Đừng rầu rĩ khi điểm thi không như ý?

Click vào đây để xem clip!

Các FSchoolers thân mến, vậy là kỳ thi giữa kỳ đã trôi qua hơn 1 tuần rồi. Chắn hẳn bên cạnh những bạn rất vui vẻ hài lòng với kết quả thi của mình thì cũng có những bạn còn muộn phiền vì vẫn chưa đạt được điểm số như mục tiêu mình đã đề ra. Điều đó gây ra cho bạn những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Vậy, làm thế nào để vượt qua những cảm xúc đó? Dưới đây là 3 gợi ý vô cùng đơn giản mà bức thư chiều thứ 6 mang đến cho bạn. Cùng theo dõi nhé!

1. Chấp nhận mọi điểm số

Đừng quá khắt khe với bản thân. Điểm số chẳng như mong đợi không phải là thảm họa, một điểm số đâu thể nói lên toàn bộ năng lực học tập của mình phải không? Ngay chính sự lo lắng cũng đã chứng minh cậu có động lực để làm tốt hơn và yêu cầu cao ở bản thân rồi.

Giải phóng cảm xúc của mình. Các cậu có thể cảm thấy lo lắng, nản lòng, thậm chí là hoang mang, bực bội thì cũng không sao, cứ trút hết ra đi. Sự kìm nén cảm xúc sẽ chỉ khiến chúng ta thêm buồn hơn và những cảm xúc đó sẽ ở lại bên mình lâu hơn mà thôi. Viết ra cảm xúc của bản thân, trò chuyện với người mà cậu tin tưởng, tham gia một trận đấu boxing…. Có thể cải thiện tâm trạng của cậu lắm đấy.

Ngưng nghĩ về nó. Nếu cứ nghiền ngẫm mãi về điểm số trong trạng thái xúc động mạnh, các cậu sẽ chỉ khiến cho tình hình càng tệ đi mà thôi. Hãy làm bản thân xao nhãng đi bằng cách tham gia vào các hoạt động, công việc khác nhé
Ví dụ: Đi xem ngay Friend zone đang hot ngoài rạp, trò chuyện với đám bạn thân, chạy bộ, nghe nhạc… hoặc làm bất kỳ điều gì mà cậu thấy vui là những cách rất hiệu quả để giảm căng thẳng.

2. Phát hiện lỗi sai

Tìm các dạng lỗi. Tìm quy luật trong các lỗi sai là một cách hay để các cậu tự khoanh vùng và khắc phục những lĩnh vực có vấn đề của mình.

  • Nếu điểm thấp là do môn mình học không tốt, hổng kiến thức thì ngay lập tức cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho môn học đó.
  • Nếu các cậu có bỏ sót một nhóm câu hỏi liên quan đến bài kiểm tra, hãy cố gắng phân loại và tìm ra những phần nào mà các cậu nên học chú tâm hơn.
  • Mặc dù đã ôn rất kỹ nhưng không hiểu sao đến lúc thi lại căng thẳng, không nhớ được kiến thức. Nguyên nhân là do khả năng kiểm soát tâm lý chưa tốt. Nếu chuyện này chỉ lặp lại 1 lần thì không sao, các cậu hoàn toàn có thể tìm cách khắc phục nó bằng cách luyện tập hít thở sâu trước khi bắt đầu làm bài. Nhưng nếu đây là câu chuyện đã lặp đi lặp lại nhiều lần và gây nhiều trở ngại tới việc học tập thì đừng ngần ngại xuống ngay phòng 106 gặp các chuyên gia để được trợ giúp kịp thời nhé.

Hỏi giáo viên để biết thông tin chi tiết. Hơn ai hết, thầy cô giáo biết những điểm mạnh và điểm yếu trong môn học của các cậu, vì vậy đừng ngần ngại khi nhờ thầy cô giúp đỡ.  Thay vì hỏi: “Tại sao em lại bị điểm kém ạ?” thì các cậu hãy hỏi: “Em cần thay đổi điều gì trong câu trả lời để có thể đạt điểm cao hơn ạ?”

Tìm lời khuyên từ các bạn học. Hỏi những bạn học khác xem họ có sẵn lòng cho các cậu biết điểm của họ không. Nếu họ cũng nhận được số điểm như các cậu, có lẽ vấn đề là ở nội dung bài thi, không phải ở cậu. Nếu điểm của họ cao hơn các cậu hãy hỏi xem phương pháp nào đã giúp họ đạt được điểm cao.

3. Lập cho mình một kế hoạch học tập hiệu quả

Đặt mục tiêu cải thiện điểm số. Một khi đã nhận ra những lĩnh vực cần cải thiện, cậu có thể tiến hành các bước để làm được điều này. Thực hiện một số thay đổi cần thiết trong cuộc sống:

  • Lập kế hoạch học tập và hàng ngày bám sát vào đó. Một thời khóa biểu học tập khoa học có thể giúp các cậu sắp xếp thời gian hiệu quả hơn và học tập tốt hơn đấy
  • Ngủ đúng và đủ giấc. Thời gian ngủ có tác động đáng kể đến tâm trạng, khả năng tiếp thu và ghi nhớ thông tin của cậu đấy.
  • Không trì hoãn.
  • Loại bỏ mọi yếu tố gây phân tâm. Ưu tiên những thứ quan trọng nhất.

Tìm kiếm các cơ hội được cộng điểm để bù cho số điểm bị mất. Thường thì các thầy cô rất muốn thấy các cậu nỗ lực trong học tập. Vì vậy hãy hỏi xem mình có thể cải thiện điểm số qua các bài tập làm thêm không. Cho dù không thể thay đổi điểm số thì cậu vẫn có thể kéo điểm tổng lên bằng cách này mà.

Chú ý đến những nguồn hỗ trợ mà cậu có thể tiếp cận. Các trung tâm dạy kèm, giờ phụ đạo ở trường và các nhóm học tập luôn có thể giúp cậu thành công. Cân nhắc điều chỉnh thói quen học tập của cậu bằng cách kết hợp một số nguồn hỗ trợ trên vào lịch học tập.

Tiếp tục cố gắng. Mặc dù không thể thay đổi điểm số đã có nhưng các cậu có thể thực hiện các bước cần thiết để cải thiện kết quả. Hãy xem đó là một kinh nghiệm để học tập. Suy cho cùng điểm số không thể nói hết được thái độ học tập hay năng lực của cậu như thế nào nhưng quá trình nỗ lực để đạt được kết quả làm các cậu hài lòng sẽ giúp các cậu học hỏi và hoàn thiện bản thân mình hơn đấy.

“Học từ ngày hôm qua, sống ngày hôm nay, hi vọng cho ngày mai. Điều quan trọng nhất là không ngừng đặt câu hỏi” -Albert Einstein-

PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC

Cô Phùng Hiên – Thạc sĩ tư vấn tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên

Liên hệ tư vấn trực tiếp:
Phòng PDP – Phòng 106, tòa nhà Beta

Hoặc qua kênh online:

https://www.facebook.com/phung.hien.18

[email protected]

 

Ngày đăng: 02/04/2019

Ngày cập nhật: 20/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh