Những điều đơn giản để trở thành cha mẹ tốt

Hành trình làm cha mẹ tốt không bao giờ là dễ dàng. Nuôi con đã khó, dạy con còn khó hơn. Nếu một ngày nào đó cha mẹ bỗng nhận ra con cái mình trở nên khó bảo, xa cách thì có nghĩa là cha mẹ đã không đủ gần gũi con để thấu hiểu.

Sau đây là những bí quyết có thể giúp chúng ta trở thành những người cha, người mẹ tốt hơn:

Học cách lắng nghe

Thông thường cha mẹ nghĩ rằng mình chỉ cần nói, còn nghe lời là việc của con. Những mong muốn, quy tắc, yêu cầu của cha mẹ luôn được đưa ra một cách cứng nhắc mà không cần để ý con mình thực sự muốn gì, có đủ khả năng để thực hiện nó hay không.

 Hãy lắng nghe con cái, nghe để hiểu, để đồng cảm và để làm một người bạn tâm tình, đồng hành cùng con.

Dành thời gian cho con

Cuộc sống hiện đại với nhiều nỗi lo toan khiến nhiều cha mẹ không có nhiều thời gian cho con cái. Nếu có thời gian rảnh, nhiều người lại dành nó để lướt mạng. Còn con cái cũng chỉ biết chăm chú xem ti vi, chơi trò chơi điện tử… Công nghệ kết nối mọi người khắp nơi lại gần nhau nhưng lại vô hình đẩy mọi người trong nhà cách xa nhau.

Hãy dành thời gian cho con bất cứ khi nào có thể, đừng phó mặc con cho nhà trường và công nghệ.

Giữ lời hứa

Chúng ta rất dễ dụ con cái làm cái này cái kia bằng một lời hứa. Nhưng đa phần cha mẹ thường hứa để con làm động lực xong rồi để đó rồi cứ khất lần khi con nhắc lại. Đừng làm như vậy, nếu bạn không thể hoặc không muốn làm thì đừng hứa. Vì các con thường nhớ rất lâu. Khi con đã cố gắng để được phần thưởng nhưng rồi bố mẹ lại không thực hiện lời hứa của mình, con sẽ cho rằng bố mẹ nói dối và sau này con sẽ không còn niềm tin vào những lời hứa của cha mẹ nữa.

Luôn công bằng

Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, con cái chúng ta cũng vậy, có con ngoan, con chưa ngoan, con thông minh, con chậm chạp… Nhưng dù có thế nào đi nữa, bố mẹ cũng không nên đem chị em trong nhà ra so sánh rồi thiên vị hay hắt hủi con.

Người lớn luôn nghĩ các con còn nhỏ chưa hiểu biết nhưng thực chất tâm hồn con rất nhạy cảm. Sự đối xử không công bằng sẽ khiến trẻ tự ti, mặc cảm cho rằng mình không được yêu thương. Các con sẽ xa cách bố mẹ, không muốn gần gũi với anh chị em. Tất cả đều ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và quá trình hình thành nhân cách của trẻ sau này.

Không đánh mắng con trước mặt người khác

Nếu con bạn không nghe lời hoặc mắc lỗi, bạn có quyền dạy dỗ nhắc nhở con nhưng đừng đánh mắng con ở chỗ đông người, nhất là trước mặt họ hàng hoặc bạn bè của chúng. Hãy cố gắng nín nhịn, về nhà nhắc lại và chỉ rõ nguyên nhân con không nên làm thế một cách nghiêm khắc. Trẻ nhỏ cũng biết xấu hổ nên nếu bạn cố tình “bôi xấu” con trước mặt người khác, thứ bạn nhận lại sau đó có thể là sự chống đối vì tính hiếu thắng và lì lợm của con.

Đặt bản thân mình vào vị trí của con để hiểu

Sẽ có rất nhiều khi những hành động lời nói của con khiến ta bực mình nhưng cha mẹ hãy bình tĩnh, đừng vội vàng lên án chỉ trích con mà hãy tự đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu. Nếu chúng ta ở tuổi đó, với nhận thức đó, trong tình huống và hoàn cảnh đó liệu chúng ta có hành xử như vậy không?

Đặt mình vào vị trí của người khác là cách tốt nhất để hiểu, cảm thông và tìm ra cách giải quyết tốt nhất thay vì cứ khăng khăng chỉ trích mà chưa chắc mình đã hiểu hết lý do.

Hãy luôn nhớ con chỉ là một đứa trẻ

Con cái dù có thông minh, tài giỏi đến đâu thì chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ, với những mong muốn trẻ thơ và hiểu biết non nớt. Vì vậy, cha mẹ hãy biết cách chiều chuộng những cảm xúc của con một cách đúng mực, đón nhận những lỗi lầm của chúng và nhẹ nhàng chỉ cho chúng cách để không tái diễn những sai lầm tương tự.

Đối với cha mẹ, không có gì quan trọng bằng con, nhưng trong mắt của con, không phải cha mẹ lúc nào cũng tốt. Bởi cha mẹ lúc nào cũng cho mình cái quyền được áp đặt, điều khiển, kỳ vọng vào con và biến mọi thứ ấy trở thành áp lực.

Dù kỳ vọng của cha mẹ về con có lớn thế nào đi nữa cũng đừng quên điều con cái cần nhất vẫn luôn là sự chăm sóc, vỗ về và yêu thương của cha mẹ.

 

Ngày đăng: 06/04/2021

Ngày cập nhật: 01/10/2021

Tác giả: Editor

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh