Môn học Mĩ thuật: khi teen FSchool cầm bút vẽ tương lai

Phía sau mỗi giờ học Mĩ thuật, các teen FSchool không chỉ khám phá khả năng, đam mê hội họa trong mình mà còn được định hướng về công việc tương lai liên quan đến môn học.

Đối với các teen 10A8 và 10A9, hôm nay là tiết thực hành mĩ thuật đầu tiên của các em, điều đặc biệt hơn, tiết học này diễn ra bên ngoài giảng đường. Thầy giáo Nguyễn Văn Thảo đã cho các FSchooler một buổi chiều dạo chơi trong khuôn viên nhà trường để các em thực hiện bài vẽ về chủ đề thiên nhiên.

Mở đầu buổi học, thầy Thảo hướng dẫn các teen FSchool lựa chọn đối tượng của bài vẽ bằng cách tìm kiếm những sự vật đem lại hứng thú, xúc cảm cho mình. Sau đó, các em cần lựa chọn phương pháp truyền tải là tả thực, trừu tượng hay thâm diễn…trước khi đặt bút vẽ phác thảo và vẽ chi tiết, hoàn thiện bản vẽ.

Thầy Thảo đưa ra gợi ý để các học trò tìm ra đối tượng cho bài vẽ chủ đề thiên nhiên. Là giảng viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đồng thời là Thủ khoa hệ đào tạo thạc sĩ của trường, thầy Thảo luôn biết cách khơi gợi cảm hứng cho các học trò của mình.

Những dụng cụ vẽ tranh trong tiết học cũng thật đặc biệt, đó là giấy đen với 2 mặt lì nhẵn và thô nhám. Các học sinh sẽ sử dụng phấn màu để vẽ lên mặt thô nhám, không dùng tẩy mà dùng chính ngón tay để xóa đi những đường nét sai, chưa hài hòa.

Các nữ sinh đều tỏ ra chăm chú với bài vẽ của mình.

Một bạn nam đang tiến hành dựng bố cục cho bức tranh hồ nước in bóng tòa nhà Alpha.

Bông hoa dâm bụt được tái hiện sinh động như có “hồn” qua nét vẽ của 1 FSchooler.

Sau 2 tiết học, các teen FSchool nộp lại bài vẽ của mình và lắng nghe nhận xét của thầy giáo. Thầy Thảo đã chỉ ra ưu, nhược điểm của từng sản phẩm và đưa ra những đánh giá, lời khuyên để học sinh có thể phát huy thế mạnh, sở trường của mình.

Cả lớp chăm chú lắng nghe nhận xét của thầy giáo.

Về việc giảng dạy môn học Mĩ thuật tại trường THPT FPT, thầy Thảo mong muốn truyền tải những kiến thức căn bản về hội họa để các học sinh có nhận thức ban đầu về Mỹ thuật, có định hướng tư duy thay vì chủ quan, tự phát trong đánh giá hay sáng tạo nghệ thuật.

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi các em tiếp cận môn học, thầy Thảo cho biết: “Điều thuận lợi khi theo học Mĩ thuật là bất kì ai cũng đã từng tiếp xúc với môn học này, trước khi tập viết đã tập vẽ, trước khi cầm bút viết đã vẽ những điều thân quen với mình. Mĩ thuật là môn học gần gũi nhưng sự hiểu biết của khá nhiều người về môn học này còn hạn chế, tạo ta sự cản trở khi tiếp cận và theo đuổi môn học”.

Nhận xét về môn học, em Nguyễn Ngọc Hòa, học sinh lớp 10 A8 hào hứng nói: “Lớp học Mĩ thuật rất thú vị, thầy giáo và bạn bè đều vui vẻ, thân thiện. Qua những buổi đầu tiên này, em đã biết thêm nhiều kiến thức về hội họa như: vẽ chân dung, vẽ khung, vẽ phác họa”. Hòa còn chia sẻ về những định hướng nghề nghiệp liên quan đến môn học: “Nếu có khả năng thực sự, em muốn trở thành họa sĩ trong tương lai, nếu không, em có thể sẽ làm việc trong ngành thiết kế đồ họa”.

Hòa là 1 trong số rất nhiều học sinh thực sự mong muốn tìm hiểu về môn học đã tiến bộ sau từng tiết học Mĩ thuật, có kiến thức căn bản về ngành nghề, hiểu rằng môn học có thể phục vụ bản thân trong tương lai và đáp ứng nhu cầu của cuộc sống ra sao.

Được biết, Mĩ thuật là 1 trong các lớp học nghệ thuật thuộc chương trình Phát triển cá nhân PDP, được tổ chức thứ 4 hàng tuần dành cho các học sinh FSchool. Các teen có thể lựa chọn môn học theo sở thích, nguyện vọng để tự khám phá khả năng của mình, phát triển toàn diện cả về kiến thức và kĩ năng. Đây cũng là cơ hội để học sinh tìm hiểu về những nghề nghiệp liên quan đến môn học, định hướng công việc rõ ràng trong tương lai.

Thu Hiền

 

Ngày đăng: 19/04/2018

Ngày cập nhật: 19/04/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh