Đừng khổ vì hội chứng ‘con người ta’

Ngày đăng: 04/10/2019

Ngày cập nhật: 01/10/2021

Ngày đăng: 04/10/2019

Ngày cập nhật: 01/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

TTO – Không ít cha mẹ so sánh con mình với “con người ta” với suy nghĩ lấy tấm gương cụ thể như thế để trẻ có động lực phấn đấu và tiến bộ.

Tuy nhiên, nếu đặt vào vị thế của con, cha mẹ sẽ thấy làm như vậy chỉ khiến trẻ càng thêm tự ái, mặc cảm và “nổi loạn”.

Và nhiều khi không hàm ý so sánh nhưng các bậc cha mẹ vẫn bộc phát nói ra những “tấm gương” ấy!

Con không phải là siêu nhân

Mai Anh, 14 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM tâm sự: “Con sợ nhất là cha mẹ cứ so sánh con với mấy đứa bạn trong nhóm, ức chế nhất là mẹ so con với mấy em nhỏ tuổi hơn của “nhà người ta” rồi bảo con phải học theo, con vừa thấy xấu hổ vừa bực mình. Con rất thất vọng vì trong mắt cha mẹ dù con có cố gắng bao nhiêu cũng không bằng “con người ta”. Nhóm bạn của Mai Anh ai cũng có nỗi niềm như vậy nên hết sức chia sẻ và thông cảm với nhau.

Với Tiến Nam, 12 tuổi (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thì em rất chán khi cha mẹ cứ bắt ép phải học môn tự nhiên như bạn H., phải bơi giỏi như bạn M., đánh đàn piano hay như bạn D…

Có lúc con nổi đóa và trả treo con không phải là siêu nhân, sao cha mẹ cứ bắt ép con phải tài như người này, giỏi như người kia vậy? Con chỉ muốn con là chính con, cha mẹ cảm thấy thất vọng về con thì đưa mấy bạn ấy về mà nuôi” – Nam kể.

Việc cha mẹ thường xuyên so sánh con mình với “con người ta” là cách làm “lợi bất cập hại”, thậm chí rất phản giáo dục khi con mình là đứa trẻ cá tính. Trẻ không những không làm theo điều mong ước của cha mẹ mà còn làm ngược lại để “trêu ngươi”, chống đối. Điều này không tốt cho trẻ trong quá trình hoàn thiện nhân cách bản thân.

Con chỉ là chính con

Mỗi đứa trẻ đều có khả năng, sở trường ở lĩnh vực nhất định và hạn chế ở lĩnh vực trẻ không có hứng thú. Do đó, cha mẹ không nên so sánh con với bạn khác rồi đem ra mỉa mai, chì chiết để tránh cho con bị tổn thương lòng tự trọng. Có rất nhiều trường hợp học sinh bị rối nhiễu tâm lý, stress, khủng hoảng tâm lý vì bị cha mẹ áp đặt, mắng mỏ.

Thay vào đó, phương pháp giáo dục trẻ hiệu quả là hãy phát hiện sớm năng lực, sở trường và lắng nghe nhu cầu của trẻ để giúp chúng phát triển một cách tốt nhất.

Không có bậc cha mẹ nào lại không quan tâm, yêu thương và lo lắng cho tương lai của con cái mình. Song, đôi khi tình thương yêu có phần thái quá vì tâm lý chạy theo thành tích, luôn muốn con là số một, hay ít nhất phải bằng bạn bằng bè, nên phụ huynh cứ có cơ hội thường hay có tâm lý đem con mình so sánh với “con người ta”.

Khổ nỗi, cha mẹ không chỉ đem con so với một bạn mà với một vài bạn, nên “con nhà mình” nhiều lúc không biết xoay xở ra sao để được lòng cha mẹ.

“Ước muốn của con nghe sao quá xa vời, dù chỉ cần một cái nắm tay, vỗ vai của cha, có một cái ôm nồng nàn của mẹ, con muốn nghe những lời khích lệ tinh thần – cố gắng lên con!” – một bạn nhỏ đã bộc bạch như thế.

Phải chăng, ngoài những lo lắng lớn lao như biển trời thì tình yêu của cha mẹ có lẽ đôi khi lại chỉ thu về sự ý nhị: cần cho con trẻ cơ hội luôn được là chính mình mà không cần so sánh trẻ với ai.

Bí kíp dạy con

Cha mẹ nên lường trước những hậu quả trong cách giáo dục so con mình với người khác. Trẻ có lòng tự trọng, sẽ rất ám ảnh về những điểm thấp kém của mình. Chúng sẽ mặc cảm, thu mình, tự ti và không muốn cởi mở tâm sự về bạn bè mình với cha mẹ vì “sợ”… bị so sánh “Sao con người ta được vậy, mà mình thì không được?”.

Thậm chí, trẻ sẽ nảy sinh lòng ghen ghét và oán hận chính người được so sánh (vì suy nghĩ còn non nớt, trẻ cho rằng chính vì người kia giỏi hơn nên cha mẹ mới ghét mình, không hài lòng về mình). Nhất là anh, chị, em trong gia đình, nếu cha mẹ không muốn con cái xích mích, bất hòa thì hãy dừng lại cách so sánh giữa các con với nhau.

“Bí kíp” dạy con thực ra rất đơn giản: luôn đồng hành bên con, động viên và khuyến khích con tự tin phát huy sở trường, điểm mạnh của mình”.

Nguồn: Tuổi trẻ online

 

Tin cùng chuyên mục