Cha mẹ làm thế nào để dù con không xuất sắc nhưng vẫn thích học, vui thú với việc học và có niềm tin vào bản thân?
“Không phải trẻ nào cũng có kết quả học tập xuất sắc và cũng không có nghĩa trẻ học xuất sắc mới thành công. Điều quan trọng là giúp con vui thích với việc học, có niềm tin vào bản thân và đặc biệt được rèn luyện các yếu tố liên quan đến trí thông minh cảm xúc.”, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ.
Chỉ với một câu hỏi, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam khiến người trẻ và phụ huynh phải “giật mình”: Chúng ta sợ thất bại hay sợ sự xoàng xĩnh?
Lâu nay, vấn đề học tập của con cái vẫn luôn là câu chuyện làm cho các bậc phụ huynh đau đầu nhất. Hiển nhiên rồi, cha mẹ nào chẳng hy vọng các con của mình học hành chăm chỉ, đỗ đạt trường top, kiếm được công việc ổn định trong tương lai. Nhưng thực tế không ít cha mẹ lại buồn phiền vì con không đạt kết quả cao, bỏ bê bài vở, không hoàn thành các nhiệm vụ ở lớp, thậm chí đôi lúc còn bất lực bởi không biết phải làm gì khiến con có động lực học tập.
Để giúp các bậc phụ huynh giảm bớt trăn trở này, mới đây chị Phan Hồ Điệp – bà mẹ được đánh giá rất thành công trong việc giáo dục “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ trên trang cá nhân kinh nghiệm về vấn đề: “Làm gì khi con học chưa tốt ở trường?”
Nguyên văn bài viết của chị Phan Hồ Điệp như sau:
“Nhiều cha mẹ đau khổ vì con không đạt kết quả cao, không hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Con không có động lực học tập. Tin tốt là trẻ em đều có “bản năng” học. Mọi trẻ em đều tò mò về thế giới xung quanh. Vậy làm thế nào để dù con không xuất sắc nhưng thích học, vui thú với việc học. Những điều bạn có thể hỗ trợ con:
1. Lập kế hoạch và theo sát kế hoạch đó:
Hãy cùng con lên kế hoạch về việc đặt thời gian cố định trong ngày để đọc và học. Trong đó bao gồm 3 nguyên tắc:
– Thu thập tất cả các tài liệu ( sách, vở, đồ dùng học tập) trước khi bắt đầu.
– Không nói chuyện và giữ cho không gian thật yên tĩnh.
– Làm xong công việc rồi mới dừng lại.
Viết các nguyên tắc này rồi dán ở bàn học.
Cha mẹ làm thế nào để dù con không xuất sắc nhưng vẫn thích học, vui thú với việc học và có niềm tin vào bản thân? – Ảnh 2.
2. Luôn cổ vũ:
Một số trẻ học kém vì tự ti. Vì thế, hãy tạo ra niềm tin cho con về khả năng của bản thân. Khuyến khích con những nỗ lực dù nhỏ nhất. Tìm ra điểm mạnh của con. Thể hiện sự quan tâm đến một ngày ở trường của con. Nghĩ cách để việc học của con trở nên thú vị. Tránh cho con lý do để bào chữa dù có thể bạn biết chắc như vậy. Ví dụ đừng nói: Một số người không thể học tốt môn Toán. Khuyến khích con nói ra các khó khăn trong học tập của mình. Chia nhỏ các nhiệm vụ để con dễ thực hiện.
3. Gắn học với hành:
Hãy cố gắng liên hệ những bài học của con với thực tế. Ví dụ giúp con học phân số khi làm bữa ăn, hiểu các phép tính về thời gian nhờ thực hiện hoạt động, yêu cầu giúp đỡ khi bạn cần tính tiền chi tiêu dựa trên các hóa đơn, nhờ con ghi chép và nhắc nhở các danh sách mua sắm.
4. Tạo không gian cho việc học:
Hãy biến ngôi nhà của bạn thành “lâu đài” tri thức bằng cách: Để sách, báo, tạp chí ở nơi dễ lấy. Hãy chắc chắn rằng con có một chỗ để học, nơi có ánh sáng tốt, yên tĩnh và là nơi bạn có thể đứng đủ gần để trả lời những câu hỏi của con. Con sẽ hứng thú với việc học hơn nếu bạn là tấm gương về việc chịu khó đọc, chịu khó học hỏi. Hãy chắc chắn rằng con nhìn thấy bạn đọc sách. Giới hạn giờ xem ti vi của con, khoảng 3 giờ/ tuần ( với trẻ tiểu học).
Cha mẹ làm thế nào để dù con không xuất sắc nhưng vẫn thích học, vui thú với việc học và có niềm tin vào bản thân? – Ảnh 3.
5. Hãy buông tay:
Con cần học cách làm việc độc lập và chịu trách nhiệm. Giả sử con không làm đủ bài tập, hãy yêu cầu con tự giải trình với cô giáo. Khi bạn đã làm rất nhiều cách mà không cải thiện việc học của con, hãy xem con có bị những vấn đề liên quan đến thể chất hoặc hành vi hoặc khuyết tật học tập không. Khi đó, hãy gặp những người có chuyên môn để xin ý kiến. Những dấu hiệu cho thấy con bạn có thể cần hỗ trợ:
– Con khó tập trung vào việc cả ở nhà và ở trường.
– Con có thể làm tốt ở nhiều lĩnh vực (môn học) nhưng có một lĩnh vực (môn học) con rất khó khăn. Ví dụ có thể làm toán tốt nhưng rất khó để đọc.
– Con liên tục gây rối trong lớp học, không hoàn thành công việc được giao.
– Con nói rằng không có bạn nào thích bạn ấy và con dường như không có bạn bè.
– Bạn biết chắc chắn là con có thể làm tốt hơn nhưng con lại luôn chán nản và lười biếng.
– Con nói rằng không thể nhìn rõ bảng.
– Con gặp khó khăn trong việc viết ví dụ con nói cho bạn biết là con muốn viết gì nhưng lại không thể viết được trên giấy.
– Chữ viết của con rất xấu đến nỗi không ai đọc nổi và không có sự cải thiện dù đã luyện tập.
– Mỗi lần làm bài về nhà là một trận chiến.
Cha mẹ làm thế nào để dù con không xuất sắc nhưng vẫn thích học, vui thú với việc học và có niềm tin vào bản thân? – Ảnh 4.
Không phải trẻ nào cũng có kết quả học tập xuất sắc và cũng không có nghĩa trẻ học xuất sắc mới thành công. Điều quan trọng là giúp con vui thích với việc học, có niềm tin vào bản thân và đặc biệt được rèn luyện các yếu tố liên quan đến trí thông minh cảm xúc.Và bạn sẽ thấy, bạn chính là người thầy tốt nhất, đáng yêu nhất của con mình!”
Chuyên mục: Tuổi 15 con cần gì
Ngày đăng: 24/12/2019
Ngày cập nhật: 01/10/2021
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025