiện Going Merry gắn kết khóa mới

Đến mùa dịch Covid-19, cả nhà được chung sống dài ngày sau nhiều tháng trên trường. Trái với những mâu thuẫn đôi khi xuất hiện lúc trước, đi học nội trú không làm “xa mặt cách lòng” mà có lẽ còn gắn kết gia đình tôi hơn bởi nỗi nhớ ngày càng sâu đậm chuyển thành niềm vui sướng hân hoan đủ để lấn át những cảm xúc tiêu cực. Không chỉ thế, bố mẹ tôi còn thấy rằng con đã trưởng thành, đã có thể tự chăm sóc bản thân, bố mẹ chẳng cần nhọc lòng như trước. Sự tự hào ấy dường như cũng lây sang cả tôi.

Thời gian học ở trường THPT FPT, đã có lúc tôi thấy rối bời vì những câu chuyện của tuổi mới lớn. Không chỉ vậy, cân bằng giữa học tập, hoạt động và bạn bè cũng là một thử thách chẳng nhỏ chút nào. Khi ấy, khoảng cách mới, vấn đề mới đã khiến bố mẹ tôi phải thay đổi cách giáo dục. Giải pháp ngày cấp hai không còn phù hợp nữa. Giờ đây, bố mẹ là những người tư vấn từ xa, truyền cho con lời khuyên, kinh nghiệm qua dòng tin nhắn và vài hôm gặp mặt ngắn ngủi. Khoảng cách còn giúp vấn đề chạm đến tay bố mẹ thực sự quan trọng, đã qua suy xét kỹ lưỡng chứ không phải chuyện cỏn con một chút khó khăn đã cần giúp đỡ.

Hiện tại, đã gần một năm bố mẹ đưa tôi vào môi trường nội trú. Nhìn lại những âu lo khi xưa của gia đình, tôi nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt. Bố mẹ không còn quá bận tâm đến cuộc sống sinh hoạt trên trường của tôi nữa mà chỉ hỏi thăm mỗi cuối tuần về nhà, dành thời gian cho những công việc quan trọng. Bố mẹ cũng tin tưởng để tôi làm những điều mình thích, tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bản thân, không gò bó tôi theo con đường đã vạch sẵn nào cả.

Nếu được hỏi tại sao lại như vậy, tôi cho rằng chính sự trưởng thành của mình là nguyên nhân chủ yếu khiến bố mẹ cảm thấy yên tâm và sẵn sàng nới lỏng vòng tay. Sự trưởng thành ấy xuất phát từ những trải nghiệm ở môi trường nội trú, nơi tôi được nếm trải cảm giác bước đi trên đôi chân của chính mình, tự vấp ngã, tự đứng lên mà không phụ thuộc vào cánh chim của mẹ cha; nơi tôi được dành thời gian tìm hiểu và phát triển bản thân với những người bạn đồng hành đáng để học tập.

Những người bạn đồng hành ở môi trường nội trú

Có thể nói, môi trường nội trú không chỉ dạy con cách học, cách sống mà còn mang lại nhiều bài học đắt giá cho bố mẹ, “dạy” bố mẹ cách giáo dục con từ xa, cách đặt niềm tin và trao cho con cơ hội vấp ngã, cơ hội trưởng thành. Những bài học kinh nghiệm ấy sẽ giúp bố mẹ nuôi dạy con tốt hơn, đặt cho con nền móng vững chắc để chín chắn vào đời.

Bài: Vũ Linh Nga – học sinh 10A1

Tin liên quan
24h hoá thân thành chiến binh nhà F của teen 2005
Có phải cho con học nội trú từ 15 tuổi là sai lầm?

 

Ngày đăng: 20/06/2020

Ngày cập nhật: 01/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh