Có một tiết Sinh học “ngon miệng” như thế

Ăn pizza, hạt dẻ, xoài để học bài… Vừa được ăn lại vừa “cá kiếm” được điểm cho cả nhóm. Học môn gì mà lại vui thế nhỉ? Nếu bạn tò mò thì cùng ghé thăm tiết Sinh học của cô Nguyễn Thị Quỳnh Trang tại lớp 11A2 nhé.

Với chủ đề bài 15: “Tiêu hóa ở động vật”, ngay từ những phút đầu tiên không khí lớp đã vô cùng sôi động bởi trò chơi thú vị. Cô giáo chia lớp thành 2 nhóm, mỗi nhóm cô phát một đĩa nhỏ gồm toàn đồ ăn mang hương vị đầy hấp dẫn: nào bánh pizza, nào hạt dẻ và xoài chua. Chỉ nghe thôi đã thấy “rớt nước miếng” rồi phải không nào?

Yêu cầu của trò chơi là các bạn sẽ ăn từng thứ, sau đó mô tả lại cảm giác từ khi đưa thức ăn vào miệng cho tới khi chúng trôi xuống bụng. Hai bạn còn lại trong nhóm phải vẽ lại quá trình thức ăn “di chuyển” trong cơ thể. Phía dưới ai ai cũng hào hứng, vừa tập trung cổ vũ bạn mình vừa “góp” thêm những trận cười sảng khoái từ những màn thảo luận đầy hài hước giữa hai bên.

thpt_fpt_sinh-hoc-1

Tiết học lúc 4h chiều mà được ăn thế này thì còn gì bằng, có cậu bạn ăn nhanh quá không biết có kịp cảm nhận hương vị hay quá trình thức ăn di chuyển hay không nữa.

ramdisk-crop_174838207_xvdkx

Vui thế này ai mà không muốn tham gia chứ?

Bởi đã tìm hiểu trước ở nhà nên hai bức tranh của hai nhóm đều mô phỏng lại khá đúng về đường đi của thức ăn sau khi đi qua miệng, những nét vẽ đơn giản nhưng vẫn đúng và đầy đủ các bộ phận của hệ tiêu hóa. Thức ăn sau khi nhai nhỏ trong miệng sẽ được đẩy xuống thực quản, từ thực quản, thức ăn đi xuống dạ dày, nơi chứa nhiều axit. Từ đó, cộng với dịch từ túi mật, dạ dày co bóp để chuyển hóa chất dinh dưỡng và loại bỏ độc tố. Thức ăn đi tiếp đến ruột non để được phân hủy nhờ dịch từ gan và tụy tiết ra. Cuối cùng những phần không sử dụng được cho cơ thể sẽ theo ruột già đào thải ra ngoài. Sau mô tả, cô lại hỏi thêm những vấn đề nhỏ liên quan, bạn nào cũng rất nhiệt tình và tự tin tham gia đóng góp ý kiến để cộng thêm điểm thi đua cho nhóm mình.

thpt_fpt_sinh-hoc-3

ramdisk-crop_174838276_01sb5h6

Thức ăn vào từ miệng rồi sẽ đi vào cơ thể như thế nào nhỉ?

Sang đến phần tìm hiểu về các cấp độ tiến hóa của hệ tiêu hóa, cô Trang phát cho 4 nhóm nhỏ của lớp những mảnh ghép lẫn lộn để hoàn thành 4 bức tranh về hệ tiêu hóa của trùng biến hình, thủy tức, con người và động vật không xương. Đây là các cấp độ tiêu hóa khác nhau từ động vật chưa có cơ quan tiêu hóa, động vật có túi tiêu hóa đến động vật có ống tiêu hóa (người).

ramdisk-crop_174838232_nelyz

Phải ghép thật nhanh để còn về nhất nữa đó!

ramdisk-crop_174838369_l7ybp

Và bức tranh hoàn chỉnh đây rồi.

Để minh họa sinh động và dễ hiểu hơn cho phần này, một sản phẩm clip do chính 3 thành viên của lớp – bạn Thành Long, Thành Vinh, Minh Đại thực hiện. Cô Trang chia sẻ: “Ở FSchool, các bạn học sinh rất thông minh, sáng tạo và nhanh nhạy. Chỉ cần cô giáo giao đề bài hôm trước, hôm sau các bạn sẽ báo cáo luôn kế hoạch thực hiện và quy trình chi tiết. Cụ thể như clip này, sau khi nhận đề tài, các bạn lên kế hoạch ngay và liên hệ nhờ cô mua giúp nguyên liệu, sau đó theo sát kế hoạch từng người làm gì, từng ngày làm gì. Chỉ từ thứ 2 giao bài tập mà thứ 6 các bạn ấy đã hoàn thành rồi”. Hình ảnh trong clip rất đơn giản, dễ thương, cùng với lời thoại hài hước mà vẫn đảm bảo nội dung lý thuyết. Cá là chỉ cần ngắn gọn vậy thôi nhưng cũng đủ để giúp cả lớp thuộc bài ngon ơ.

Các bạn cùng xem clip ngắn rất dễ thương về quá trình tiêu hóa nhé!

Bài học được tiếp tục cho đến hết với rất nhiều câu hỏi đáp thú vị liên quan đến quá trình tiêu hóa, không khí lớp học cực kỳ sôi nổi với cả “rừng” cánh tay giơ cao, mong được cô gọi để đóng góp ý kiến. Các FSchooler vốn đã quen với cách học chủ động, chẳng bao giờ quên nhiệm vụ phải chuẩn bị bài trước ở nhà nên khi lên lớp chỉ mong “giành” được cơ hội phát biểu thôi. Mỗi câu trả lời chính xác, không những mang điểm thi đua về cho cả nhóm mà với mỗi câu hỏi đặc biệt các bạn còn có thể tự “rinh” điểm cao cho chính mình.

ramdisk-crop_174838316_ybkqt

Phải tranh thủ ghi điểm cao ở những câu khó mới được.

Có một điều đặc biệt trong môn Sinh của các bạn lớp 11A6 nói riêng, các bạn học sinh khối 11 mà cô Trang dạy nói chung đó là cô giáo đã thiết kế riêng một quyển vở. Cuốn vở đặc biệt này giúp các bạn tóm tắt nội dung chính của chương trình học và câu hỏi bài tập theo từng bài nhằm hạn chế tối đa việc ghi chép bài thụ động đồng thời giúp tiết học trên lớp trở nên sinh động hơn.

Các bạn sẽ phải chuẩn bị bài trước ở nhà theo hướng dẫn vở đã đưa ra, lên lớp cô chỉ chữa lại hoặc giải đáp thêm các câu hỏi mở rộng. Có những bài cô sẽ yêu cầu phải làm trước 100%, có bài thì không bắt buộc nhưng nếu bạn nào chuẩn bị ở nhà trước, hôm sau lên lớp trả lời đúng câu hỏi của cô đưa ra thì sẽ được điểm cao. Với phương pháp đó, dần dần các bạn học sinh tạo được thói quen làm bài tập trước để lên lớp dễ dàng lấy điểm và cũng thấy rất hứng thú với cách học này. Đến cuối kỳ, cuốn vở cũng là đề cương ôn thi, hệ thống đầy đủ các kiến thức cần nhớ cho các bạn học sinh ôn tập.

thpt_fpt_sinh-hoc-2

Cuốn vở “độc quyền”, chỉ có tại FSchool thôi nhé.

Cô Trang còn chia sẻ thêm rằng: “Vì môn Sinh có rất nhiều lý thuyết khó hiểu, đồng thời gắn với nhiều sự vật mà ta không thể nhìn hay sờ thấy được cho nên các giáo viên bộ môn luôn cố gắng tìm thật nhiều phương pháp dạy tạo cảm hứng cho học sinh. Việc biên soạn vở cho học sinh cô mới bắt đầu triển khai ở các lớp 11 năm học 2017 – 2018 thôi. Năm ngoái cô mới chỉ thăm dò bằng cách phát các phiếu bài tập riêng lẻ cho các tiết học. Sau một năm thử nghiệm thấy hiệu quả, rút ra nhiều kinh nghiệm, năm nay cô mới áp dụng rộng rãi hơn”.

Còn rất rất nhiều những hoạt động thú vị khác mà các bạn học sinh được thực hiện thay vì ngồi một chỗ và nghe giảng hay cặm cụi chép bao nhiêu lý thuyết Sinh học khô khan. Ví dụ như làm mô hình các tế bào đặc trưng với kích thước lớn, ra vườn quan sát quá trình quang hợp của cây, làm thí nghiệm, tự khái quát sơ đồ tư duy của cả một chương để dễ theo dõi kiến thức…

Môn Sinh đôi khi “khó nhằn” nhưng nếu được học theo cách phải hoạt động “không ngừng nghỉ” như ở FSchool thế này thì còn gì bằng nữa các bạn nhỉ. Vừa học vừa chơi mà hiệu quả lắm luôn đó.

Bài: Phương Hoa; Ảnh: Hoàng Thảo

 

Ngày đăng: 15/11/2017

Ngày cập nhật: 15/11/2017

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh