Thi vào 10: Khoanh vùng kiến thức và phương pháp làm bài môn Tiếng Anh, Lịch sử

Việc áp dụng môn thi tiếng Anh và Lịch sử trắc nghiệm trong kỳ tuyển sinh vào 10 năm nay sẽ ít nhiều gây ra bỡ ngỡ và căng thẳng đối với học sinh. Nhưng nếu các em biết cách khoanh vùng kiến thức và có phương pháp học – ôn thi hiệu quả đối với 2 môn học này thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.

Môn Lịch sử

Đề tham khảo môn Lịch sử của Sở GD&ĐT Hà Nội năm 2019 đã đưa ra trước đó có bám sát nội dung chương trình lớp 9, phổ rộng trong toàn bộ chương trình học. Bao gồm cả phần lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam, có cả câu hỏi trong bài tổng kết. Các câu hỏi được sắp xếp theo cấp độ từ dễ đến khó theo tỉ lệ 19 – 17 – 4. Cấu trúc đề từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, không có câu hỏi vận dụng cao, trong đó chủ yếu là nhận biết, thông hiểu.

Cấu trúc đề tham khảo môn Lịch sử vào 10 – 2019

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, Giáo viên Lịch sử tại Hệ thống giáo dục Học mãi chia sẻ: “Sách giáo khoa lớp 9 là kim chỉ nam để học sinh ôn luyện trong thời gian gần 3 tháng còn lại. Học sinh cần đọc kỹ sách giáo khoa, trả lời các câu hỏi cuối bài, chú ý đọc các bài tổng kết để khái quát kiến thức. Đồng thời cần hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy để dễ nhớ các kiến thức cơ bản, dễ tra cứu khi cần”.

Với khối lượng kiến thức không nhỏ từ đầu lớp 9 đến nay, học sinh chỉ có thể nắm được toàn bộ kiến thức nếu học có phương pháp.

Một là, học sinh cần bám chắc cấu trúc đề minh họa để ôn tập, ôn đều các chuyên đề theo kế hoạch phù hợp, không để mất điểm phần lịch sử thế giới vì phần này đa phần câu hỏi dễ lấy điểm.

Hai là, ôn tập có lộ trình: tháng 3 tập trung rà soát các kiến thức theo chương trình lớp 9, tháng 4 có thể kết hợp luyện đề và ôn bổ sung kiến thức còn thiếu, tháng 5 cần đẩy mạnh luyện đề, bấm giờ như thi thật, rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Câu hỏi trong đề thi không khó nhưng cần rèn luyện nhiều để hình thành phản xạ và tránh sai sót để mất điểm đáng tiếc.

Ba là, đọc – ôn kỹ các bài tổng kết chương để nắm được các diễn biến của lịch sử trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, từ đó có cái nhìn tổng quát về lịch sử.

Bốn là, rèn cách tìm từ khóa trong mỗi câu hỏi để tránh bị lạc đề, tránh các đáp án nhiều, bẫy, dẫn đến mất điểm đáng tiếc.

Năm là, rèn luyện cách làm bài trắc nghiệm như phân chia thời gian làm bài hợp lý, bấm giờ làm bài để không bị quá thời gian, làm từ dễ đến khó. Ngay từ thời điểm này cần luyện tập bằng các bài tập tự luyện dạng trắc nghiệm để làm quen dần.

Sáu là, học qua sơ đồ tư duy, thẻ nhớ kiến thức. Mỗi bài học, chương, giai đoạn lịch sử có thể hệ thống lại thành sơ đồ để dễ nhớ, dễ tra cứu khi cần. Đồng thời mỗi bài học, sự kiện, nhân vật có thể dùng giấy nhớ để ghi lại các điểm chính cần ghi nhớ.

Môn Tiếng Anh

Một số kiến thức trọng tâm mà học sinh lớp 9 cần lưu ý khi học tập, ôn luyện môn Tiếng Anh.

Đối với môn tiếng Anh, khối lượng kiến thức nhiều và trải dài suốt chương trình học cấp hai. Tuy nhiên, các em cần tập trung nắm chắc 4 nhóm chuyên đề sau:

Phần ngữ pháp, nắm vững các mẫu câu cơ bản, mẫu câu sử dụng tính từ, động từ nguyên thể, các dạng so sánh của tính từ, giới từ, thì của động từ, động từ tình thái, câu hỏi đuôi, câu điều kiện, câu chủ động, bị động, đại từ và mệnh đề quan hệ, câu trực tiếp, gián tiếp…

Phần từ vựng theo chủ đề của chương trình, sách giáo khoa như: động từ chỉ hoạt động hàng ngày, tính từ hay dùng, cấu tạo từ, từ đi với giới từ, cụm động từ hai thành phần, những từ hay nhầm lẫn, từ đồng nghĩa và trái nghĩa.

Phần phát âm thường chiếm 2,5 điểm trong cấu trúc đề thi môn tiếng Anh, học sinh cần nắm chắc các quy tắc phát âm cơ bản của nguyên âm, phụ âm, những từ kết thúc bằng “s” và “ed”, quy tắc trọng âm của từ có 2 hoặc nhiều âm tiết.

Phần giao tiếp, nắm vững các tình huống giao tiếp thông thường như cảm ơn, xin lỗi, đề nghị, giúp đỡ, xin phép, lời khuyên.

Mùa thi vào 10 năm 2019 tại Hà Nội sẽ thi 4 môn, thí sinh cần có chiến lược để không bị loạn kiến thức.

Trong quá trình làm bài, học sinh thường mắc phải những lỗi sai căn bản mà phần nhiều xuất phát từ thiếu cẩn thận. Đầu tiên là lỗi không đọc kỹ đề dẫn tới việc không hoàn thành đúng yêu cầu của đề thi. Tiếp đến là không biết cách phân bố thời gian dẫn tới ảnh hưởng tâm lý khi không đủ thời gian làm bài.

Các em cần đọc kỹ và thực hiện đúng yêu cầu của đề thi, tránh làm nhanh, làm vội, dẫn đến mất điểm đáng tiếc. Ngoài ra, học sinh nên đọc đề từ trên xuống dưới, giải quyết câu dễ trước, khó sau. Đối với môn trắc nghiệm, các em chú ý lỗi kỹ thuật khi tô đáp án trắc nghiệm – dùng bút chì để tô đáp án thay vì bút bi để có sửa lại đáp án nếu sai.

Ngoài những điều trên để ôn thi môn tiếng Anh vào 10 hiệu quả thì các em cần phải xây dựng cho mình lộ trình học tập phù hợp. Cụ thể như sau: Các em nên lập thời gian biểu để chia ngày ôn từng phần kiến thức trọng tâm: Ngữ pháp, từ vựng, phát âm, giao tiếp. Tự lập cho mình kế hoạch luyện đề với khung thời gian như đi thi để biết cách phân bố làm bài thi hợp lí, cũng như tự rút ra cho mình các kinh nghiệm về kỹ năng làm bài thi.

Theo Học mãi

 

Ngày đăng: 22/03/2019

Ngày cập nhật: 21/10/2021

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh