BẬT MÍ 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG LÒNG BIẾT ƠN
Khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta khó mà nhìn thấy được những điều tích cực từ những khó khăn đó. Và một trong những cách để vượt qua khó khăn là hình thành nên thói quen cảm thấy trân trọng, biết ơn những điều ta gặp trong cuộc sống, xem đó là một món quà trải nghiệm. Qua mỗi thử thách chúng ta gặp phải, giúp ta trở thành một phiên bản tốt hơn. Và quan trọng nhất, lòng biết ơn giúp ta cảm nhận trải nghiệm thú vị hơn, đồng thời là cách kết nối dễ dàng hơn với những người xung quanh.
Lòng biết ơn là việc chúng ta nhận thấy, đánh giá cao những khía cạnh tích cực của cuộc sống. Nó bao gồm khả năng đồng cảm và thích thú với những điều nhỏ bé hiện hữu quanh ta. Là khi ta đặt mình ở trạng thái tập trung vào điều gì đó tốt đẹp ở thời điểm hiện tại, có xu hướng đánh giá tích cực các khía cạnh của cuộc sống. Vậy làm thế nào để có thể hình thành lòng biết ơn? Chúng ta hãy cùng nhau tập luyện 5 cách sau nhé:
1. Tạo ra một danh sách biết ơn
Một cách đơn giản để bạn có thể thực hành lòng biết ơn là liệt kê ra những thứ bạn cảm thấy biết ơn. Bạn có thể liệt kê theo các đầu mục như: Gia đình, Sự kiện, con người, hành động, đồ vật, cảm xúc,… Bạn biết không? Bằng việc thực hành lòng biết ơn, bạn có thể làm cho cuộc sống mình trở nên ý nghĩa và kết nối với mọi người xung quanh bền vững hơn. Hãy chia sẻ danh sách trên với người mà bạn tin tưởng và yêu cầu người bạn đó chia sẻ lại để xem kết quả thế nào nhé!
2. Viết một lá thư biết ơn
Nghiên cứu thực hiện bởi Seligman năm 2005 đã chỉ ra rằng, những người viết thư đến người khác để thể hiện lòng biết ơn, sẽ có được cảm giác hạnh phúc và giảm khả năng mắc trầm cảm. Hãy nghĩ về người đã tác động tích cực và thay đổi bạn như thế nào. Đồng thời bày tỏ tấm lòng, ý nghĩa của người đó đối với bạn. Nó như là dạng bài tập bày tỏ cảm xúc, sự công nhận của bạn về người đó. Mách nhỏ với bạn rằng, gửi thư qua email hay tặng 1 chiếc thiệp nhỏ xinh qua tin nhắn trên các mạng xã hội cũng là ý tưởng không tồi đấy ^^
Nếu bạn thấy khó để viết thư thì hãy sử dụng giấy note để viết về điều mà bạn cảm thấy trân trọng, biết ơn về người ấy, đơn giản 1 hoặc 2 điều mà bạn yêu thích ở họ. Ví dụ: “Cảm ơn mẹ đã chuẩn bị bữa sáng cho con.” “Nước uống cậu đưa tớ rất ngon đấy. Thanks <3″… Sau đó hãy dán vào một chỗ mà người ấy có thể dễ nhìn thấy như: tủ, bàn, cặp, quyển sách…
3. Viết nhật ký biết ơn
Thực hiện ít nhất 5 phút mỗi ngày và xem nó như là một bài tập tinh thần. Nếu cảm thấy bí ý tưởng với việc viết về những điều mình cảm thấy biết ơn. Vậy gợi ý dành cho bạn là hãy bắt đầu bằng cách sử dụng bảng chữ cái.
Chẳng hạn bắt đầu bằng chữ A, bạn biết ơn vì cảm thấy “An toàn khi chia sẻ được bí mật của mình với cô bạn thân”; B, bạn biết ơn vì “Bạn thân của bạn lắng nghe mà không phán xét”. Còn chữ C thì sao? Bạn cảm thấy biết ơn vì gì nào? Hoặc bạn có thể trả lời cho câu hỏi: Điều tốt đẹp nào mà bạn đã được nhận từ những người xung quanh?
4. Viết ra 3 điều tốt nhất
Hãy viết ra 3 điều tốt nhất đã diễn ra với bạn mỗi ngày trong tuần. Và đến cuối tuần, bạn hãy nhìn lại danh sách những điều biết ơn để thấy trân trọng nhiều hơn những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
5. Lựa chọn suy nghĩ về một số điều trước khi ngủ
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người tập trung vào những điều tích cực và điều mà họ cảm thấy biết ơn sẽ có giấc ngủ tốt hơn so với người suy nghĩ về những điều tiêu cực. Vì vậy hãy chủ động với những suy nghĩ của mình trước khi đi ngủ. Chẳng hạn suy nghĩ về điều mà bạn luôn cảm thấy biết ơn.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra được lợi ích về thể chất và tinh thần của lòng biết ơn. Thực hành lòng biết ơn nhất quán có thể thay đổi cuộc sống của bạn và cải thiện sức khỏe tinh thần của chính bạn. Sắp đến ngày Lễ tạ ơn rồi, Viết một bức thư hay một lời nhắn thể hiện lòng biết ơn với người thân, bạn bè là một ý tưởng không tồi đâu bạn nhé. Còn ngần ngại gì mà không viết ngay lời nhắn gửi tới họ để tri ân, xóa nhòa khoảng cách?
Chuyên mục: Bức thư chiều thứ 6
Ngày đăng: 09/04/2021
Ngày cập nhật: 09/04/2021
Tác giả: Editor
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025