Lời khuyên dạy con lạ đời của anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú: Muốn trẻ thích học, phụ huynh hãy trở thành những bố mẹ nhàn rỗi!
“Nhưng phải có cách nào cho trẻ thích học? Chả có nhẽ mặc kệ nó học dốt? Làm sao mà bố mẹ có thể bỏ mặc con cái được kia chứ? Chỉ câu hỏi đó cũng đủ thành đề tài hot có thể đi diễn thuyết 63 tỉnh thành và làm đủ 500 cái talkshow cũng không hết”.
Chuyện học hành của con cái là mối bận tâm hàng đầu của bố mẹ. Trong xã hội còn coi nặng chuyện bằng cấp, đi đâu xin việc cũng chào hỏi nhau bằng cái bằng thì lo cho con học giỏi, lo cho con đỗ đại học hàng top là chuyện phụ huynh nào cũng trăn trở. Nhưng đâu phải ai cũng sinh ra được người con có trí tuệ vượt bậc, con học dốt, lười biếng, chán học thì cha mẹ nào cũng đau đáu, xấu hổ, vật vã. Học giỏi chưa chắc đã thích học đã vậy học kém thì con trẻ phải chán chường việc học như thế nào. Nhưng làm sao để trẻ thích học?
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú đã có những lời khuyên chân thành về chủ đề này. Anh chia sẻ khi gặp trường hợp trẻ ghét học, bố mẹ nên áp dụng 3 nguyên tắc vàng sau: Hãy coi việc học là trách nhiệm của con; không tạo áp lực, không ngừng tạo động lực và cuối cùng cho con thấy mục đích việc học là điều cần thiết.
Nguyên văn bài đăng của anh Hoàng Anh Tú như sau:
Lời khuyên dạy con lạ đời của anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú: Muốn trẻ thích học, phụ huynh hãy trở thành những bố mẹ nhàn rỗi! – Ảnh 1.
Chuyên gia giáo dục, diễn giả thường xuyên trong chuyên mục dạy con của Café Sáng với VTV3 với hơn 12 năm kinh nghiệm trong mục tư vấn tâm lý của tờ báo tuổi teen Hoa Học Trò – tác giả Hoàng Anh Tú.
“HÃY TRỞ THÀNH NHỮNG BỐ MẸ NHÀN RỖI
Những ngày, chạy tour từ Hà Nội vào Hải Phòng tạt Đà Nẵng ghé Sài Gòn, gặp gỡ đến hơn 400 phụ huynh, nói chuyện đến khản cả cổ xoay quanh chuyện học hành của con cái – cuộc chiến của phụ huynh. Tôi mới thấy, nhiều cha mẹ coi chuyện học hành của con như một nhiệm vụ hàng đầu trong đời làm cha, làm mẹ của mình. Con học giỏi, tự giác học thì cha mẹ tự hào, hãnh diện. Con học dốt, lười biếng, chán học thì cha mẹ đau đáu, xấu hổ, khổ sở, vật vã. Chuyện học của con trở thành nỗi lo lắng của cha mẹ.
“Làm sao cho trẻ thích học?”. Chỉ một câu hỏi đó thôi cũng đủ thành đề tài hot có thể đi diễn thuyết 63 tỉnh thành và làm đủ 500 cái talkshow cũng không hết. Và tôi, trong chuyến đi 4 thành phố lớn cũng đã không trả lời được việc làm sao để trẻ thích học. Có lẽ là bởi từ bé tôi cũng không phải là kẻ thích học. Trong số hơn 400 phụ huynh tôi gặp gỡ, tôi nghĩ cũng đến 90% số đó hồi bé cũng không thích học chút nào cả. Bởi thứ ở trường công đang dạy trẻ hiện nay thật sự khó tìm thấy hứng thú với trẻ. Chưa kể nhiều thứ, kể cả môn tiếng Anh, những công thức ngữ pháp, 12 thì hay 365 động từ bất quy tắc… muốn nhớ được nó thật khó khăn xiết bao. Trẻ đã không tìm thấy hứng thú học lại gặp sức ép từ tiếng quát của bố, cái lừ mắt của mẹ, luật lệ hà khắc của thầy cô…
Lời khuyên dạy con lạ đời của anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú: Muốn trẻ thích học, phụ huynh hãy trở thành những bố mẹ nhàn rỗi! – Ảnh 2.
Nhưng. Nhưng phải có cách nào chứ, phải không? Chả có nhẽ mặc kệ nó học dốt? Làm sao mà bố mẹ có thể bỏ mặc con cái được kia chứ? Nên tôi bày cách thế này, bằng sự hiểu biết có hạn của mình, tuỳ cha mẹ lựa chọn mà áp dụng:
1. Việc học là của con – Trách nhiệm thuộc về con
Phải rất rõ ràng ngay từ đầu là như thế. Dạy con hiểu trách nhiệm và chịu trách nhiệm. Như cha mẹ đi làm vì trách nhiệm phải kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Con đi học vì đó là trách nhiệm của con. Con học dốt con phải tự chịu trách nhiệm. Bố mẹ không phạt con mà là con phải tự chịu trách nhiệm. Bình thường ở nhà con được xem tivi 2 tiếng chẳng hạn hay con sẽ được miễn giảm một số công việc để tập trung vào học. Thì nếu con điểm kém, học dốt, con phải lao động thay cũng như bị giảm trừ những quyền lợi con có. Ví dụ như tivi sẽ không được xem. Ví dụ như sẽ phải làm việc nhà nhiều hơn, vất vả hơn. Nó là công bằng. Lũ trẻ luôn cần sự công bằng như thế. Học giỏi thì được nhiều quyền lợi. Học dốt thì vừa mất quyền lợi vừa phải lao động vất vả hơn. Nó cũng là hợp lý mà, nếu kiến thức ít, mai này ra đời sẽ phải lao động cực nhọc hơn. Dạy một đứa trẻ trách nhiệm cũng là điều tốt mà, phải không?
2. Tạo động lực – Đừng gây áp lực
Tôi muốn cha mẹ đừng hà tiện lời khen, khích lệ với các con. Hãy biến chúng thành phần thưởng thay vì trả tiền. Nhiều bậc cha mẹ thưởng tiền cho con để con học thêm về quản lý chi tiêu. Tôi không nói nó sai. Nhưng tôi nghĩ thứ trẻ mong muốn là sự ghi nhận và khích lệ của cha mẹ hơn. Đặc biệt, một mẹo nhỏ, tặng con 1 cuốn sổ, mỗi thành tựu của con đều có những sticker phần thưởng kèm theo những quyền lợi con nhận được. Cuốn sổ đó sẽ vô cùng có giá trị khi con nhìn lại quá trình mình đã chiến thắng bản thân, đã làm được gì. Tạo động lực đôi khi chỉ là thể hiện sự tin tưởng vào con. “Hãy tin ở con” có thể thay đổi con bạn nhiều hơn mọi phần thưởng.
3. Mục tiêu – Lộ trình
Cho con bạn thấy mục đích của việc học là điều cần thiết. Nó không phải là học để sau này kiếm tiền nuôi bố mẹ. Nó cũng không phải là học để cha mẹ nở mày nở mặt. Nó là việc con sẽ trở thành ai mai này, con muốn trở thành ai mai này? Đặt mục tiêu và theo đuổi mục tiêu đó cần một lộ trình. Hãy cùng con tạo ra lộ trình đó. Nhớ là phải tạo ra những thành công nho nhỏ khích lệ trẻ mỗi đoạn đường ngắn một.
Tạo hứng thú học hành cho con không phải là việc ngày một ngày hai là có thể hoàn thành. Đôi khi nó là cả một quá trình dài, rất dài. Nên thứ bạn cần không chỉ là số tiền tích cóp để trở thành “chủ đầu tư” cho con học hành mà còn cần cả khoản ngân sách thời gian bạn dành cho con – thời gian chất lượng.
4 cuộc talkshow thực sự ý nghĩa với tôi trong hành trình chia sẻ hứng thú làm cha mẹ với mọi người. Làm một ông bố hạnh phúc – một bà mẹ hạnh phúc thực sự là thứ giúp con bạn hạnh phúc. Tin tôi đi!”
Chuyên mục: Tuổi 15 con cần gì
Ngày đăng: 17/12/2019
Ngày cập nhật: 01/10/2021
Tác giả: Phạm Hoa
Tin cùng chuyên mục
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10
NĂM HỌC 2024 - 2025