Ở đâu học văn sáng tạo và thú vị như FSchool?

Biến hoá những chất liệu văn học dân gian một cách sáng tạo, hoà quện nội dung truyền thống với âm nhạc, điệu múa, kịch đậm chất hiện đại; thậm chí lồng ghép những trend, những vấn đề xã hội nổi cộm… các FSchooler đã biến Gala ngoại khoá Văn học dân gian trở thành sự kiện học tập đáng nhớ trước khi nghỉ hè.

Rap – múa về nàng Mỵ Châu

Dù biểu diễn sau cùng nhưng tiết mục của 10A12 lại gây bất ngờ cho tất cả các khán giả. Thay vì diễn kịch, hay hát thông thường, 10A12 tự sáng tác lời rap về chuyện tình của nàng Mỵ Châu và chàng Trọng Thuỷ.

Để dàn dựng tiết mục rap và múa “Nàng công chúa không đầu” tất cả các thành viên trong lớp đã cùng tích cực tham gia, mỗi người một vai trò. 10A12 chuẩn bị cho tiết mục này khá nhanh chóng, Đức Mạnh cho biết bạn và Thế Sơn (10A8) mỗi người viết một nửa lời rap, các bạn chỉ mất 1 buổi tối để hoàn thành phần lời.

Ánh Tuyết – Việt Nam có phần múa đầy cảm xúc và thu hút.

Bạn Nguyễn Lê Phương Linh cũng chỉ mất hơn 1 ngày để biên đạo múa, sau đó là phần tập luyện của các bạn Minh Quang, Tô Hiếu, Ánh Tuyết, Việt Nam.

“Dù chiến tranh xảy ra hay mưa sa và bão táp
Anh cũng sẽ mặc kệ tìm em dù gấp gáp
Tình yêu anh dành cho em đó là một sự thực
Nhưng chữ hiếu anh để trên đầu nên em – anh đành đánh mất”

Cùng với lời rap và những điệu múa uyển chuyển, cảm xúc, câu chuyện tình yêu của nàng Mỵ Châu đã được kể lại vô cùng khéo léo, lột tả thêm nhiều góc nhìn nội tâm của nhân vật, lôi cuốn và mới lạ hơn so với chuyện gốc rất nhiều.

Lớp 10A12 xuất sắc giành giải Nhất trong ngày hội văn học.

Với tiết mục độc đáo, sáng tạo từ mặt ý tưởng, đến nội dung, hình thức, tiết mục của 10A12 đã xuất sắc giành giải Nhất trong Gala ngoại khoá Văn học dân gian. Riêng bạn Ánh Tuyết cũng giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất sau khi hoá thân trọn vẹn vào hình ảnh công chúa Mỵ Châu.

Sân chơi là của mẹ kế nhưng Lọ Lem có thể phá luật

Lớp 10A11 lại mang đến câu chuyện Lọ Lem với cách kể hết sức hiện đại, các bạn lồng ghép nhiều câu thoại, tình huống dí dỏm khiến cả hội trường cười ra nước mắt.

Cao trào là khi Lọ Lem muốn đi dạ hội nhưng mẹ kế đã không cho phép và bắt nàng ở nhà, mẹ kế còn hùng hồn tuyên bố theo phong cách cô Kim Tuyến:“Đây là sân chơi của tao, luật của tao. Đóng 100.000 không thì ra khỏi nhà”.

Hay khi Lọ Lem đang khóc lóc thì thay vì một bà tiên như trong nguyên tác, lại có một ông Bụt dễ thương đến giải vây giúp nàng. Ông Bụt còn đặc biệt căn dặn nàng Lọ Lem đến đúng 12h phải “Chạy ngay đi” nếu không phép thuật sẽ hết tác dụng.

Đáng nhẽ là thử giày pha lê, nàng Lọ Lem của 10A11 lại thử… dép tông để nhận chàng hoàng tử.

Đúng đến nửa đêm, ca khúc mới nhất của Sơn Tùng MTP sẽ vang lên, thúc giục Lọ Lem “Chạy ngay đi” theo lời Bụt dặn.

Cô Nguyễn Thu Hiền (giáo viên Ngữ Văn) thích thú với tiết mục của 10A11, cô khen ngợi tập thể lớp “tiếp thu tốt nhận xét của các thầy cô, hài hước mà vẫn giữ nguyên ý nghĩa của câu chuyện.”

Với tiết mục kịch mang đúng chất sáng tạo, vui nhộn, diễn xuất tự nhiên như không diễn, lớp 10A11 đã xuất sắc “rinh” giải Nhì chung cuộc.

Bản mix cổ tích không tưởng

“Tham lam” nhất phải nhắc đến 10A4, thay vì chỉ bám sát một tác phẩm nguyên gốc, các bạn đã mix nhiều câu chuyện cổ với nhau để cho ra đời vở kịch “Thuỷ Thổ phiêu lưu ký”. Đây cũng là tiết mục quy tụ nhiều nhân vật cổ tích nhất, “với sự tham gia của lực lượng hùng hậu, đủ trai gái, cao thấp, béo gầy” – theo lời cô Vũ Thị Hạnh.

Vua Hùng Vương và công chúa Mỵ Nương.

Hai chàng Thuỷ – Thổ đến cầu hôn công chúa.

Dựa trên câu chuyện về Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, lớp 10A4 đã xây dựng chàng Thuỷ – chàng Thổ và hành trình cầu hôn nàng Mỵ Nương. Vẫn là những tình tiết quen thuộc mà sao khán giả cứ thấy “sai sai” khi vua Hùng Vương yêu cầu sính lễ là “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, cào cào chín cánh, 1 đĩa thịt chó mắm tôm”, hay khi giao chiến chàng Thổ lại cầu cứu sự trợ giúp của …Thánh Gióng, quật bụi tre ngà vào quân Thuỷ.

Đến cuối vở kịch, sự xuất hiện của Nam Tào và Bắc Đẩu đã giải toả mâu thuẫn giữa Thuỷ và Thổ, cho hai chàng biết họ vốn là anh em ruột thịt, đều là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ, vì mỗi người có nhiệm vụ riêng mà lưu lạc, xa nhau nhiều năm. Chuyện tình tay ba giữa Thuỷ – Thổ – Mỵ Nương cũng được hoá giải bằng cách vua Hùng nhận nuôi thêm một nàng công chúa và gả cho chàng Thuỷ.

Vở kịch táo bạo này đã mang về giải Ba cho lớp 10A4.

Rất nhiều tài năng khác nhau được thể hiện trên sân khấu văn học.

Bên cạnh ba tiết mục trên, các FSchool còn có nhiều tiết mục hấp dẫn khác và đều giành những giải thưởng đáng khích lệ. Lớp 10A8 giành giải Ấn tượng với ca khúc “Con cò” của bạn Tống Khánh Linh, lớp 10A10 với bài hát “Bống bang” đã giành giải Triển vọng, giải Sáng tạo là kết quả của lớp 10A3 với vở kịch Sọ Dừa.

Phú ông của 10A3 giành giải Nam diễn viên xuất sắc nhất.

Không chỉ môn Văn mà các môn học khác ở THPT FPT các bạn cũng học theo những cách khác biệt như vậy. Học theo phương pháp kiến tạo, làm dự án, thuyết trình, làm video, làm sự kiện, liên môn… kiến thức sách vở trở thành những trải nghiệm thú vị và được ghi nhớ sâu sắc. Những gì được học trong chương trình phát triển cá nhân (PDP) như Tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, làm việc nhóm, lớp nghệ thuật… trở thành những kiến thức, kỹ năng hữu ích để học các môn chính khoá theo cách mới mẻ hơn.

THPT FPT vốn là một ngôi trường khác biệt và nhiều điều lạ lùng, cho nên chuyện học hành cũng chẳng giống các trường khác. Thế nhưng nó cũng chính là những điểm hấp dẫn làm nên chất riêng của FPT. Nếu là bạn, bạn sẽ thích cách học như vậy chứ?

Ảnh: Tạch tạch

 

Ngày đăng: 27/05/2018

Ngày cập nhật: 21/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh