K6 tập huấn kĩ năng phòng ngừa và sơ cứu khi gặp tai nạn nước

Hiện nay tai nạn đuối nước xảy ra ngày càng nhiều và số lượng người tử vong do đuối nước không hề nhỏ. Vì vậy trong tuần định hướng vừa rồi, 540 học sinh K6 đã được tập huấn kĩ năng phòng ngừa và sơ cứu trong trường hợp đuối nước.

Bắt đầu bằng những câu chuyện đáng tiếc do tai nạn đuối nước gây ra, 2 thầy Trần Nhật Linh và Nguyễn Danh Khoa đến từ Học viện đào tạo kĩ năng Việt Nhật đã đưa ra những lí do vô cùng thuyết phục giải thích tại sao tất cả mọi người đều phải biết bơi và cần trang bị cho mình kĩ năng sơ cứu.

Diễn giả của chương trình là những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm.

“Ở đất nước Singapore, khi đến tuổi 15 mà không biết bơi thì cũng giống như mù chữ vậy!” – Thầy Nguyễn Danh Khoa chia sẻ.

Không những phải biết bơi, chúng ta cũng cần học cách sơ cứu, cấp cứu cho người gặp đuối nước để có thể cứu sống tính mạng của chính mình cũng như những người xung quanh.

Thầy giáo trực tiếp hướng dẫn các bước sơ cứu cùng một nam sinh.

Khi tiến hành sơ cứu người bị đuối nước, có 5 bước cơ bản. Đầu tiên, chúng ta cần đưa nạn nhân lên bờ, chú ý đặt nạn nhân tại nơi khô ráo và thoáng để tránh việc giảm thân nhiệt. Thứ hai, cần kiểm tra tình trạng của nạn nhân bằng hô hấp nhân tạo và bắt mạch. Thứ ba, nếu nạn nhân chưa thở được thì phải tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Thứ tư, sau khi nạn nhân tỉnh lại, cần đặt nạn nhân trong tư thế hồi sức an toàn. Cuối cùng, cần đưa nạn nhân vào cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe.

Ai cũng biết rằng khi có người đuối nước, cần phải liên lạc ngay với nhân viên y tế. Tuy nhiên không phải lúc nào họ cũng có thể đến hiện trường kịp thời để tiến hành cấp cứu cho nạn nhân. Một khoảng thời gian rất ngắn từ 3-4 phút chính cũng có thể quyết định tính mạng của một người bị đuối nước.

Các thầy cũng chia sẻ, dân gian xưa có lưu truyền một số kinh nghiệm khi gặp trường hợp đuối nước như sốc ngược nạn nhân, cho lên lưng trâu chạy một vòng… Tuy nhiên, không phải phương pháp nào cũng hợp lí và có thể sử dụng. Điều chúng ta cần trang bị là những kiến thức y học chính xác để tránh những trường hợp xấu xảy ra.

“Trong 4 phút vàng, nếu tiến hành cấp cứu trong vòng 1 phút đầu thì tỉ lệ cứu sống lên tới 98%” – Thầy Trần Nhật Linh chia sẻ.

Cùng với những kiến thức y học, 2 thầy cũng đưa ra những ví dụ minh họa, tình huống thực tế thú vị thông qua những đoạn video hay chính những câu chuyện mà các thầy đã gặp.

Sau đó, để khắc sâu những kiến thức đã được học, các teen lần lượt thực hành với hình nộm hoặc bạn bè. Ai nấy đều ngại ngùng, vừa háo hức lại có đôi chút vụng về trong lần đầu tiến hành sơ cứu nạn nhân đuối nước.

Các teen bỡ ngỡ, ngại ngùng trong lần đầu thực hành kĩ năng sơ cứu đuối nước.

Đa số các teen khi thực hành đều không tránh khỏi sự lung túng, người thì làm sai, người thì quên bước, người thì không đủ lực,… có vẻ việc cấp cứu nạn nhân không hề lãng mạn như chúng ta hay xem trên những bộ phim tình cảm!

Ngoài ra, có không ít bạn đã xác định sai vị trí của tim. Sau buổi tập huấn, nhiều bạn lần đầu nhận ra trái tim nằm ở giữa lồng ngực chứ không phải nằm lệch về phía ngực trái.

Sau buổi học này, K6 chắc chắn đã học hỏi được rất nhiều điều.

Sau khi thực hành cấp cứu, 2 thầy còn giới thiệu một số cách xử lí, cấp cứu nạn nhân khi bị nghẹt thở do nghẹn dị vật, khi bị rắn cắn, cách sơ cứu khi bị thương do bỏng hay vết thương chảy máu, khi bị gãy xương,…

Chỉ trong một buổi học, các teen K6 đã được trang bị thật nhiều kiến thức bổ ích. Chắc chắn sau buổi nói chuyện cùng 2 thầy giáo từ Học viện đào tạo kĩ năng Việt Nhật, các bạn học sinh có thể sẽ nâng cao khả năng cách cứu sống chính mình, người thân cũng như những người xung quanh trong trường hợp đuối nước.

 

 

 

Ngày đăng: 21/08/2018

Ngày cập nhật: 24/08/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh