Làm gì khi bố mẹ mắng

Em bị bố đối xử thiên vị, động cái là chửi bới làm em tức. Nhiều lúc chửi đến cả lòng tự trọng của em. Bố không coi em ra gì cả khiến em cảm thấy rất áp lực và mệt mỏi. Nhiều đêm thầm khóc. Đôi lúc muốn chia sẻ với mẹ nhưng lần nào bắt đầu kể là bị ăn chửi nên lại thôi, nhiều lúc suy nghĩ em rất đau đầu. Em phải làm gì đây cô?

 

Em thân mến,
Em đang cảm thấy buồn, tổn thương, áp lực và mệt mỏi… khi bố dường như chưa đối xử công bằng, hay bày tỏ cảm xúc tức giận với em, còn mẹ cũng chưa thực sự hiểu, sẻ chia cùng em. Những cảm xúc này hẳn đã làm em khó chịu thật nhiều!

Em biết không, bất kỳ ai khi trải nghiệm tình huống và cảm xúc như em đang có cũng thấy không dễ dàng gì! Cô ước là bố mẹ em sẽ đọc được bức thư này, hiểu được những cảm nhận em đang có và sẽ ứng xử khiến em cảm thấy công bằng hơn, hiểu và sẻ chia cùng em nhiều hơn như em hằng mong đợi!

Chúng ta có quyền được đối xử công bằng, tôn trọng, được sống trong tình yêu thương, bao bọc của những người thân yêu. Hơn ai hết, em cũng có những quyền như vậy. Thật không công bằng khi nói em chấp nhận những cảm xúc hiện tại, cố hiểu hoàn cảnh thực tế. Nhưng sự thật là trong cuộc sống này, có những lúc chúng ta cũng cần nhìn mọi thứ nhiều chiều để có thể tự chữa lành vết thương cho mình và xây dựng mối quan hệ theo chiều hướng tốt đẹp hơn!

Em biết không, đôi khi đằng sau sự tức giận lại ẩn chứa những nỗi thất vọng và sự tổn thương. Là một người đàn ông, một người bố, có thể bố em ngại nói ra những vấn đề ông đang phải đối mặt. Thay vào đó, bố thể hiện cảm xúc của mình thông qua một phản ứng ngược khác đó là sự tức giận. Tương tự, em có nghĩ rằng mẹ cũng đang đắn đo chuyện của riêng mình?


Không có lý do gì để lý giải cho những phản ứng tiêu cực hoàn hảo cả. Nhưng tình yêu thương sẽ giúp chúng ta học cách hiểu, cảm thông cho nhau. Nếu em biết rằng, đằng sau những cảm xúc tiêu cực bố có và bộc lộ với em là một gánh nặng tinh thần khi bố đang một mình bươn chải; đằng sau những lời nói nặng của mẹ là sự lo lắng cho tương lai và cuộc sống của con mình, hẳn em sẽ thấy có thể cảm thông hơn?! Em sẽ thấy bớt tổn thương hơn?!

Đúng là khi người mình thương yêu nặng lời và không lắng nghe chúng ta, ta sẽ cảm thấy thật buồn. Khi những nỗi buồn tích tụ và không được giải quyết thỏa đáng, ta sẽ lại khiến những người xung quanh bị tổn thương. Nhưng sẽ càng buồn hơn nếu như không có một người đủ dũng cảm đứng ra để chấm dứt sự căng thẳng trong gia đình. Nếu có cách để chấm dứt nó, em có phải là người đầu tiên sẵn sàng thử?

Vì con người khó từ chối nổi một tấm lòng chân thành, chính vì thế em cứ kiên trì và bình tĩnh ngồi lại nói chuyện cùng bố mẹ. Nếu cần, em có thể nói chuyện với từng người. Như bất kỳ cuộc trò chuyện nào, em có thể bắt đầu từ cảm xúc của chính mình và đừng quên bày tỏ với bố mẹ rằng em yêu thương họ đến thế nào.

Bố mẹ đang cố gắng để hiểu được em, em có thể giúp họ bằng cách nói trực tiếp để họ biết em thực sự muốn gì và cảm thấy thế nào mỗi khi bố mẹ nặng lời với em. Zig Ziglar đã nói: “Yếu tố chủ đạo của giao tiếp trong gia đình là lắng nghe, thực sự lắng nghe.” Chính vì thế, em có thể xem đây là cơ hội để bố mẹ lắng nghe em và em lắng nghe bố mẹ.

Nếu có thể mang một tâm thế cởi mở và đặt mình vào vị trí của bố mẹ, em sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị về bản thân cũng như về gia đình mình. Trước đây, có một bạn nam đã từng chia sẻ với cô, mặc dù ban đầu bạn ấy có chút ngại ngùng khi nói chuyện với bố mẹ. Nhưng bạn ấy vẫn cố gắng và nhận ra giữa bố mẹ và bạn ấy có nhiều sự tương đồng. Đến giờ thì bạn đã không còn căng thẳng với bố mẹ mình nữa.

Cuối cùng, dù cho kết quả của cuộc nói chuyện có thế nào thì bước đầu tiên mọi người trong gia đình đã đang học được cách điều chỉnh trong giao tiếp với nhau rồi, phải không em? “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc!” Đó là chân lý và cô tin em đủ cảm thông, đủ yêu thương để hiểu, cảm nhận và góp phần duy trì chân lý ấy!
Hãy can đảm lên nhé cô gái!

 

Ngày đăng: 24/12/2019

Ngày cập nhật: 24/12/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh