Môn học có 1 -0-2 dạy teen FSchool làm giàu

Nếu bạn bắt gặp cảnh các FSchooler đang đứng bán bánh kẹo, hoa quả, đồ uống tự làm tại căng tin trường thì đó là lúc các bạn ấy đang thực hiện dự án kinh doanh nhóm. Đây là bài tập cuối kỳ môn Kinh doanh – môn học luôn “được lòng” khá nhiều bạn học sinh nhà FSchool. Hãy cùng trò chuyện với cô Đặng Thị Thúy – giáo viên phụ trách bộ môn này để tìm hiểu thêm nhiều thông tin thú vị nhé!

Chào chị, môn Kinh doanh được coi là “đặc sản” của FSchool, tại sao mọi người lại gọi môn học này như vậy?

Môn Kinh doanh (Business) vốn không có trong khung chương trình học bậc phổ thông của Bộ giáo dục và đào tạo mà chỉ là đặc trưng riêng của FSchool. Môn học này nằm trong chương trình phát triển cá nhân của phòng PDP. Cũng giống như các môn kỹ năng mềm khác của PDP, nhằm phát triển và hoàn thiện các kỹ năng. Cụ thể, môn Kinh doanh hướng tới hoàn thiện kỹ năng tài chính cho các bạn học sinh.

Đối với các quốc gia phát triển khác đặc biệt là Mỹ, Anh thì môn học này được đưa vào chương trình học dành cho lứa tuổi THPT thế nhưng ở Việt Nam vẫn chưa áp dụng. FSchool là ngôi trường tiên phong đưa môn học này vào giảng dạy cho nên đây thực sự là một “món đặc sản”.

Vì được giảng dạy trong bậc phổ thông, môn Kinh doanh của FSchool hướng tới truyền đạt vấn đề gì cho học sinh và được phân bổ nội dung học như thế nào?

Môn học này cung cấp cho các bạn những kiến thức nền tảng nhất về kinh doanh, tài chính, tiết kiệm, đầu tư. Nội dung các bài học phân cấp theo từng khối, chỉ học trong 2 năm lớp 10 và 11. Từ lớp 10 sẽ học về các kiến thức chung tổng quan về kinh tế, tiếp cận với các khái niệm đơn giản, có cái nhìn sơ bộ về doanh nghiệp. Lớp 11 được học về tiết kiệm, đầu tư, cách quản lý tài chính và quản lý nợ cho chính mình. Ngoài ra các bạn ấy còn có riêng một chương về Marketing, cách ứng dụng nó trong kinh doanh.

Trong tiết học về các kênh phân phối sản phẩm, cô Thúy cùng các bạn học sinh lớp 11A5 tổ chức lớp học tại… siêu thị.

Kiến thức của môn này nhìn chung tương đối khó đối với độ tuổi các bạn nhưng giáo viên đã phân chia, cân nhắc sao cho hợp lý và gần gũi với các bạn. Ví dụ các bạn lớp 10 sẽ được tìm hiểu những yếu tố sơ đẳng nhất cần phải có để một doanh nghiệp có thể vận hành và cách vận hành chúng cũng như khi vận hành họ sẽ đặt những mục tiêu gì. Hoặc từ những khâu nhỏ như tuyển dụng, đào tạo nhân viên, tạo động lực cho nhân viên của một doanh nghiệp bằng cách nào, ra sao. Bên cạnh đó, những hệ thống trong toàn xã hội, tổng quan nền kinh tế sẽ phân chia ra các khu vực kinh tế như thế nào, các loại hình doanh nghiệp gì.

Môn học này giúp ích gì cho cuộc sống của các bạn học sinh?

Những bạn yêu thích kinh doanh thì được trang bị kiến thức nền tảng từ sớm sẽ rất tốt cho công việc của sau này. Không những vậy, mỗi bạn còn có thể biết được phương hướng, những gì nên hay không nên làm đối với ý tưởng kinh doanh của chính mình. Bên cạnh đó, ngay cả khi các bạn ấy lựa chọn tập trung vào những chuyên ngành khác thì những bài học này vẫn giúp cho việc quản lý tài chính cá nhân được hiệu quả, cân bằng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Mới nghe tên thì dường như môn học này có vẻ như khá “khó nhằn”, vậy chị đã áp dụng những phương pháp nào để thu hút và khiến cho các bạn học sinh cảm thấy hào hứng hơn?

Bởi đặc trưng của môn học này có nhiều phần kiến thức “nặng” so với lứa tuổi của các bạn nên giáo viên luôn cố gắng soạn bài theo hướng thực tế gần gũi, trực quan để tiết học trở nên vui vẻ, bạn nào cũng có thể hiểu bài và vận dụng được những kiến thức đó. Các bạn học sinh FSchool vốn rất năng động, sáng tạo nên những thử thách, nhiệm vụ mà cô đưa ra đều không làm khó các bạn ấy thậm chí đa số các bạn còn vô cùng thích thú.

Tùy mỗi bài mà có nhiều hoặc ít hoạt động được tạo ra để học sinh cảm thấy hứng thú và hiểu bài dễ dàng hơn: tổ chức trò chơi, tìm hiểu doanh nghiệp, thuyết trình, lên ý tưởng kinh doanh, trò chơi mật mã truyền thông, nhìn hình đoán chữ, đuổi hình bắt chữ, tham khảo các khu vực bán hàng rồi nhận xét, truyền tin, vẽ poster, học ngoại khóa tại siêu thị để tìm hiểu về các kênh phân phối sản phẩm.

Phải thảo luận thật nhanh vì thời gian sắp hết rồi!

Đặc biệt nhất là phần bài tập cuối kỳ “Dự án kinh doanh” vô cùng hấp dẫn mà một số lớp đăng ký làm. Rất nhiều nhóm lớp đã thực hiện ý tưởng bán hàng tại trường: đồ uống, đồ ăn vặt, bánh, hoa quả … Không những vậy, các dự án còn được góp mặt trong ngày hội “Đầu tư và kinh doanh công nghệ” – sự kiện thường niên để tổng kết môn Business, đồng thời kết hợp bộ môn tự nhiên.

Các gian hàng với toàn đồ ăn thức uống vô cùng hấp dẫn của các FSchooler tại Ngày hội “Đầu tư và kinh doanh công nghệ”.

Chị thấy các FSchooler hay lựa chọn kinh doanh gì khi thực hiện bài tập dự án này?

Mặt hàng buôn bán mà các bạn lựa chọn rất phong phú và phù hợp với “thị trường” FSchool. Lớp 10A4 kinh doanh đồ uống tự làm: nước chanh, milo nóng, lipton trà sữa. Còn các bạn lớp 11A8 bán hoa quả dầm; 10A2 thì chọn bán đồ ăn vặt như nem chua rán, bánh ngọt…

Sản phẩm của các bạn ấy không chỉ chú trọng vào chất lượng mà còn phải được trang trí đẹp mắt nữa.

Nhóm nào cũng phấn đấu để có tiết mục giới thiệu sản phẩm của nhóm thật ấn tượng để tạo đà cho quá trình “buôn bán” được hiệu quả.

“Trà chanh mặt cười”- uống vào đảm bảo luôn “tươi”.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều ý tưởng kinh doanh hay của các lớp khác mà có lẽ sẽ triển khai trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bài“Lên ý tưởng kinh doanh”, có lớp đã đưa ra ý tưởng rất độc đáo: Cà phê Nam Cực giữa lòng Hà Nội – quán cà phê bài trí với khung cảnh Nam Cực lạnh giá quanh năm; “Sách bút thần kỳ” – không cần viết, chỉ cần nói là bút sẽ tự động viết lại; sơ đồ chi tiết về ý tưởng này…

Vậy trong mỗi dự án kinh doanh của nhóm, các bạn học sinh đã phải làm những gì để có thể hoàn thành nó?

Đầu tiên các bạn phải lên ý tưởng: kinh doanh mặt hàng gì. Xem xét trong trường mình nhu cầu về cái gì là nhiều và nó có phù hợp với từng mùa không. Sau khi xác định được mặt hàng, các bạn phải lên dự trù kinh phí, bao gồm những khoản phải chi, giá sản phẩm là bao nhiêu, dự kiến lợi nhuận khi hoàn thành kế hoạch. Tính toán thật ký cho kế hoạch để làm sao bán hàng có lãi và hiệu quả nhất có thể. Tiếp theo là thiết kế poster quảng cáo, câu slogan và tên thương hiệu của nhóm mình. Khi kế hoạch nhận được sự đồng nhất của cả nhóm và cô thông qua thì các bạn bắt đầu phân chia nhau mua đồ rồi triển khai bán.

Sau mỗi dự án, bên cạnh lợi nhuận thì các bạn học sinh còn “cá kiếm” thêm được điều gì?

Ngay trong quá trình bán, các bạn ấy rút kinh nghiệm được rất nhiều thứ. Ví dụ khâu chuẩn bị chưa nhanh, bày biện chưa gọn gàng, bắt mắt, nhiệm vụ mỗi người còn lẫn lộn nhau thì đến những buổi bán tiếp theo các bạn ấy đã biết để ý chỉnh sửa, khắc phục những thiếu sót. Cụ thể với kế hoạch bán nước thì cả nhóm sẽ chia đầu công việc thật cụ thể cho từng người: ai phụ trách lấy nguyên liệu, ai pha chế, ai đưa đồ, ai thu tiền… từ đó tạo nên một tổng thể biết phối hợp ăn ý với nhau và mang tính chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Các bạn còn nhận ra là khi bán những món đồ do mình tự làm ra tuy có mất công sức nhưng lợi nhuận sẽ cao hơn đi nhập về rồi bán. Không những vậy, khi thao tác nhanh hơn thì hiệu quả công việc cũng tăng lên đáng kể, đó cũng là điều mà các bạn ấy đạt được sau quá trình làm trên thực tế.

Trong thời gian thực hiện dự án thì mỗi ngày tại căng tin trường, gian hàng nào cũng đông vui. 

Sau khi dự án kết thúc, các nhóm sẽ có buổi ngồi lại với giáo viên để rút kinh nghiệm, tự nhận thức được những thuận lợi, khó khăn trong kinh doanh dựa trên những gì các bạn ấy đã gặp phải khi làm. Hơn thế nữa, mỗi bạn cũng sẽ đưa ra được những gì mình đã làm được hoặc không làm được để tìm ra câu trả lời tại sao lại như vậy. Các cô rất tự hào khi dự án của các bạn thành công, thu được lợi nhuận và có được cho mình nhiều giá trị tinh thần khác.

Chị cảm thấy mình nhận được điều gì khi là một giáo viên giảng dạy môn Business tại FSchool?

Chị cũng như các giáo viên phụ trách giảng dạy bộ môn này đều cảm thấy tự hào về học sinh của mình và công việc mình đang làm. Đã có nhiều bạn tâm sự với cô rằng nhờ có môn học này và sự tư vấn nhiệt tình của cô giáo mà các bạn ấy đã và đang gây dựng cho mình những kế hoạch kinh doanh riêng, kiếm được đồng tiền cho chính mình làm ra. Chị vẫn luôn động viên mỗi lớp rằng nếu có bất kỳ ý tưởng kinh doanh nào thì hãy mạng dạn đề xuất thực hiện, các cô sẽ cố gắng hỗ trợ hết mình giúp các bạn hiện thực hóa những kế hoạch đó.

Ngày hội Đầu tư và Kinh doanh công nghệ là sự kiện thường niên, năm nào cũng “xôm tụ”.

Thực sự Kinh doanh là một môn học hay và bổ ích. Tuy có nhiều phần lý thuyết khó nhưng cả cô và trò vẫn luôn cố gắng tạo ra nhiều tương tác với nhau, cùng nhau giải quyết mọi vấn đề. Nhờ có môn học này bổ trợ mà một nhóm bạn học sinh của FSchool đã lọt vào vòng chung kết của cuộc thi Khởi Nghiệp do thành phố Hà Nội tổ chức. Các bạn ấy đã áp dụng rất nhiều kiến thức về kinh doanh được học trên lớp, đồng thời hỏi thêm ý kiến, xin tư vấn từ cô giáo bộ môn và sau đó đã vượt qua rất nhiều vòng thi gay cấn để lọt vào vị trí như hiện tại.

Trải qua hết vòng loại của cuộc thi Khởi Nghiệp, Bạn Ngô Phúc Lâm (11A1), thành viên nhóm thí sinh dự thi chia sẻ rằng: “Môn Business là một sự khác biệt của FSchool so với các trường khác. Không chỉ góp phần định hướng kinh doanh, mà môn học còn đem lại cho các bạn cách tư duy và suy nghĩ giống như các doanh nhân. Sau một thời gian, em nhận ra mình không những được tiếp thu kiến thức về kinh doanh mà môn học này còn ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của em về cuộc sống, chúng sẽ giúp ích cho em rất nhiều trong tương lai”.

Phương Hoa

 

Ngày đăng: 28/03/2018

Ngày cập nhật: 29/03/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh